Di tích Chăm Phong Lệ dãi nắng, dầm mưa

.

Sau khi khai quật khảo cổ lần đầu vào năm 2012, đến nay, di tích Chăm Phong Lệ (phường Hòa Thọ Đông, quận Cẩm Lệ) vẫn phơi nắng, dầm mưa và ngập nước mỗi khi trời mưa lớn. Sau gần 5 năm khai quật, ngoài mái tôn được dựng để che mưa cho hố thiêng, công tác giải phóng mặt bằng tại vùng lõi di tích chưa hoàn thành và cũng chưa lập hồ sơ đầu tư bảo tồn, phát huy giá trị di tích.

Khu vực khai quật khảo cổ và di tích đang dãi nắng, dầm mưa.
Khu vực khai quật khảo cổ và di tích đang dãi nắng, dầm mưa.

Di tích Chăm Phong Lệ được phát lộ và thực hiện khai quật khảo cổ lần đầu trên diện tích 500m2 vào năm 2012. Kết quả khảo cổ cho thấy, đây là di tích của ít nhất 3 ngôi tháp Chăm xây dựng vào khoảng thế kỷ thứ XI, có niên đại khoảng 1.000 năm.

Đây cũng là di tích tiêu biểu trong các di tích Chăm tại Đà Nẵng có điều kiện khảo sát đầy đủ nhất, nổi bật nhất là có một ngôi tháp còn lại phần cấu trúc lòng tháp dưới mặt đất (gọi là hố thiêng) lần đầu tiên được khám phá, nghiên cứu. Ngoài ra, trong khuôn viên khu di tích còn có di tích Miếu Bà có từ thời Tự Đức (1862) rất có giá trị về di sản kiến trúc và tín ngưỡng dân gian.

Tuy nhiên, theo quan sát và ghi nhận của chúng tôi, so với thời điểm sau khảo cổ (năm 2012), đơn vị quản lý chỉ mới dựng thêm mái tôn để che mưa và đắp bao tải cát xung quanh hố thiêng. Khu vực khảo cổ cũng chỉ cắm biển không xâm hại di tích.

Nhiều vị trí còn bị ngập nước khi trời mưa lớn. Nhà dân ở sát bên vẫn chưa giải tỏa dù người dân muốn nhanh chóng giải tỏa, bàn giao mặt bằng, nhường đất cho di tích. Theo UBND phường Hòa Thọ Đông, có 13 hồ sơ giải tỏa, trong đó có 12 hồ sơ đất nông nghiệp và 1 hồ sơ nhà. Nhưng đến nay mới chỉ có 6 hộ đã nhận tiền đền bù. Vướng mắc lớn nhất là một hộ nghèo nằm trong khu vực giải tỏa đề nghị được bố trí đất tái định cư, các hộ còn lại chưa đồng ý do đơn giá đền bù thấp...   

Theo Sở Văn hóa - Thể thao (VH-TT), sau khi có kết quả đánh giá khai quật lần đầu vào năm 2012, vào tháng 9-2013, sở tham mưu UBND thành phố phê duyệt ranh giới bảo vệ di tích với diện tích 2.653m2. Đồng thời, sở giao Bảo tàng Điêu khắc Chăm chịu trách nhiệm quản lý di tích. Ngày 26-12-2016, UBND thành phố phê duyệt ranh giới bảo vệ di tích mở rộng với tổng diện tích lên đến 17.087m2, sở cũng đã lập và trình phê duyệt hồ sơ quy hoạch tổng thể khai quật và bảo tồn, phát huy giá trị khu di tích Chăm Phong Lệ.  

Đối với công tác giải tỏa đền bù, Sở VH-TT đã phối hợp với các đơn vị liên quan lập hồ sơ thu hồi đất trên vùng lõi di tích với diện tích 2.653m2 với 13 hồ sơ giải tỏa. Tính đến thời điểm hiện nay, UBND thành phố đã cấp đủ vốn để chi trả đền bù, nhưng chỉ mới có 6 hộ dân nhận tiền đền bù, đang giải quyết các kiến nghị liên quan, tiếp tục chi trả tiền đền bù các hồ sơ còn lại.

Cũng theo Sở VH-TT, sau khi hồ sơ quy hoạch tổng thể được phê duyệt và hoàn thành thủ tục công nhận di tích, trong thời gian đến, sở sẽ triển khai lập hồ sơ chuẩn bị đầu tư tổng thể dự án bảo tồn, phát huy giá trị khu di tích Chăm Phong Lệ. Trong đó, việc triển khai đầu tư thực hiện phân kỳ theo thời gian, nguồn vốn. Trước mắt, sở sẽ đề xuất UBND thành phố bố trí vốn ngân sách để thực hiện các hạng mục bảo vệ, tu bổ, tôn tạo di tích. Riêng đối với hạng mục phát huy giá trị di tích sẽ xem xét đề xuất thực hiện từ nguồn vốn xã hội hóa.  

Bài và ảnh: KHÁNH HÀ

;
.
.
.
.
.