Trên một số tuyến đường trung tâm của thành phố thường xuyên xảy ra tình trạng ùn tắc giao thông cục bộ vào giờ cao điểm. Người và phương tiện muốn đi qua những đoạn đường này nhiều khi phải nhích từng chút.
Tuyến đường Trần Phú (đoạn từ giao lộ Trần Phú - Hùng Vương đến đoạn giao với đường Nguyễn Văn Linh) thường xuyên xảy ra ùn tắc cục bộ vào giờ cao điểm (ảnh chụp lúc 17 giờ 10 ngày 12-7-2018 trên đường Trần Phú, đoạn gần Trường mầm non Ánh Dương và Nhà thờ Chính tòa). |
Ùn tắc trên nhiều tuyến đường
Theo ghi nhận của chúng tôi, một số tuyến đường thường xuyên xảy ra ùn tắc cục bộ là đường Trần Phú (đoạn từ ngã tư Trần Phú - Hùng Vương đến đoạn giao với đường Nguyễn Văn Linh); đường Nguyễn Thái Học; đường Yên Bái (đoạn phía sau Nhà thờ Chính tòa). Vào giờ cao điểm, có đủ loại ô-tô con, ô-tô khách, taxi, xe máy… lưu thông hỗn hợp; chưa kể bên đường còn nhiều xe đậu đỗ khiến các phương tiện phải chen chúc.
Chị Nguyễn Thị Thúy An (trú quận Hải Châu), thường xuyên đi trên đường Trần Phú cho biết: “Từ cơ quan về nhà, tôi thường đi trên đường Trần Phú, hễ đến khu vực trước chợ Hàn thì lần nào cũng bị tắc đường vì có quá đông phương tiện lưu thông, trong khi taxi luôn dừng đỗ giữa đường để đón và trả khách; đó là chưa kể xe buýt, xe du lịch cũng đi trên tuyến đường này”.
Tình trạng ùn tắc giao thông cục bộ cũng thường xảy ra vào giờ cao điểm tại một số nút: bùng binh phía tây cầu Rồng, ngã tư Duy Tân - Núi Thành, bùng binh Nguyễn Văn Linh - Hoàng Diệu, đặc biệt là nút giao thông phía tây cầu Trần Thị Lý.
Chị Lê Thị Thảo Trang (trú phường Hòa Cường Nam, quận Hải Châu) phản ánh, cứ tầm 16 giờ 30 đến 18 giờ, ngã tư Duy Tân - Núi Thành luôn đông đúc, nhiều khi xảy ra ùn tắc. Chị Trang cho biết thêm, nơi đây không có đèn tín hiệu giao thông nên việc lưu thông rất nguy hiểm, nhất là vào ban đêm, khi các loại ô-tô, trong đó có xe du lịch từ phía cầu Trần Thị Lý và từ phía sân bay quốc tế Đà Nẵng hay các khách sạn trên đường Duy Tân đi qua điểm ngã tư này.
Còn trong những ngày có nhiều tiệc cưới được tổ chức, lượng người từ các nhà hàng trên đường 2 Tháng 9 đổ ra cũng khiến ngã tư Duy Tân - Núi Thành, khu vực nút giao phía tây cầu Trần Thị Lý bị ùn tắc nghiêm trọng. Lực lượng Cảnh sát giao thông (CSGT) phải căng mình điều tiết giao thông.
Cần giải pháp căn cơ
Theo Đại tá Lê Ngọc, Trưởng phòng CSGT - Công an thành phố Đà Nẵng, chỉ riêng trong 6 tháng đầu năm 2018 đã có thêm 5.864 ô-tô đăng ký mới (tăng 11% so với cùng kỳ năm 2017). Hiện toàn thành phố quản lý hơn 870.000 xe máy. Đó là chưa kể phương tiện của học sinh, sinh viên, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động ngoại tỉnh đổ về.
Ngoài ra, lượng khách du lịch đến Đà Nẵng ngày càng đông, xe khách loại trên 30 chỗ ngồi cũng nhiều và các điểm du lịch tập trung chủ yếu ở trung tâm thành phố… nên tất cả đổ dồn về, trong khi hạ tầng giao thông chưa đáp ứng kịp nhu cầu. Đây là những nguyên nhân cơ bản dẫn tới tình trạng ùn tắc tại một số tuyến đường, một số nút giao thông trong thời gian qua.
Trong khi đó, KTS. Tô Văn Hùng, Trưởng ban Đô thị - HĐND thành phố cho rằng, bên cạnh việc hệ thống hạ tầng giao thông đô thị không theo kịp tốc độ gia tăng của phương tiện giao thông cá nhân, cũng cần nhìn nhận sự bất cập từ trong quy hoạch.
Theo ông Hùng, hệ thống mạng lưới đường phố kiểu ô cờ, nhiều nút giao cắt, hầu hết là giao cắt cùng mức và quan trọng là một số chỉ tiêu về hạ tầng không bảo đảm quy mô dân số đô thị, trong khi thành phố thiếu các bãi đỗ xe tập trung.
“Tình trạng ô-tô đậu đỗ trên đường chiếm dụng một phần đáng kể lòng đường, trong khi lượng phương tiện giao thông cá nhân tăng rất nhanh nên gây ùn tắc cục bộ và có nguy cơ dẫn đến ùn tắc trên phạm vi rộng hơn”, ông Hùng phân tích.
Ông Nguyễn Đăng Huy, Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải cũng cho rằng, ngoài các nguyên nhân do quy hoạch chưa hợp lý, chưa quan tâm nhiều đến giao thông tĩnh, chưa có không gian cho vận tải công cộng, các nút giao đa số đều đồng mức, gần nhau nên dễ gây xung đột…, một phần nguyên nhân nữa là do lực lượng chức năng tuần tra, kiểm soát còn mỏng, chưa thường xuyên, liên tục, trong khi ý thức chấp hành pháp luật về trật tự an toàn giao thông của một bộ phận người điều khiển phương tiện giao thông chưa cao, tạo nên các tình huống nguy hiểm, vừa dễ dẫn đến ùn tắc giao thông, vừa dễ gây tai nạn.
Đại tá Lê Ngọc cho biết, thành phố đã triển khai quy hoạch nhiều tuyến đường một chiều, cắm biển cấm đỗ xe theo ngày chẵn - lẻ, áp dụng thu phí đậu đỗ ô-tô dưới lòng đường..., nhưng đây đều là những giải pháp tạm thời.
“Để giảm ùn tắc giao thông hiệu quả, ngoài việc người tham gia giao thông tự nâng cao ý thức thì quan trọng nữa là cơ quan chức năng phải triển khai sớm các bãi đỗ xe công cộng. Đây mới là bài toán giải quyết căn cơ vấn đề”, Đại tá Lê Ngọc nói.
Theo KTS. Phan Đức Hải, Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị thành phố, để giải quyết triệt để tình trạng nói trên, ngoài việc triển khai các biện pháp như: tăng cường phương tiện giao thông công cộng để hạn chế phương tiện cá nhân, đầu tư các bãi đỗ xe; tính toán phương án phân bổ dân cư, thành phố cần nghiên cứu để giải quyết đồng bộ giữa quy hoạch hạ tầng giao thông và cải tạo, chỉnh trang đô thị để bảo đảm tính tổng thể.
“Không phải cứ ùn tắc chỗ nào thì mới thông chỗ đó. Vấn đề là cần quy hoạch, cải tạo các nút giao thông đô thị trong tổng thể mạng lưới giao thông của toàn thành phố theo hướng đồng bộ”, KTS. Phan Đức Hải phân tích.
KTS. Tô Văn Hùng cũng cho rằng, để giải quyết bài toán ùn tắc giao thông, trước mắt cần rà soát, bổ sung các chỉ tiêu về hạ tầng, nhất là các bãi đỗ xe tập trung để giải phóng lòng đường; cải tạo các nút giao cắt có lưu lượng giao thông lớn, tổ chức phân luồng, phân làn từ xa, tăng cường vận động người dân sử dụng xe buýt.
“Về lâu dài, cần có giải pháp quy hoạch hệ thống giao thông mang tính tổng thể, toàn diện, trong đó tăng cường các loại phương tiện giao thông công cộng khác như: tàu điện trên không, metro... Cùng với đó là các giải pháp hạn chế phương tiện giao thông cá nhân, tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân…”, KTS. Tô Văn Hùng nói.
Bài và ảnh: ĐẮC MẠNH