Làng nghề đá mỹ nghệ Non Nước: Ô nhiễm bụi đá kéo dài

.

Qua 'đường dây nóng' của Báo Đà Nẵng, một số hộ dân đang sản xuất, kinh doanh tại Làng nghề đá mỹ nghệ Non Nước (phường Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn) phản ánh diện tích bố trí nhà xưởng quá nhỏ, trung bình 100m2 khiến công việc sản xuất, chế tác, vận chuyển, trưng bày sản phẩm đá gặp không ít khó khăn.

Nhiều cơ sở vẫn sản xuất trong địa bàn dân cư mà không có biện pháp che chắn.
Nhiều cơ sở vẫn sản xuất trong địa bàn dân cư mà không có biện pháp che chắn.

Bà Phạm Thị Hải, chủ cơ sở sản xuất đá mỹ nghệ Sơn Hải cho biết, theo chủ trương di dời các cơ sở sản xuất đá mỹ nghệ ra khỏi khu dân cư (KDC) của UBND quận Ngũ Hành Sơn, năm 2015, gia đình bà được bố trí một lô đất diện tích 100m2 trên đường Nguyễn Duy Trinh, thuộc khu tái định cư Đông Hải, phường Hòa Hải. Tuy nhiên, từ đó đến nay, việc sản xuất của gia đình bà Hải khá trì trệ, có thời điểm không thể hoạt động vì diện tích nhỏ, khó khăn trong việc bố trí nguyên liệu, máy móc, thợ bỏ đi hết.

“Diện tích nhỏ khiến bụi đá bị gom lại trong 4 bức tường, công nhân chịu không nổi xin nghỉ gần hết, nhiều khi chúng tôi phải từ chối bớt đơn hàng vì thiếu nhân công”, bà Hải nói.

Được biết, trước khi chuyển đến vị trí này, gia đình bà Hải từng có 3 cơ sở chế tác, trưng bày sản phẩm đá mỹ nghệ Non Nước rộng khoảng 600m2 dành cho việc bố trí nhà xưởng, tủ trưng bày, hoạt động quanh năm với gần 10 lao động, thợ thủ công lành nghề.

Ghi nhận tại đường Nguyễn Duy Trinh, nhiều khu chế tác đá được che chắn tạm bợ hoặc nằm trơ giữa nắng, xen kẽ với tiếng máy cắt đá, mài đá rền vang, bụi bay lên trắng xóa. Chưa kể nguồn nước trộn hóa chất để đánh bóng các loại đá cũng là yếu tố gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.

Một người dân sống tại đây than phiền: “Nhà tôi quanh năm suốt tháng đóng kín cửa nhưng bụi vẫn theo khe hở bay vào nhà, bám đầy trên bàn, ghế và các vật dụng sinh hoạt. Thử hỏi trời nóng thế này mà sống giữa tiếng đục, đẽo đá rền vang và bụi đá thì sức mô chịu nổi!”.

Chuyện ô nhiễm tiếng ồn, bụi đá ở khu vực chế tác đá mỹ nghệ Non Nước là thực trạng đáng báo động nhiều năm qua. Trong khi đó, Làng nghề đá mỹ nghệ Non Nước được quy hoạch từng được xem là giải pháp hạn chế ô nhiễm bụi đá, tiếng ồn tại KDC nhưng nhiều hộ dân không muốn di dời đến đây.

Làng nghề đá mỹ nghệ Non Nước tập trung khoảng 20 doanh nghiệp và 500 cơ sở kinh doanh, giải quyết việc làm cho khoảng 4.000 lao động mỗi năm.

Ông Võ Đức Huy, Trưởng ban quản lý (BQL) Làng nghề đá mỹ nghệ Non Nước cho rằng, cách bố trí theo kiểu phân lô (5 x 20m) khiến ô nhiễm tiếng ồn, bụi đá, nước thải càng trở nên trầm trọng.

Theo ông Huy, từ năm 2017, Phòng Tài nguyên-Môi trường quận Ngũ Hành Sơn đã phối hợp với UBND phường Hòa Hải vận động, yêu cầu người dân không được sản xuất đá tại KDC, di dời vào làng nghề nhằm hạn chế ô nhiễm môi trường. Tuy nhiên, hiện tại, vẫn còn nhiều hộ tiếp tục mang đá đến sản xuất tạm tại các lô đất trống, khiến tình trạng ô nhiễm càng phức tạp hơn.

Ông Nguyễn Việt Minh, Chủ tịch Hội Làng nghề đá mỹ nghệ Non Nước cũng thừa nhận quỹ đất dành cho việc sản xuất đá quá nhỏ, lại nằm gần KDC nên “ô nhiễm vẫn hoàn ô nhiễm”. Ông Minh tỏ ra lo lắng trước thực trạng hiện nay thì việc phát triển làng nghề kết hợp với du lịch, đưa khách đến tham quan, trải nghiệm sẽ không thể thực hiện bởi bụi đá và ô nhiễm tiếng ồn.

Theo thông tin từ UBND quận Ngũ Hành Sơn, giai đoạn 1 của Làng nghề đá mỹ nghệ Non Nước quy hoạch 350 cơ sở, đến nay phần lớn đã chuyển vào làng nghề. Tuy nhiên, trong thời gian mở rộng Làng nghề đá mỹ nghệ Non Nước giai đoạn 2 về hướng đông nam của phường Hòa Hải (bố trí khoảng 125 lô đất cho các hộ sản xuất với diện tích 7,7 x 15m), ngoài địa bàn dân cư vẫn còn khoảng 100 cơ sở tiếp tục sản xuất gây ô nhiễm môi trường.

Bài và ảnh: H.LÊ


 

;
;
.
.
.
.
.