Chung cư có thang máy, nhưng đi... thang bộ!

.

Thời gian qua, hệ thống thang máy tại một số khu chung cư thu nhập thấp trên địa bàn Đà Nẵng thường xuyên hư hỏng, khiến không ít hộ dân, đặc biệt là người già và trẻ nhỏ không dám sử dụng thang máy mà chọn cách đi cầu thang bộ.

Dù được bảo dưỡng thường xuyên nhưng hệ thống thang máy tại các khu chung cư thu nhập thấp trên địa bàn Đà Nẵng liên tục gặp sự cố.
Dù được bảo dưỡng thường xuyên nhưng hệ thống thang máy tại các khu chung cư thu nhập thấp trên địa bàn Đà Nẵng liên tục gặp sự cố.

Cách đây hơn nửa tháng, bà Nguyễn Thị Bốn từ Quảng Ngãi ra thăm gia đình con trai đang sinh sống tại Chung cư 4A, Làng cá Nại Hiên Đông, phường Nại Hiên Đông (quận Sơn Trà) một phen hốt hoảng vì bị thang máy “nhốt” hơn 10 phút. Đang đi thang máy, bà Bốn thấy hệ thống điện vận hành thang tắt, thang máy giật giật rồi dừng hẳn. Không mang theo điện thoại di động nên bà Bốn không có cách gì liên lạc. Bà cố gắng la lớn, đúng lúc có người đi ngang qua nghe và báo với bảo vệ tòa nhà cạy cửa thang máy. Bà Bốn được đưa ra ngoài an toàn nhưng từ đó không dám đi thang máy nữa.  

Ông Trần Văn Dũng, nhà trưởng Chung cư 4A, Làng cá Nại Hiên Đông cho biết, hệ thống thang máy tại khu chung cư thường xuyên hư hỏng, “nhốt” người ở trong. Nhiều thời điểm thang máy này hoạt động thì thang máy kia hỏng. “Công tác bảo trì diễn ra thường xuyên nhưng không hiểu sao thang liên tục hỏng, có lẽ chất lượng kém. Nhiều lúc nhận được tin báo từ tòa nhà nhưng đôi ba ngày sau đơn vị quản lý mới cử lực lượng đến sửa chữa”, ông Dũng nói.

Tương tự, mới đây, một người dân (xin giấu tên) sống tại chung cư đường Âu Cơ, Khu công nghiệp Hòa Khánh than phiền khu nhà E1, E2 chỉ vận hành 1 thang máy, còn 2 thang máy kia bị khóa, không cho người dân sử dụng. Ban quản lý tòa nhà trả lời rằng do thang hỏng, chưa sửa được. “Tòa nhà 12 tầng, có rất nhiều người lớn, trẻ em và phụ nữ đang mang thai sinh sống nhưng chỉ vận hành 1 thang máy khiến việc đi lại rất khó khăn, có khi phải chờ hơn 10 phút mới đến lượt. Nhất là buổi sáng, nhiều người đến giờ đi làm, do không đủ kiên nhẫn chờ thang máy nên phải thang bộ cho nhanh và an toàn”, người này nói.

Trong khi đó, tại khu chung cư Phong Bắc (quận Cẩm Lệ), thang máy vận hành bình thường nhưng bên trong thì hệ thống dây điện lòng thòng gần bộ phận bấm số khiến nhiều phụ huynh yêu cầu con nhỏ không được tự ý đi thang máy, sợ gặp sự cố về điện.

Kiến trúc sư Nguyễn Văn Hùng, công tác tại Công ty Xây lắp hạ tầng BQK cho rằng, thang máy hỏng có thể do nhiều nguyên nhân: thang bị đứt cáp rơi tự do, quá tải, không được bảo dưỡng định kỳ, hỏng bình ắc-quy, bóng đèn, vi xử lý, công tắc tơ, biến tần... Ngoài ra, điều này còn phụ thuộc vào yếu tố chất lượng đầu tư thang máy chưa bảo đảm, trang thiết bị thay thế chưa đồng bộ và phù hợp với hiện trạng thang máy ban đầu.

Cũng theo ông Hùng, ngoài những yếu tố trên, cần ban hành quy chế sử dụng thang máy cho các hộ dân như không được đi quá tải trọng cho phép, không phóng uế, cạy phá hệ thống điện vận hành, cần phối hợp tốt với nhân viên bảo dưỡng thang máy để bảo vệ tài sản chung của tòa nhà.

Đại diện Trung tâm Quản lý và Khai thác nhà Đà Nẵng cho biết, đơn vị hiện chỉ tiếp nhận, quản lý và vận hành toàn bộ hệ thống tòa nhà, trong đó có thang máy. Khi thang máy tòa nhà gặp sự cố, Trung tâm cử đội ngũ kỹ thuật đến kiểm tra, sửa chữa.

Trong một số trường hợp thang máy hư do hệ thống máy móc, cần thay thế thiết bị, phụ tùng không có sẵn thì phải chờ đợi. Hiện nay, có khá nhiều thang máy tại khu chung cư thu nhập thấp xuống cấp, thường xuyên hư hỏng nhưng đơn vị không có chức năng thay thế mà chỉ báo cáo cấp trên và chờ ý kiến chỉ đạo.

Cũng theo vị đại diện này, hiện hệ thống thang máy tại một số chung cư thu nhập thấp trên địa bàn Đà Nẵng do Công ty Thang máy Thiên Nam Sài Gòn đầu tư. Thời gian qua, trước tình trạng thang máy chung cư thường xuyên hư hỏng, đơn vị đã kiến nghị với Sở Xây dựng, đồng thời cử lực lượng kỹ thuật thường xuyên kiểm tra, khắc phục sự cố.

Bài và ảnh: H.LÊ

;
;
.
.
.
.
.