“Đường dây nóng” của Báo Đà Nẵng nhận được phản ánh của người dân ở thôn Hiền Phước (xã Hòa Liên, huyện Hòa Vang) bày tỏ lo lắng về việc chính quyền địa phương và cơ quan chức năng tiến hành tiêu hủy hơn 60 con heo bị dịch tả heo châu Phi bằng cách chôn lấp ngay trong vườn nhà dân có thể gây ô nhiễm môi trường.
Hố chôn lấp 63 con heo bị dịch tả châu Phi ở cuối vườn nhà ông Nguyễn Văn Tới. |
Chiều 14-8, chúng tôi có mặt tại hiện trường nơi người dân phản ánh và ghi nhận cơ quan chức năng đang tiến hành chôn lấp toàn bộ số heo bị nhiễm dịch tả châu Phi. Khu vực chôn lấp được xe đào múc thành hố sâu hơn 2m, rộng hơn 3m, nằm trong khu vực đất vườn phía cuối dãy chuồng nuôi của hộ ông Nguyễn Văn Tới (tổ 4 thôn Hiền Phước). Đây là diện tích đất được ông Tới thuê làm khu vực chăn nuôi heo nhiều năm qua.
“Chúng tôi lo lắng việc chôn cùng lúc hơn 60 con heo bệnh sẽ gây ô nhiễm môi trường. Chưa kể xác heo sẽ bị phân hủy rồi ngấm vào nguồn nước ngầm làm ảnh hưởng đến nguồn nước sinh hoạt của hàng chục hộ dân xung quanh”, một người dân bày tỏ.
Theo ông Ngô Văn Thành, cán bộ phụ trách nông nghiệp xã Hòa Liên, ngày 13-8, UBND xã nhận được thông tin về việc khu vực chuồng nuôi heo của hộ ông Nguyễn Văn Tới có 1 con heo chết chưa rõ nguyên nhân trong đàn gồm 63 con heo nên đến kiểm tra.
Địa phương báo cáo với UBND huyện và liên hệ các cơ quan chức năng tiến hành lấy 3 mẫu hạch, máu heo trong đàn heo của ông Nguyễn Văn Tới để xét nghiệm. Kết quả xét nghiệm số 1521 ngày 13-8 của Chi cục Thú y vùng 4 trả lời Chi cục Chăn nuôi và Thú y thành phố Đà Nẵng về 3 mẫu được gửi xét nghiệm cho thấy, cả 3 mẫu đều dương tính với vi-rút gây bệnh dịch tả heo châu Phi.
“Sau khi có kết quả, chúng tôi đã liên hệ với các đơn vị chức năng lập biên bản tiêu hủy toàn bộ 63 con heo, tổng trọng lượng hơn 3,4 tấn. Việc đào hố chôn lấp tại chỗ nhằm tránh nguy cơ lây lan nguồn bệnh cho nơi khác.
Còn toàn bộ quy trình xử lý, khử trùng, tiêu hủy đều bảo đảm quy định”, ông Thành nói và cho biết khu vực chôn lấp heo nằm trong khu vườn được chủ đất đồng ý. Khu vực này nằm sát nghĩa địa, nằm dưới đường dây điện 500kV đi qua và cách nhà dân gần nhất hơn 300m.
Ông Nguyễn Anh Tuấn, cán bộ Chi cục Chăn nuôi và Thú y thành phố cho biết, việc đào hố chôn lấp, quy trình tiêu độc khử trùng, rắc vôi bột và khử trùng số heo bị dịch tả này đều được tiến hành theo đúng yêu cầu Thông tư 07/2016/TT-BNNPTNN của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về quy định phòng, chống dịch bệnh động vật trên cạn.
“Địa điểm chôn lấp ngay tại khu vực chăn nuôi có động vật mắc bệnh nhằm hạn chế việc vận chuyển xác heo đi xa, tránh phát tán vi-rút ra ngoài môi trường và ảnh hưởng tới các khu chăn nuôi an toàn khác”, ông Tuấn nói.
Trao đổi thêm về việc quản lý hố chôn này, ông Trương Tấn Mạnh, Chủ tịch UBND xã Hòa Liên cho hay, sau khi hoàn tất quá trình tiêu hủy, UBND xã sẽ dựng biển cảnh báo người ra vào khu vực; đồng thời, UBND xã sẽ quản lý, tổ chức kiểm tra định kỳ và xử lý kịp thời nếu xảy ra các sự cố sụt, lún, xói mòn, rò rỉ, bốc mùi của hố chôn.
“Thời gian tới, chúng tôi tiếp tục tuyên truyền cho người dân khi thấy heo nuôi chết hoặc có dấu hiệu mắc bệnh thì lập tức thông báo với cơ quan chức năng tới lấy mẫu xét nghiệm xem có dương tính với dịch tả heo châu Phi hay không để làm căn cứ thống kê, tiêu hủy hỗ trợ sau này. Bên cạnh đó, tùy quy mô, mức độ của ổ dịch, xã sẽ có các biện pháp tiêu độc, khử trùng, vệ sinh và tiêu hủy phù hợp”, ông Mạnh nói.
Bài và ảnh: ĐẮC MẠNH