Tình trạng lấn chiếm vỉa hè trước cổng một số bệnh viện gây khó khăn cho người đi bộ, ùn tắc giao thông, ảnh hưởng đến quá trình vận chuyển nạn nhân cấp cứu... Chính quyền các địa phương thường xuyên cử lực lượng kiểm tra, nhắc nhở, xử phạt hành chính đối với các hộ kinh doanh, buôn bán, trông giữ xe nhưng việc lấn chiếm vẫn diễn ra.
Điểm giữ xe trước Bệnh viện Đà Nẵng (phía đường Quang Trung) chiếm dụng hoàn toàn phần vỉa hè, không còn lối cho người đi bộ. |
Hàng quán và xe máy cản trở giao thông
Khu vực cổng trước và sau Bệnh viện Đà Nẵng, Bệnh viện C Đà Nẵng, trên đường Quang Trung và Hải Phòng (thuộc phường Thạch Thang, quận Hải Châu) hiện có gần 50 hộ kinh doanh, buôn bán vỉa hè. Chiều tối 6-8, phóng viên có mặt tại khu vực nói trên thì thấy các hàng quán bún, mì, phở, bánh mì, trái cây, nước giải khát, cơm bình dân... thản nhiên để vật dụng, bàn ghế tràn ra vỉa hè. Chưa kể một số xe đạp bán trái cây lưu động dựng ngay dưới lòng đường gây cản trở giao thông.
Tại cổng Bệnh viện Đà Nẵng phía đường Quang Trung, vỉa hè bị chiếm dụng làm nơi buôn bán và trông giữ xe. Điểm giữ xe máy của hộ ông Lưu Văn Chút trên vỉa hè rộng khoảng 3 mét sát cổng bệnh viện, kéo dài đến khu vực đối diện cổng UBND phường Thạch Thang được tận dụng xếp hai lớp xe máy nên không còn lối dành cho người đi bộ.
Vỉa hè trước cổng Bệnh viện Hoàn Mỹ cũng trở thành nơi trông giữ xe máy. Nhiều thời điểm, số lượng xe gửi tại đây tăng cao nên hầu như không có lối dành cho người đi bộ. Thậm chí, nhiều người muốn đưa xe máy lên lề để rút tiền tại cây ATM nhưng bị đội ngũ trông giữ xe cản trở.
Ông Diệp Hữu Đức, đại diện đơn vị giữ xe tại Bệnh viện Hoàn Mỹ cho biết, do số lượng bệnh nhân đến khám, điều trị tại bệnh viện ngày càng đông nên vài ba năm nay, bệnh viện đã đề nghị UBND quận Hải Châu cho phép sử dụng một phần vỉa hè ngoài mục đích giao thông để tăng cường trông giữ xe, tạo điều kiện cho bệnh nhân đến thăm khám.
Hai bên vỉa hè trước cổng Bệnh viện Mắt (số 68 Phan Đăng Lưu, phường Hòa Cường Bắc, quận Hải Châu) hiện cũng bị vài ba quầy bán tạp hóa, nước giải khát chiếm dụng. Vỉa hè khu vực này khá nhỏ, rộng khoảng 2 mét, trong khi lối lên cổng bệnh viện có độ dốc tương đối lớn.
Bà Nguyễn Thị Thu sống gần khu vực này cho biết: “Tình trạng lấn chiếm vỉa hè ở đây tồn tại đã lâu, khi nào phường nhắc nhở thì các hộ buôn bán nhích vô trong một chút, nhưng vài ngày sau thì đâu lại vào đó. Việc lấn chiếm càng khiến lối vào bệnh viện nhỏ hẹp, nhếch nhác hơn”.
Tại đường Lê Văn Hiến, trước cổng Bệnh viện Phụ sản - Nhi Đà Nẵng (quận Ngũ Hành Sơn), khoảng thời gian từ chiều đến đêm, có khá nhiều xe bán bánh mì, xôi, bắp, trái cây, hột vịt lộn, cá viên chiên đặt một số ghế nhựa xuống lòng đường để khách tiện ngồi ăn uống.
Một nhân viên bảo vệ tại bệnh viện này (xin giấu tên) phản ánh: “Đường Lê Văn Hiến rộng 48 mét, với phần vỉa hè rộng hơn 6 mét mỗi bên nên việc lấn chiếm vỉa hè không phức tạp như trước một số cổng bệnh viện khác. Tuy nhiên, một số xe bán thức ăn nhanh thường dựng ngay dưới lòng đường - đoạn ra vào cổng bệnh viện, thỉnh thoảng chúng tôi nhắc nhở, đề nghị họ nhường chỗ cho xe cấp cứu lưu thông thuận lợi nhưng không phải ai cũng sẵn sàng hợp tác”.
Khung xử phạt chưa đủ sức răn đe
Cuối tháng 7-2019, qua tuần tra trên tuyến đường Hải Phòng, đoạn trước cổng Bệnh viện Đà Nẵng, UBND phường Thạch Thang đã ra quyết định xử phạt 2 trường hợp lấn chiếm vỉa hè, mỗi trường hợp 750.000 đồng; đồng thời nhắc nhở, yêu cầu các hộ còn lại cam kết buôn bán theo quy định, không cản trở lối ra vào bệnh viện.
Trước đó, tháng 6-2019, hộ ông Lưu Văn Chút giữ xe máy ở vỉa hè trước cổng Bệnh viện Đà Nẵng, phía đường Quang Trung, bị UBND phường Thạch Thang xử phạt hành chính 1 triệu đồng do có hành vi quát tháo và chửi bới khách hàng đến gửi xe.
Tại biên bản làm việc giữa Tổ kiểm tra quy tắc đô thị phường Thạch Thang và ông Chút ngày 14-6 có nội dung yêu cầu cha con ông thực hiện đúng quy định về trật tự vỉa hè, chừa lối cho người đi bộ, xếp xe ngay hàng thẳng lối, thu phí giữ xe đúng giá niêm yết và không được cư xử phản cảm, vô văn hóa.
Nếu ông Chút tái phạm và bị phản ánh, UBND phường sẽ yêu cầu ông chấm dứt việc trông giữ xe. Tuy nhiên, không những hộ ông Chút mà nhiều hộ buôn bán, kinh doanh khác vẫn lấn chiếm vỉa hè ngay lối ra vào Bệnh viện Đà Nẵng.
Ông Trần Thế Sơn, Chủ tịch UBND phường Thạch Thang cho biết, UBND phường thường xuyên huy động lực lượng kiểm tra, xử lý vi phạm trật tự vỉa hè, đặc biệt chú ý khu vực cổng Bệnh viện Đà Nẵng với mong muốn tạo hành lang thông thoáng, giữ an toàn cho người dân khi vào ra bệnh viện nhưng khung xử phạt hiện nay chưa đủ sức răn đe.
Chưa kể một số trường hợp thường xuyên vi phạm trật tự vỉa hè, bị UBND phường ra quyết định cấm buôn bán hoặc yêu cầu di chuyển đi nơi khác đã làm đơn khiếu nại, xin cứu xét khiến lãnh đạo phường băn khoăn, không biết xử lý sao cho hợp lý, hợp tình.
Trong khi đó, ông Nguyễn Vũ Ngọc Khôi, Tổ kiểm tra quy tắc đô thị phường Thạc Gián (quận Thanh Khê) cho hay, ông cùng một số thành viên khác của tổ được giao nhiệm vụ quản lý trật tự vỉa hè khu vực Bệnh viện Hoàn Mỹ và từng nhiều lần nhận được phản ánh của người dân về tình trạng giữ xe lấn chiếm vỉa hè.
“Chúng tôi đã mời đơn vị trông giữ xe lên làm việc, yêu cầu phía bệnh viện bảo đảm việc sử dụng vỉa hè phải chấp hành đầy đủ quy định về vệ sinh môi trường, trật tự công cộng, trật tự an toàn giao thông, đúng giấy phép được cấp, không làm ảnh hưởng đến sinh hoạt của người dân. Nếu không chấp hành, UBND phường sẽ xử lý theo quy định pháp luật”, ông Khôi nói.
Đối với tình trạng buôn bán trước cổng Bệnh viện Phụ sản - Nhi, đại diện UBND phường Khuê Mỹ (quận Ngũ Hành Sơn) cho biết, từ năm 2017, nhằm thực hiện tốt các nội dung chương trình “Thành phố 4 an”, xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh đô thị trên địa bàn, UBND phường đã thông báo nghiêm cấm các hành vi buôn bán, kinh doanh trước cổng bệnh viện này.
Tuy nhiên đến nay, tình trạng lấn chiếm lòng đường làm nơi buôn bán vẫn tái diễn, ảnh hưởng đến an ninh trật tự, gây mất an toàn giao thông. Mỗi năm UBND phường ra quyết định xử phạt hành chính không dưới 10 trường hợp vi phạm, chủ yếu từ nơi khác đến.
Bài và ảnh: H.LÊ