Tại một số tuyến đường trên địa bàn Đà Nẵng, nhiều vỉa hè, lòng đường bị người dân chiếm dụng thành nơi họp chợ, gây cảnh nhếch nhác, mất an toàn giao thông, ô nhiễm môi trường...
Tình trạng phân loại hải sản trên bãi biển Mân Thái tạo cảnh nhếch nhác, mất vệ sinh môi trường. |
Lấn chiếm vỉa hè, lòng đường
Ghi nhận thực tế tại vỉa hè phía tây đoạn Hoàng Sa giáp Lê Đức Thọ (phường Thọ Quang, quận Sơn Trà) sáng 26-7, chúng tôi thấy có khá nhiều hộ dân căng lều bạt buôn bán hải sản. Nhiều người dừng ô-tô, xe máy ngay dưới lòng đường trả giá, chờ cân hải sản.
Lều bạt được dựng tạm bợ nên nghiêng bên này ngả bên kia theo từng cơn gió thốc vào từ biển; bên cạnh là vô số thùng xốp, giỏ nhựa đựng hải sản được chất thành đống. Trong quá trình buôn bán, nước từ những thau hải sản vương vãi khắp bề mặt vỉa hè, trông nhếch nhác.
Ở khu vực bãi biển Mân Thái, chạy dọc tuyến đường Hoàng Sa, là những điểm tập kết, phân loại hải sản, chủ yếu cá tạp, ốc, nghêu, sò... được người dân đánh bắt từ những tàu, thuyền nhỏ. Điều đáng nói, đa số hải sản này được đổ trực tiếp xuống bãi cát rồi mới phân loại, nên dù dọn dẹp sau đó nhưng trên bãi vẫn sót lại khá nhiều xác hải sản loại nhỏ, cộng với mùi tanh hôi bốc lên.
Trên vỉa hè, một số xe bán tải thu mua hải sản thản nhiên đậu để chất hàng, nước rơi vãi, chảy thành dòng kèm theo mùi tanh đặc trưng của hải sản khiến không ít người đi ngang qua đây phải nín thở.
Đáng nói, tình trạng nhếch nhác, ô nhiễm môi trường dọc hai bên tuyến đường Hoàng Sa, đoạn gần bán đảo Sơn Trà từng được các phương tiện truyền thông phản ánh nhiều, chính quyền địa phương cũng tăng cường tuyên truyền, xử phạt nhưng đến nay vẫn chưa được cải thiện.
Trong khi đó, chợ Hòa Khánh (quận Liên Chiểu) là một trong những khu chợ truyền thống lớn trên địa bàn thành phố, tập trung hàng trăm hộ kinh doanh, buôn bán. Tuy nhiên, không khó để nhận thấy tại tuyến đường Nguyễn Cảnh Chân, sát chợ Hòa Khánh có khá nhiều sạp quần áo di động được đẩy ra lấn chiếm cả phần đường.
Trên vỉa hè tuyến đường Vũ Ngọc Phan nằm song song chợ Hòa Khánh cũng có vô số quầy thịt, cá, rau, củ quả bày bán. Những không gian kinh doanh, buôn bán tự phát nằm bên ngoài khuôn viên chợ Hòa Khánh tồn tại nhiều năm qua, thu hút khách hàng mua sắm từ sáng sớm đến tối muộn.
Gần tuyến đường ngang dân sinh, thuộc tổ 47, phường Hòa Hiệp Nam (quận Liên Chiểu) thời gian qua xuất hiện tình trạng họp chợ của một số hộ dân sống trong khu vực. Tuyến đường ngang có chiều rộng khoảng hơn 3 mét, không có phần vỉa hè nên việc buôn bán được thực hiện ngay giữa lòng đường, khiến tuyến đường vốn nhỏ càng thêm nhỏ hẹp, ảnh hưởng trật tự an toàn giao thông, nhất là vào giờ cao điểm. Theo quan sát của chúng tôi, khu vực này hiện có gần 10 người bán buôn các loại hải sản, thịt cá, rau, củ quả...
Trên địa bàn quận Thanh Khê, một số tuyến đường như đường Phan Nhu (bên cạnh chợ Phú Lộc), đường Cù Chính Lan (gần chợ Thanh Khê)... cũng có tình trạng họp chợ tự phát, bày bán ngay trên vỉa hè, dưới lòng đường. Thực tế này tồn tại từ năm này qua năm khác, dù cơ quan chức năng và chính quyền địa phương nhiều lần cử lực lượng xử lý nhưng vẫn chưa thể giải quyết dứt điểm.
Khó xử lý!
Theo tìm hiểu của chúng tôi, vài năm nay, do chưa có điểm tập kết phương tiện đánh bắt hải sản công suất dưới 20CV (gần 100 chiếc) nên UBND quận Sơn Trà cho phép người dân tạm tập kết, phân loại hải sản từ 5-9 giờ sáng hằng ngày tại bãi biển Mân Thái, giao cho UBND phường Thọ Quang quản lý, đồng thời xử lý nếu có vi phạm xảy ra.
Ông Lê Tấn Thanh, Phó Chủ tịch UBND phường Thọ Quang cho biết, địa phương nắm rõ và từng ban hành Kế hoạch số 506/KH-UBND ngày 10-5-2019 về việc ra quân xử lý lấn chiếm vỉa hè tại chợ tự phát ở đường Hoàng Sa gần bãi tắm Mân Thái (từ ngày 13-5 đến 19-5) nhưng chỉ cần phường “lơ là” một chút thì tình trạng chợ tự phát tái diễn. “Thời gian qua, chúng tôi đã tổ chức lực lượng xử lý 6 trường hợp lấn chiếm vỉa hè bán hải sản đường Hoàng Sa. UBND phường sẽ tiếp tục xử lý các trường hợp còn lại nếu họ vẫn cố tình không chấp hành quy định về bảo vệ môi trường, giữ gìn mỹ quan đô thị”, ông Thanh nói.
Chủ tịch UBND phường Hòa Hiệp Nam Nguyễn Thị Lệ cho biết, về tình trạng họp chợ gần tuyến đường ngang dân sinh, thuộc tổ 47, UBND phường đã chỉ đạo Tổ Kiểm tra quy tắc đô thị tiến hành kiểm tra và xử lý. Theo bà Lệ, phần lớn các hộ buôn bán “cây nhà lá vườn”, bán con cá, con tôm mới đánh bắt hoặc rau, củ trồng trong vườn nhà. Chỉ có vài hộ chuyên mua đi bán lại, đời sống kinh tế còn nhiều khó khăn.
Đại diện Sở Công thương cho biết, theo thống kê chưa đầy đủ, hiện toàn thành phố có hơn 40 chợ cóc, chợ tự phát với gần 800 hộ buôn bán, kinh doanh nhỏ lẻ. Phần lớn các hộ có hoàn cảnh khó khăn, bám vào rổ rau, thau cá trong vài tiếng họp chợ để lo kinh tế cho gia đình. Vì vậy, việc xử lý là không dễ.
Tại vỉa hè phía tây đoạn đường Hoàng Sa giáp Lê Đức Thọ (phường Thọ Quang, quận Sơn Trà) là điểm tập kết hải sản, tạo thành chợ cóc; trong khi trên một số tuyến đường xương cá giao với đường Hoàng Sa như các đường Dương Thạc, Vũ Ngọc Nhạ (quận Sơn Trà) tồn tại những đống rác khổng lồ. Do không có thùng rác nên người dân mang rác đổ vô tội vạ ở những lô đất trống, từ đó phát sinh ruồi nhặng, côn trùng, ô nhiễm môi trường trầm trọng. |
Bài và ảnh: HUỲNH LÊ