Xử lý nạn đổ trộm giá hạ, xà bần

.

Tình trạng một số đối tượng lợi dụng các bãi đất trống để đổ trộm rác thải xây dựng (giá hạ, xà bần) gây ô nhiễm, mất mỹ quan đô thị vẫn diễn ra, nhưng việc phát hiện, xử lý của chính quyền địa phương gặp nhiều khó khăn.

Ô-tô tải BKS 43S-7115 có hành vi đổ trộm giá hạ, xà bần trên khu đất trống cạnh tuyến đường Lê Đức Thọ - Hoàng Sa, phường Thọ Quang, quận Sơn Tra. (Ảnh do Công an quận Sơn Trà cung cấp)
Ô-tô tải BKS 43S-7115 có hành vi đổ trộm giá hạ, xà bần trên khu đất trống cạnh tuyến đường Lê Đức Thọ - Hoàng Sa, phường Thọ Quang, quận Sơn Tra. (Ảnh do Công an quận Sơn Trà cung cấp)

Theo ông Phạm Ngọc Lãnh, Phó Chủ tịch UBND phường Hòa Minh (quận Liên Chiểu), mặc dù thời gian gần đây, tình trạng lén đổ trộm giá hạ, xà bần trên địa bàn phường giảm nhiều nhưng vẫn có vài trường hợp người ở địa bàn khác đến đổ trộm tại các khu đất trống.

Hiện trên địa bàn phường Hòa Minh có 2 khu vực còn nhiều bãi đất trống là khu vực từ đường Hoàng Thị Loan kéo tới ven biển Nguyễn Tất Thành và khu đô thị Phước Lý. Dọc đường Hoàng Thị Loan đã có bãi tập kết tạm giá hạ, xà bần nên tình trạng đổ lén giảm hẳn. Khu đô thị Phước Lý chưa có điểm tập kết tạm nên đôi lúc vẫn còn tình trạng đổ trộm rác thải, xà bần, giá hạ.

Ông Lãnh xác nhận việc phát hiện, xử lý gặp nhiều khó khăn, khó nhất là phải phát hiện đúng thời điểm đối tượng có hành vi đổ giá hạ, xà bần trái phép thì mới có cơ sở để xử phạt. “Có 2 trường hợp gần đây khi phát hiện thì các đối tượng này chưa đổ trộm giá hạ, xà bần nên chưa đủ căn cứ xử phạt. Còn với trường hợp mới nhất do người dân phát hiện và phản ánh, chúng tôi đã báo cáo với Công an quận Liên Chiểu để xác minh và xử lý”, ông Lãnh nói.

Theo ông Võ Đình Công, Chủ tịch UBND phường Thọ Quang (quận Sơn Trà), từ đầu năm đến nay, lực lượng chức năng của phường đã kịp thời phát hiện 5 trường hợp người dân chở giá hạ, xà bần bằng xe bò chuẩn bị đổ trái phép nên chỉ nhắc nhở, tuyên truyền và yêu cầu họ cam kết không vi phạm.

Mới đây nhất, từ hình ảnh do người dân cung cấp, UBND phường Thọ Quang đã chuyển toàn bộ nội dung và hồ sơ vụ việc lên Công an quận Sơn Trà để xác minh trường hợp ô-tô tải BKS 43S-7115 có hành vi đổ trộm giá hạ, xà bần tại khu đất trống cạnh tuyến đường Lê Đức Thọ - Hoàng Sa (phường Thọ Quang).

Trung tá Phan Ngọc Đà, Đội trưởng Đội Cảnh sát kinh tế Công an quận Sơn Trà cho hay, đơn vị tiếp nhận hồ sơ và đang xác minh, xử lý trường hợp nói trên. Cũng theo Trung tá Phan Ngọc Đà, từ đầu năm 2019 đến nay, đơn vị đã xử phạt vi phạm hành chính 4 trường hợp về hành vi “đổ chất thải rắn sinh hoạt thông thường trái quy định về bảo vệ môi trường”, theo quy định tại điểm b, khoản 9, Điều 20 Nghị định 155/2016/NĐ-CP. Trong đó, 3 trường hợp bị xử phạt tổng số tiền hơn 10,5 triệu đồng và 1 trường hợp còn lại bị xử phạt 7,5 triệu đồng.  

Theo Trung tá Phan Ngọc Đà, để có căn cứ xử phạt các trường hợp đổ giá hạ, xà bần trái phép, cần có đủ chứng cứ, hình ảnh rõ ràng thể hiện hành vi đổ trộm. “Các trường hợp bị phát hiện đều lợi dụng địa điểm vắng người, thời gian trưa hoặc đêm khuya. Tài xế thường vừa lùi xe, vừa nâng càng đổ rất nhanh để nếu bị phát hiện sẽ bỏ chạy”, Trung tá Đà nói và cho biết nếu có hình ảnh rõ ràng, lực lượng Công an vẫn xử phạt “nguội”. Thời gian tới, Công an quận Sơn Trà sẽ tiếp tục tích cực phối hợp cùng các lực lượng chức năng tăng cường kiểm tra, xử lý; sử dụng đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ để kịp thời xử lý các trường hợp vi phạm.

Về giải pháp hạn chế tình trạng này, theo ông Võ Đình Công, trước mắt, UBND phường sẽ làm việc với đơn vị chức năng thường xuyên phối hợp tuần tra, kiểm soát địa bàn; họp các chủ phương tiện vận tải trên địa bàn phường để quán triệt; khuyến khích người dân khi phát hiện các đối tượng lén đổ giá hạ, xà bần thì báo ngay với lực lượng chức năng. “Về lâu dài, UBDN thành phố cần quy hoạch các vị trí để đổ xà bần, mỗi địa phương nên có ít nhất 1-2 địa điểm”, ông Công đề xuất.

Trong khi đó, theo ông Lê Duy Hòa, Trưởng phòng Tài nguyên-Môi trường quận Liên Chiểu, giải pháp căn cơ là phải xử lý từ đầu nguồn thải. “Khi người dân xin giấy phép xây dựng, chủ yếu cải tạo, sửa chữa nhà ở, cơ quan chức năng có thể yêu cầu các hộ cam kết và phải chứng minh được địa điểm đổ rác thải xây dựng phát sinh thì mới cấp giấy phép. Đồng thời, phải có điểm tập trung tạm hợp lý để người dân có nhu cầu đổ thải và có chế tài nghiêm đối với những người đổ giá hạ, xà bần sai quy định”, ông Hòa nói.

Theo quy định tại điểm b, khoản 9, Điều 20 Nghị định 155/2016/NĐ-CP, hành vi chuyển giao, cho, bán chất thải rắn sinh hoạt, chất thải rắn công nghiệp thông thường cho đơn vị không có chức năng, năng lực xử lý theo quy định; chôn, lấp, đổ, thải chất thải rắn sinh hoạt, chất thải rắn công nghiệp thông thường trái quy định về bảo vệ môi trường, trừ các trường hợp hành vi tội phạm về môi trường; tiếp nhận chất thải rắn sinh hoạt, chất thải rắn công nghiệp thông thường nhưng không có biện pháp xử lý hoặc không chuyển giao cho đơn vị có chức năng xử lý theo quy định bị xử phạt như sau:

- Phạt tiền từ 2 triệu - 5 triệu đồng đối với trường hợp chuyển giao, cho, bán, tiếp nhận, chôn, lấp, đổ, thải chất thải rắn sinh hoạt, chất thải rắn công nghiệp thông thường dưới 1.000 kg.

- Trường hợp chuyển giao, cho, bán, tiếp nhận, chôn, lấp, đổ, thải chất thải rắn sinh hoạt, chất thải rắn công nghiệp thông thường từ 1.000kg đến dưới 2.000kg: phạt tiền 5 triệu - 10 triệu đồng. Từ 2.000kg đến dưới 3.000kg: phạt tiền từ 10 triệu - 15 triệu đồng. Từ 100.000kg trở lên: phạt tiền từ 200 triệu - 250 triệu đồng.

Bài và ảnh: ĐẮC MẠNH

;
;
.
.
.
.
.