Tỉnh táo trước thông tin về dịch bệnh

.

Trong những ngày này, thông tin được quan tâm nhất có lẽ là tình hình Covid-19. Nhà nhà, người người truyền miệng, gửi tin cho nhau qua mạng xã hội, mạng di động… Số người nhiễm bệnh, địa chỉ lưu trú, thông tin dịch tễ của bệnh nhân Covid-19, cũng như các chỉ đạo mới của Chính phủ, lãnh đạo thành phố liên quan công tác phòng, chống dịch… là những gì mà mọi người muốn nắm bắt một cách nhanh nhất.

Người dân cần bình tĩnh, sáng suốt lựa chọn thông tin trên mạng xã hội. Ảnh: PHƯƠNG MINH
Người dân cần bình tĩnh, sáng suốt lựa chọn thông tin trên mạng xã hội. Ảnh: PHƯƠNG MINH

Bên cạnh những nguồn thông tin chính thống, chuẩn xác từ báo, đài, thông cáo của cơ quan chức năng, phát thanh di động của phường, xã…, vẫn có không ít nguồn tin không rõ xuất xứ được lan truyền với tốc độ chóng mặt và lượng thông tin phong phú, dồi dào, nhưng độ tin cậy chưa được cơ quan chức năng nào kiểm chứng.

Các luồng thông tin theo kiểu “cầm đèn chạy trước ô-tô” đôi khi tỏ ra rất thạo tin, dẫn giải, dự báo và khuyến cáo rất hùng hồn. Đối tượng tạo ra các thông tin này cũng muôn hình vạn trạng. Một số người làm nghề bán hàng trên mạng, muốn tài khoản cá nhân của mình “hot”, lượng like (thích), follow (theo dõi) nhằm mục đích kinh doanh, qua đó tăng doanh số bán hàng, bởi lẽ chạy quảng cáo rất tốn tiền mà đôi khi hiệu quả không cao, chỉ cần lợi dụng tình hình dịch bệnh để lôi kéo được nhiều người quan tâm đến tài khoản của mình thì lượng “view” sẽ tăng vọt.

Một số đối tượng gian thương cũng tham gia tích cực quá trình này với các thông tin như: thành phố sắp bị phong tỏa, rồi có lệnh giới nghiêm, chợ, cửa hàng, siêu thị sẽ bị cấm mở cửa… nhằm kích động dư luận để bà con ồ ạt mua đồ dự trữ. Và một lực lượng khác phải kể đến là những đối tượng phản động lợi dụng tình hình dịch bệnh để xuyên tạc, làm rối ren tình hình, rồi quy chụp về năng lực lãnh đạo, điều hành của các cấp ủy Đảng và chính quyền thành phố.

Thời đại công nghệ thông tin bùng nổ, mạng xã hội lên ngôi với việc trao đổi thông tin cực nhanh, tích tắc chưa đầy 1 giây là có thể chuyển thông tin hàng loạt. Đó vừa là cơ hội, mang lại giá trị tích cực cho cuộc sống, vừa là thách thức lớn khi bị các đối tượng xấu lợi dụng triệt để nhằm mục đích tiêu cực, phá hoại. Loại thông tin độc hại, có ý đồ xấu này không những làm hoang mang dư luận mà còn kích động, xúi giục người nhận tin đi đến những quyết định vội vàng.

Nếu không tỉnh táo thì chắc chắn sẽ bị lừa, dẫn dắt đi từ suy nghĩ không đúng đến hành động lệch lạc, sai lầm và vô tình vi phạm pháp luật lúc nào không hay biết.

Hiện nay, các cơ quan thông tấn báo chí, phát thanh, truyền hình của Trung ương và thành phố Đà Nẵng đang hoạt động tích cực. Các nhà báo, phóng viên bám sát địa bàn cung cấp kịp thời những thông tin chỉ đạo, điều hành của chính quyền và cập nhật tình hình dịch bệnh vừa đầy đủ thông tin, vừa có tính chất dự báo, khuyến cáo xác thực.

Người dân nên dựa vào các nguồn thông tin này để nắm chắc tình hình, chủ động phòng ngừa dịch bệnh cho bản thân và gia đình. Nên xem các nguồn tin khác, kể cả từ bạn bè, người thân gửi qua mạng xã hội, tin nhắn di dộng ở mức tham khảo. Có khi người thân, bạn bè của chúng ta cũng “forward” (chuyển tiếp) tin nhắn mà chưa kịp hoặc không có điều kiện kiểm chứng.

Đừng biến mình thành đối tượng vô tình tiếp tay cho kẻ xấu. Hãy là một người tiếp nhận và xử lý thông tin thông minh, tỉnh táo. Qua đây, cũng mong các cơ quan chức năng kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm theo pháp luật đối với những đối tượng cố tình tạo ra và phát tán những luồng thông tin độc hại, gây nguy hại cho xã hội để trừng phạt, răn đe, qua đó trả lại cho thành phố môi trường thông tin “sạch”, an toàn.

HỒ ÁNH

;
;
.
.
.
.
.