Những năm gần đây, khi đời sống vật chất, tinh thần được nâng cao, người ta thường thấy trong các hoạt động văn hóa - văn nghệ của cán bộ, công chức ở các cơ quan, đơn vị, đoàn thể…, bên cạnh các tiết mục văn nghệ thường đi kèm phần thi “Thời trang công sở”.
Đó là một nét mới trong hoạt động văn hóa của môi trường công sở, góp phần nâng cao sự phong phú trong đời sống tinh thần của công chức và người lao động. Tuy nhiên, sự phong phú, đa dạng đó đa phần chỉ được thể hiện chủ yếu trên sàn diễn, sân khấu để mọi người chiêm ngưỡng, bình phẩm, chấm điểm… Còn về tính thực tiễn, tính quảng đại quần chúng của trang phục thì còn nhiều điều cần nói.
Thực tế, không khó bắt gặp ở một số cơ quan, doanh nghiệp những bộ đồng phục khá bắt mắt, đặc trưng cho mỗi ngành, cơ quan. Mọi người cũng dễ nhận biết đó là người của ngành hay cơ quan nào; đồng thời thể hiện sự nghiêm túc, chuyên nghiệp và cả nét đẹp công sở. Mục đích mặc trang phục công sở là tạo dựng hình ảnh chuyên nghiệp. Bộ trang phục đẹp giúp người công chức trở nên chuyên nghiệp hơn, chứ không phải chỉ để trở nên xinh xắn hay hợp mốt, sành điệu. Một bộ trang phục không phù hợp có thể sẽ làm hỏng vẻ chuyên nghiệp của người công chức…
Bên cạnh đó, vẫn còn không ít cơ quan chưa chú trọng trang phục công sở. Mỗi người một kiểu, tuy trang phục tuân thủ những quy định chung, nhưng vẫn xuất hiện sự tùy tiện, thậm chí là cẩu thả của một số công chức, mà không ít người trong đó hằng ngày tiếp xúc với công dân. Thật là phản cảm khi chứng kiến những nữ công chức trông thì có vẻ rất tất tả với công việc nhưng lại đi guốc tạo âm thanh vang cả hành lang, trang phục lôi thôi, cách đi đứng cũng không được đẹp lắm. Đó là chưa kể một số người ăn mặc lòe loẹt, quá cách điệu, không phù hợp với môi trường công sở. Còn nam giới, tuy trang phục đơn giản hơn nhưng vẫn có tình trạng áo bỏ ngoài quần, áo không được ủi phẳng, đi dép không quai hậu… Chung quy là những người đó chưa thực sự tôn trọng chính bản thân mình; mặt khác, cũng cần xét đến nguyên nhân do sự thiếu nghiêm khắc của cơ quan trong việc ban hành các nội quy, quy định đối với công chức, trong đó có quy định về trang phục.
Ở công sở, văn hóa của người lãnh đạo ảnh hưởng rất lớn đến văn hóa của công chức dưới quyền. Không mấy khó khăn trong việc nhận biết một nhân viên làm việc cho văn phòng nước ngoài và nhân viên làm việc cho văn phòng trong nước. Một người quen của tôi đang làm việc cho một văn phòng đại diện nước ngoài tâm sự: Trong giờ làm việc, nhân viên đều phải mặc đồng phục; nam nhân viên phải đeo cà-vạt, bất kể mùa hè hay mùa đông; tác phong khẩn trương, lịch lãm, nếu ai vi phạm sẽ bị phạt bằng tiền.
Khi đề cập việc xây dựng văn hóa công sở, cải cách hành chính, nét đẹp công chức…, cũng nên quan tâm đến trang phục của công chức. Chúng ta không đòi hỏi những bộ trang phục đắt tiền, nhưng dù sao cũng phải thể hiện sự nghiêm túc, lịch sự, giúp người công chức tự tin hơn trong công việc.
Bên cạnh đó, trong lúc các cấp, các ngành, các cơ quan đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, thì trang phục của công chức ở công sở là vấn đề không thể xem nhẹ, từ đó mới góp phần xây dựng văn hóa công sở đúng nghĩa, tạo ra diện mạo mới, thân thiện, chuyên nghiệp hơn cho các cơ quan, công sở.
DÂN HÙNG