Được khuyến mại 100% giá trị hàng hóa
Nghị định 81/2018/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết Luật Thương mại về hoạt động xúc tiến thương mại có hiệu lực từ ngày 15-7 quy định: Từ ngày 15-7-2018, tổng thời gian thực hiện chương trình giảm giá với một loại nhãn hiệu hàng hóa, dịch vụ tối đa là 120 ngày/năm (tăng 30 ngày so với quy định cũ).
Tiền có thể được sử dụng như hàng hóa, dịch vụ dùng để khuyến mãi, trừ trường hợp khuyến mãi theo hình thức: đưa hàng mẫu, cung ứng dịch vụ mẫu để khách hàng dùng thử không phải trả tiền; khuyến mãi bằng hình thức giảm giá; bán hàng, cung ứng dịch vụ có kèm theo phiếu mua hàng, phiếu sử dụng dịch vụ.
Giá trị vật chất dùng để khuyến mãi cho một đơn vị hàng hóa, dịch vụ được khuyến mãi không được vượt quá 50% giá của đơn vị hàng hóa, dịch vụ được khuyến mãi đó trước thời gian khuyến mãi. Trong các trường hợp tổ chức các chương trình khuyến mãi tập trung (giờ, ngày, tuần, tháng, mùa khuyến mãi) thì áp dụng hạn mức tối đa về giá trị của hàng hóa, dịch vụ dùng để khuyến mãi là 100%.
Mức giảm giá tối đa đối với hàng hóa, dịch vụ được khuyến mãi không được vượt quá 50% giá hàng hóa, dịch vụ đó ngay trước thời gian khuyến mãi. Trừ trường hợp tổ chức chương trình khuyến mãi tập trung thì được áp dụng mức giảm giá tối đa 100%. Doanh nghiệp không đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp không được khuyến mãi theo mô hình đa cấp.
4 trường hợp cảnh vệ được nổ súng
Luật Cảnh vệ có hiệu lực từ ngày 1-7 dành riêng một điều mới để quy định nguyên tắc và các trường hợp được phép nổ súng. Theo đó, cán bộ, chiến sĩ cảnh vệ được nổ súng trong các tình huống sau: cảnh báo người đang đột nhập vào khu vực, mục tiêu cảnh vệ; nổ súng vào người đang đột nhập vào khu vực, mục tiêu cảnh vệ, sau khi đã ra hiệu lệnh dừng lại và bắn chỉ thiên nhưng không hiệu quả; vô hiệu hóa trường hợp đang có hành vi tấn công trực tiếp đối tượng cảnh vệ hoặc cán bộ, chiến sĩ cảnh vệ đang thực hiện nhiệm vụ; trường hợp nổ súng khác quy định tại Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ.
Trong trường hợp cấp bách, để bảo đảm an toàn tuyệt đối cho đối tượng cảnh vệ, cán bộ, chiến sĩ cảnh vệ được huy động người, phương tiện thông tin, phương tiện giao thông, phương tiện khác và người đang sử dụng, điều khiển phương tiện đó (trừ trường hợp phương tiện thuộc cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự, cơ quan đại diện tổ chức quốc tế...).
Không cho phép dân cư sinh sống trong khu công nghiệp
Nghị định 82/2018/NĐ-CP về quản lý khu công nghiệp và khu kinh tế có hiệu lực từ ngày 10-7 quy định: Dân cư không được phép sinh sống trong khu công nghiệp, khu chế xuất; chuyên gia nước ngoài sinh sống tại đây không được kèm người thân.
Cán bộ, công nhân viên làm việc trong khu chế xuất, doanh nghiệp chế xuất mang ngoại hối từ nội địa Việt Nam vào khu chế xuất và ngược lại không phải khai hải quan. Doanh nghiệp đầu tư vào khu công nghiệp, khu kinh tế được hỗ trợ thực hiện thủ tục hành chính theo cơ chế “một cửa, tại chỗ”, hỗ trợ về tuyển dụng lao động và các vấn đề liên quan khác trong triển khai thực hiện dự án.
Doanh nghiệp có dự án đầu tư trong khu công nghiệp, khu kinh tế được khấu trừ chi phí xây dựng, vận hành hoặc thuê chung cư và các kết cấu hạ tầng phục vụ cho công nhân làm việc tại khu công nghiệp, khu kinh tế để tính thu nhập chịu thuế…
Hỗ trợ chuyển giao công nghệ
Nghị định 83/2018/NĐ-CP về khuyến nông có hiệu lực từ ngày 10-7 quy định: Người nhận chuyển giao công nghệ nông nghiệp được hỗ trợ 100% chi phí tài liệu, tiền ăn, đi lại, nơi ở trong thời gian tham dự đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng, khảo sát học tập khuyến nông.
Người tham gia giảng dạy, trợ giảng, hướng dẫn tham gia, tổ chức lớp học được hưởng 100% các chế độ theo quy định. Hỗ trợ đến 100% chi phí chứng nhận cơ sở sản xuất thực phẩm an toàn, cơ sở an toàn dịch bệnh khi tham gia xây dựng mô hình khuyến nông; hỗ trợ đến 100% kinh phí thực hiện mô hình tổ chức quản lý sản xuất kinh doanh nông nghiệp nhưng không quá 100 triệu đồng/mô hình.
D.Minh tổng hợp