Vì nhiều nguyên do, bất cứ ai trong chúng ta đều có lúc nảy sinh cơn giận. Nhưng không phải ai cũng có thể kìm nén hoặc xử lý cơn giận một cách bình tĩnh và thỏa đáng. Đáng tiếc, có những cơn giận làm vỡ tan nghĩa tình xóm làng, đưa cuộc đời nhiều người rẽ lối vào cửa tù…
Nghĩa tình hàng xóm láng giềng vỡ tan xuất phát từ những lý do cỏn con, tưởng chừng như không đâu vào đâu vừa được TAND hai cấp thành phố Đà Nẵng đưa ra xét xử trong thời gian qua.
Chỉ vì một câu nói
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG |
Sau khi nghe vị kiểm sát viên công bố cáo trạng, người dự khán ngơ ngác không thể tin nổi nguyên cớ của vụ án lại xuất phát từ một câu nói. Ngỡ ngàng hơn nữa khi những “nhân vật chính” lại không liên quan gì đến câu nói ấy.
Chuyện là, chiều ngày 26-10-2017, em H.Đ.H (SN 2009) đến ăn bánh xèo tại quán BB (quận Sơn Trà) thì bà Đ.T.D (SN 1969), chủ quán đùa vui: “Ăn ít thôi không mẹ cháu bể nợ”. Lúc này, chị M.T.T, nhà cạnh quán BB nghe bà D. nói vậy thì buột miệng vài câu. Chuyện tưởng chừng chẳng có gì lớn lao lại làm bùng lên lửa giận giữa hai người hàng xóm sát vách.
Cãi vã hồi lâu, chị T. tức giận đi sang quán để gặp bà D. nói chuyện thì bị chị N.T.C (con gái bà D.) ngăn lại nên cầm ghế nhựa trong quán đánh chị C. Bị đòn đau, chị C. cầm chai nước ngọt ném trúng bụng của chị T. Lửa giận ngùn ngụt, cả hai lao vào giằng co, đánh nhau.
Lúc này, M.N (em trai của chị T.) đi qua thấy sự việc nên tính vào can thiệp. Chẳng ngờ, N. vừa vào đến quán thì bà D. cầm chiếc chảo đang đổ bánh xèo đánh vào đầu nhưng bị N. dùng tay hất rơi. Bất ngờ bị tấn công, N. quên mất mục đích hòa giải ban đầu, lấy chai nước ngọt ném bà D. nhưng không trúng, rơi bể. Mảnh vỡ chai nước văng lên trúng đầu bà D. và trán em H. khiến mỗi người bị thương tích 3%.
Tại phiên xử, N. líu ríu biện minh: “Bị cáo tức quá, thiếu kiềm chế. Bị cáo hối hận lắm”. Vốn là người đi ngang qua cơn giận, N. lại không đủ bản lĩnh để dập tắt mà còn góp tay vào thổi bùng ngọn lửa tức tối để rồi phải tra tay vào còng với mức án 6 tháng tù về tội “Cố ý gây thương tích”.
Lửa giận còn khiến tan nghĩa, rạn tình làng xóm khi bà D. có đơn kháng cáo, đề nghị xem xét trách nhiệm đối với người chủ mưu, cầm đầu trong vụ án là chị T...
Cơn giận âm ỉ
Nếu cơn giận giữa những người hàng xóm ở vụ án trên là nông nổi, bộc phát thì ở vụ án dưới đây lại âm ỉ trong thời gian dài. Là hàng xóm tối lửa tắt đèn có nhau nhưng L.Q.T (SN 1971, ngụ quận Thanh Khê) và chị L.T.V lại nảy sinh mâu thuẫn trong sinh hoạt hằng ngày.
Một buổi tối, T. đến quán nước của chị V. gây sự và dọa sẽ quay lại. Lúc này, bạn trai của con gái chị V. đang ngồi tại quán chứng kiến sự việc nên lo lắng, gọi điện cho nhóm bạn đến quán ăn uống, đề phòng việc T. quay lại gây sự.
Khuya cùng ngày, T. và con trai là L.Q.H quay lại gây gổ thì bị nhóm này đánh. Sau khi được mọi người can ngăn, hai bên cùng về nhà.
Tưởng chừng mọi việc tạm dừng tại đây, nào ngờ, T. vẫn chưa nguôi nỗi bực tức. Nửa tiếng sau, T. và H. quay lại quán, dùng tay, chân lao vào đấm đá liên tiếp vào người của chị V. và T.T.Y.N (con gái chị V.). Thấy vậy, bà L.T.G (mẹ của chị V.) ra can ngăn, do cầm tay cháu gái nên bị ngã theo. Không dừng lại, H. tiếp tục dùng vỏ chai bia đánh trúng đầu N. Hậu quả, em N. mang thương tích 3%, chị V. thương tích 4%, bà G. thương tích 15%.
Hôm tòa xử, người dự khán có cảm giác đây là một buổi hòa giải dân sự hơn là một phiên tòa hình sự khi mà hội đồng xét xử (HĐXX) dành nhiều thời gian, kiên nhẫn và mềm mỏng phân tích, khuyên nhủ. Cái đích cuối cùng mà HĐXX hướng đến là mong muốn hàn gắn tình cảm giữa hai bên. Cuối cùng, phiên tòa kết thúc với mức án 6 tháng tù giam dành cho T. về tội “Cố ý gây thương tích”. Gương mặt mỗi người giữa hai bên gia đình vẫn hằn nỗi suy tư.
Tục ngữ có câu “Bán bà con xa mua láng giềng gần” để nhắc nhở mỗi người về sự gắn kết keo sơn, nghĩa tình của xóm giềng. Thế nên, sẽ rất tiếc nếu tình cảm đôi bên bị thương tổn vì mâu thuẫn vụn vặt, không đáng có. Mong là mỗi người trong cuộc sống đều giữ được tinh thần “dĩ hòa vi quý” để “một sự nhịn, chín sự lành”!
KHA MIÊN