Sau khi được gặp gia đình theo đề nghị, Vũ "nhôm" vẫn chưa khắc phục hậu quả 203 tỷ đồng trong đại án DongABank.
Phan Văn Anh Vũ đã bị TAND TP Hà Nội tuyên 9 năm tù về tội Cố ý làm lộ bí mật Nhà nước tại phiên sơ thẩm |
Cơ quan CSĐT Bộ Công an vừa hoàn tất kết luận điều tra bổ sung, chuyển hồ sơ sang Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao đề nghị truy tố với 26 bị can liên quan đến vụ án xảy ra tại Ngân hàng Đông Á (DongABank) gây thiệt hại 3.608 tỷ đồng.
Vẫn chưa khắc phục
Phan Văn Anh Vũ (tức Vũ “nhôm” - cựu Chủ tịch HĐQT công ty cổ phần Xây dựng Bắc Nam 79 - viết tắt Công ty Bắc Nam 79) bị đề nghị truy tố về tội Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản.
Phan Văn Anh Vũ được xác định đã Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản do có sai phạm liên quan đến việc sở hữu 12,73% cổ phần của Đông Á, gây thiệt hại cho DongA Bank 200 tỷ đồng.
Theo đó, ông Trần Phương Bình (cựu Tổng giám đốc, Phó chủ tịch HĐQT kiêm Chủ tịch Hội đồng tín dụng Ngân hàng TMCP Đông Á) chỉ đạo DongABank xuất quỹ chi cho Vũ "nhôm" bằng cách Vũ phải ký chứng từ nộp khống 200 tỷ đồng tại ngân hàng.
Theo kết luận điều tra bổ sung bổ sung, Vũ “nhôm” đã 4 lần gửi đơn đến Viện Kiểm sát nhân dân tối cao yêu cầu gặp gia đình để thống nhất việc khắc phục hậu quả 203 tỷ đồng gốc lẫn lãi liên quan đến việc mua cổ phần DongABank.
Ngày 16-8-2018, cơ quan công an cho Vũ gặp người thân để thống nhất việc nộp tiền mặt khắc phục hậu quả nói trên, nhưng đến ngày 31-8 vẫn chưa nộp.
Cơ quan chức năng cũng xác định, trong số bất động sản ở Đà Nẵng và TPHCM của Vũ "nhôm", trong đó có bất động sản tại số 8 Nguyễn Trung Trực (quận 1, TPHCM) là vật chứng của vụ án, đã được kê biên, phong tỏa trong vụ án khác do Văn phòng Cơ quan CSĐT Bộ Công an thụ lý điều tra.
Ở giai đoạn 2 của vụ án, Bộ Công an tiếp tục làm rõ việc ông Trần Phương Bình (cựu Tổng giám đốc, Phó chủ tịch HĐQT kiêm Chủ tịch Hội đồng tín dụng Ngân hàng TMCP Đông Á) chuyển 13,4 triệu USD cho Phan Văn Anh Vũ.
Cố ý làm trái và chiếm đoạt tài sản
Theo kết luận điều tra bổ sung, ông Trần Phương Bình (cựu Tổng giám đốc, Phó chủ tịch HĐQT kiêm Chủ tịch Hội đồng tín dụng Ngân hàng TMCP Đông Á) bị đề nghị truy tố 2 tội Cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng và Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.
Theo đó, trong khoảng thời gian từ 2006 đến 2015, với vai trò là Tổng giám đốc kiêm Phó Chủ tịch HĐQT ADB, Trần Phương Bình đã chỉ đạo phòng ngân quỹ Hội sở và các chi nhánh, sở giao dịch thu chi sai nguyên tắc gây thiệt hại hơn 3.608 tỷ đồng.
Ngoài ra, trong vụ án, Nguyễn Thị Kim Xuyến (cựu Phó tổng giám đốc, thành viên HĐQT DAB) bị đề nghị truy tố 2 tội Cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng và Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.
Bà Xuyến bị xác định đã sử dụng công ty con và bảo người lập hồ sơ rút 467 tỷ đồng của DongABank để ông Trần Phương Bình mua cổ phần của DongABank. Sau đó, ông Bình chỉ đạo cấp dưới xuất quỹ chi hơn 475 tỷ đồng để hoàn tất giao dịch các khoản vay này, xuất quỹ chi sai nguyên tắc hơn 10 tỷ đồng.
Cơ quan điều tra xác định bà Xuyến là đồng phạm với ông Trần Phương Bình chiếm đoạt hơn 450 tỷ đồng của DongABank.
Bà Xuyến cũng xuất khẩu và kinh doanh vàng tài khoản trái phép, chi lãi suất ngoài không đúng nguyên tắc gây thiệt hại cho DongABank.
Nguyễn Hồng Ánh (SN 1962, cựu trung tá, đội trưởng một đội nghiệp vụ Công an TP HCM), bị đề nghị truy tố trong vụ án này vì liên quan đến khoản vay 2.000 lượng vàng SJC tại DongABank, đã thừa nhận hành vi phạm tội của mình. Kết luận điều tra trước đó xác định trong việc hoàn tất giao dịch khống khoản vay 1.900 lượng vàng đã khiến DongABank thiệt hại hơn 53 tỷ đồng và ông Ánh phải liên đới chịu trách nhiệm về số tiền này. Trong bản kết luận điều tra bổ sung, có thêm 2 bị can bị khởi tố là Nguyễn Vinh Sơn (SN 1959, trú TP Hồ Chí Minh và Phan Thị Tố Loan (SN 1970, trú Cần Thơ), cả 2 đều là thành viên chuyên trách Ban kiểm soát DongABank). Ông Sơn và bà Loan cùng bị đề nghị truy tố tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng. |
Theo VOV