Cảnh báo lừa đảo qua mạng xã hội

.

Thời gian qua trên địa bàn thành phố Đà Nẵng đã xảy ra một số vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua mạng xã hội, gây ảnh hưởng đến an ninh trật tự xã hội. Chị P.T.T.T. (trú tại thành phố Đà Nẵng) qua facebook đã kết bạn với bạn trai có tên “David”.

Sau một thời gian, đối tượng “David” đề nghị chị T. cung cấp thông tin cá nhân để gửi cho chị một gói quà có giá trị lên đến 500.000 USD và một số tài sản khác. Được hứa tặng món quà quá lớn, chị T. đã không ngần ngại làm theo yêu cầu của người tên “David”.

Chưa hết vui mừng, ngày hôm sau, một đối tượng đã gọi cho chị T., xưng là nhân viên hải quan của sân bay Nội Bài thông báo chị có gói quà tặng được gửi từ nước ngoài về. Do gói quà là một lượng tiền lớn nên để nhận gói quà này yêu cầu chị phải đóng phí nhận quà.

Hoa mắt trước món quà “khủng” mà không biết đây là cái bẫy, nên chị T. đã chuyển vào tài khoản cho người tự xưng là nhân viên này số tiền 320 triệu đồng. Song, sau khi chuyển khoản, chị liên lạc lại với số điện thoại đã liên hệ với mình thì không nhận được phản hồi; nhắn tin cho anh “David” thì tài khoản đã bị chặn. Biết mình bị lừa, chị T. đã trình báo vụ việc cho cơ quan Công an.

Một thủ đoạn lừa đảo khác là nhắn tin đến nạn nhân thông báo trúng thưởng xe máy SH, cùng với phiếu tặng quà trị giá 200 triệu đồng, hoặc tặng 1 năm sử dụng xăng miễn phí. Hình thức lừa đảo này diễn ra phổ biến với những người dùng mạng xã hội như zalo, facebook...

Chị B.P. cho biết, bản thân mới chơi mạng xã hội facebook, nên hồi tháng 7 có nhận tin nhắn thông báo trúng thưởng chiếc xe SH 150i, kèm phiếu quà tặng 100 triệu đồng. “Nhận thông báo trúng thưởng tôi quá vui, nên định làm các thủ tục như hướng dẫn để nhận quà. Rất may, là chồng tôi biết được nên ngăn cản, bởi đó là hình thức lừa đảo diễn ra rất phổ biến”, chị P. kể.

Một thủ đoạn tinh vi hơn của các đối tượng đó là sử dụng các trang web giả mạo do chúng tạo nên có giao diện tương tự các trang web chuyển tiền quốc tế khiến nạn nhân sập bẫy. Từ các trang web rao bán, các đối tượng nắm bắt được người bán hàng đang có nhu cầu bán hàng, các đối tượng đề nghị nạn nhân cung cấp số điện thoại cá nhân, số tài khoản để gửi tiền đặt cọc trước.

Sau đó, các đối tượng gửi link trang web giả mạo dịch vụ chuyển tiền quốc tế (do các đối tượng tạo ra) yêu cầu nạn nhân nhập số điện thoại, mã OTP (mật mã tài khoản) để nhận tiền đặt cọc. Khi nạn nhân nhập vào thì quyền truy cập tài khoản đã bị các đối tượng chiếm đoạt và rút tiền của nạn nhân...

Theo Văn phòng Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an thành phố Đà Nẵng, các hình thừa lừa đảo trên không hề mới mẻ; bởi nhiều năm qua đã xảy ra trên cả nước, nhiều nạn nhân sập bẫy với số tiền đến cả tỷ đồng. Cơ quan Công an cũng đã liên tục cảnh báo trên các phương tiện thông tin đại chúng, hoặc thông qua các buổi tuyên truyền tại các buổi họp chi bộ, tổ dân phố.

Tuy vậy, nhiều người vẫn mắc lừa, và hầu hết đối tượng bị lừa là phụ nữ. Trước tình hình đó, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an thành phố Đà Nẵng khuyến cáo, người dân khi tham gia mạng xã hội cần phải nâng cao cảnh giác, không được nhẹ dạ, cả tin mà sập bẫy của các đối tượng lừa đảo.

Đặc biệt, tuyệt đối không cung cấp các thông tin cá nhân, địa chỉ, số điện thoại, số tài khoản ngân hàng của mình cho các đối tượng mà mình không quen biết; đồng thời có biện pháp bảo vệ các tài khoản ngân hàng, tài khoản cá nhân để tránh bị kẻ xấu lợi dụng, chiếm đoạt.

AN NHIÊN

;
;
.
.
Liên kết hữu ích
.
.
.