Thời gian qua, nhiều khách hàng sử dụng điện thoại phản ánh về việc có những số điện thoại “lạ” tự xưng là “nhân viên ngành điện”, “cảnh sát giao thông, thanh tra giao thông”… gọi đến để đòi nộp tiền phạt, nhận quà trúng thưởng. Trước hành vi lừa đảo này, người dân cần cảnh giác, không cung cấp thông tin cá nhân, nên liên hệ qua các tổng đài chính thống để xác minh, xử lý.
Khách hàng chỉ thanh toán tiền điện qua các kênh chính thống, không thanh toán tiền điện cho người lạ hoặc gửi tiền điện vào tài khoản cá nhân khi chưa xác minh thông tin. TRONG ẢNH: Người dân sử dụng ví điện tử Momo để thanh toán tiền điện vào tài khoản chính thức của Điện lực Đà Nẵng. Ảnh: K.NINH |
Hơn 12 giờ trưa ngày 10-6, người viết bài nhận được cuộc gọi có đầu số +43 với nội dung thoại tự động: “Kính chào quý khách, chúng tôi là Trung tâm Điện lực Việt Nam (?). Quý khách đang sử dụng điện cao bất thường, chúng tôi sẽ cắt điện trong thời gian tới, vui lòng bấm số 9 để được gặp nhân viên điện lực tư vấn”. Sau khi bấm số 9 thì “được” kết nối với một đối tượng đề nghị cung cấp tên và địa chỉ để kiểm tra, sau đó, đối tượng này cho biết khách hàng đang nợ tiền điện và “dọa” sẽ gửi hồ sơ sang công an, sau đó yêu cầu chuyển tiền gấp tới số tài khoản lạ. Khi biết thông tin khách hàng đã thanh toán tiền điện qua ví điện tử kết nối trực tiếp với tài khoản chính thức của Công ty TNHH MTV Điện lực Đà Nẵng (PC Đà Nẵng), đối tượng lập tức ngắt máy.
Được biết, đây không phải là tình trạng hiếm trong thời gian qua. Thông tin từ PC Đà Nẵng cho biết, ngày 20-5, khách hàng Phạm Văn Thạnh của Điện lực Cẩm Lệ nhận được cuộc gọi từ số điện thoại +39906143358 tự xưng là người của “Tổng Công ty Điện lực Việt Nam” (lời tự xưng của đối tượng - PV) thông báo khách hàng có chỉ số công-tơ bất thường, khả năng trộm cắp điện. Nếu khách hàng không liên hệ với cảnh sát điều tra để làm rõ, điện lực sẽ phong tỏa tài khoản, cắt hết hợp đồng điện, truy tố ra pháp luật và trừ 60 triệu đồng từ tài khoản của khách hàng. Người này còn buộc khách hàng phải giải quyết ngay trong vòng 2 giờ. Nửa tin nửa ngờ, khách hàng xin số điện thoại để kết nối thì đầu dây bên kia không đồng ý và nói giữ máy để kết nối trực tiếp. Đến lúc này, vì nghi ngờ đây là cuộc gọi lừa đảo khách hàng đã cúp máy và liên hệ với PC Đà Nẵng để tìm hiểu thực hư.
Theo thông tin từ PC Đà Nẵng, thời gian qua, trên địa bàn thành phố đã ghi nhận khoảng 30 cuộc gọi giả mạo ngành điện để đòi nợ khách hàng, rất may chưa có khách hàng bị “mất tiền oan”. Các đối tượng thực hiện cuộc gọi đe dọa khách hàng nếu không nộp tiền điện sẽ bị cắt điện; tuy nhiên, khi biết được khách hàng đã thanh toán tiền điện thì lập tức ngắt máy hoặc tiếp tục đưa ra những thông tin lừa đảo như: có người đăng ký hợp đồng điện bằng tên và chữ ký của khách hàng, khách hàng có thêm một địa chỉ hợp đồng điện khác… hiện đang nợ tiền điện, nếu không trả sẽ bị truy tố ra pháp luật. Sau khi tiếp nhận phản ánh từ khách hàng, PC Đà Nẵng đã nhanh chóng xác minh đây đều là các cuộc gọi mạo danh hòng chiếm đoạt tài sản.
Ông Đỗ Hữu Hoàng, Tổ trưởng Tổ Quản lý khách hàng, Điện lực Cẩm Lệ cho biết, ngành điện chỉ gọi điện thoại cho khách hàng để nhắc nợ, không thực hiện các cuộc gọi có tính chất đe dọa mà chỉ khuyến cáo khách hàng đến đóng tiền điện ở những điểm thu của điện lực hoặc thanh toán qua tài khoản ngân hàng chính thức của ngành điện. Ông Hoàng cho biết, người dân chỉ tiếp nhận thông tin của điện lực qua các kênh chính thống như SMS, email, trang web, số đường dây nóng 19001909, không thanh toán tiền điện cho người lạ hoặc gửi tiền điện vào tài khoản cá nhân khi chưa xác minh thông tin.
Không chỉ gọi điện lừa là nhân viên điện lực, thời gian qua, một số người dân phản ánh đã nhận những cuộc điện thoại lạ tự xưng là “cục cảnh sát giao thông (CSGT)” báo… nộp tiền phạt. “Mô típ” chung của những cuộc gọi này là bắt đầu bằng giọng thoại tự động, sau đó yêu cầu người nghe bấm 1 phím số để “được hướng dẫn”. Sau khi bấm phím, đối tượng lừa đảo này sẽ yêu cầu người nghe máy chuyển tiền vào tài khoản định sẵn, đồng thời yêu cầu nạn nhân giữ bí mật về mục đích chuyển tiền.
Tuy nhiên, theo quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính, Nghị định số 100/2019/NĐ-CP ngày 30-12-2019 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt và Thông tư số 65/2020/TT-BCA ngày 19-6-2020 của Bộ Công an quy định nhiệm vụ, quyền hạn, hình thức, nội dung và quy trình tuần tra kiểm soát xử lý vi phạm hành chính về giao thông đường bộ của CSGT, tất cả các trường hợp vi phạm trật tự an toàn giao thông được phát hiện thông qua hệ thống giám sát hoặc các thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ đều được lực lượng CSGT gửi thông báo bằng văn bản tới chủ phương tiện hoặc người điều khiển phương tiện vi phạm đề nghị tới đơn vị phát hiện vi phạm để xử lý (phạt nguội); hoặc chủ phương tiện được Công an xã, phường, thị trấn mời tới trụ sở để tiếp nhận thông báo của CSGT; hoặc khi đi đăng kiểm phương tiện sẽ được cơ quan đăng kiểm thông tin về trường hợp vi phạm và đề nghị tới đơn vị CSGT phát hiện vi phạm để xử lý. Cục CSGT, các đơn vị CSGT không gọi điện thoại thông báo vi phạm trật tự an toàn giao thông, không yêu cầu người vi phạm chuyển tiền nộp phạt vào bất kỳ tài khoản nào.
Ngoài lừa đảo qua điện thoại, thời gian qua, trên mạng internet còn xuất hiện trang web giả mạo Tổng Công ty Điện lực miền Trung (EVNCPC) có địa chỉ http://jisucpc.com/ (đăng ký tên miền tại Đài Loan, Trung Quốc). Đây hoàn toàn không phải là trang web của EVNCPC cũng như của bất cứ đơn vị thành viên nào. Hiện nay, EVNCPC chỉ sở hữu 1 tên miền duy nhất là cpc.vn và các tên miền con ***.cpc.vn. Khuyến cáo nếu phát hiện các trang giả mạo khác, người dùng có thể gửi thông tin về địa chỉ hộp thư cpcit.ktm@cpc.vn hoặc qua đường dây nóng 0975909779 để Công ty Công nghệ thông tin Điện lực miền Trung (thuộc EVNCPC) phối hợp với các cơ quan chức năng ngăn chặn, giới hạn truy cập. |
PHONG LAN