Có không ít tổ ấm vỡ tan nhưng nguyên cớ lại không khởi phát từ hai người trong cuộc. Những mâu thuẫn nảy sinh trong khi sống chung với nhà chồng hoặc nhà vợ đã khiến hai người từng mặn nồng yêu nhau trở thành nguội lạnh tình cảm. Cuộc chiến giữa tình thân và tình yêu bao giờ cũng khó xử và day dứt.
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG |
1. Anh T. và chị V. kết hôn khi cả hai đã ngấp nghé tuổi 40. Những tưởng, hạnh phúc đến muộn màng sẽ ở lại bền lâu đối với họ. Vậy mà, niềm vui chẳng tày gang, chỉ sau 4 năm gắn bó nghĩa vợ chồng, chị làm đơn gửi tòa xin ly hôn. Khi ấy, đứa con đầu lòng của họ vừa hơn 1 tuổi.
Nguyên cớ của sự tan vỡ theo chị là do quá trình chung sống, vợ chồng phát sinh nhiều mâu thuẫn không thể giải quyết do bất đồng về quan điểm. Mặc dù gia đình hai bên nhiều lần hòa giải nhưng rạn nứt giữa họ vẫn ngày càng nhiều. “Bây giờ, tôi không còn tình cảm với chồng tôi nữa. Tôi mong tòa xem xét giải quyết cho chúng tôi được ly hôn, chấm dứt tình trạng hiện nay để mỗi người có điều kiện tạo cuộc sống riêng cho mình”, giọng chị dứt khoát.
Mặc dù đã được tòa thực hiện các thủ tục triệu tập hợp lệ để tham gia tố tụng tại phiên tòa nhưng đến lần thứ hai, anh T. vẫn không có mặt. Theo bản tự khai của anh, quá trình chung sống giữa vợ chồng anh không có mâu thuẫn gì nghiêm trọng. Tuy nhiên, sau khi kết hôn, cả hai sống với gia đình bên vợ nên có nhiều bất đồng quan điểm với người trong gia đình vợ. Mặc dù anh đã nhiều lần thủ thỉ, nhỏ to khuyên vợ ra ở riêng nhưng chị vẫn cương quyết không đồng ý. Vì vậy, anh đã chuyển về sống với mẹ ruột.
2. Cũng như cặp vợ chồng trên, sau khi kết hôn vào năm 2002, anh D. (SN 1970) và chị H. (SN 1982) sống tại nhà ba mẹ anh D. Nghẹn ngào, chị H. chia sẻ, vợ chồng sống hạnh phúc được một khoảng thời gian thì phát sinh mâu thuẫn.
“Tôi thường xuyên nảy sinh xung đột với gia đình chồng nhưng anh chưa một lần bảo vệ tôi. Anh cũng không có tiếng nói gì trong gia đình khiến tôi rất tủi thân, khổ tâm. Chẳng những vậy, khi uống say, anh lại chửi bới vợ con, xúc phạm tôi”, chị chua xót.
Theo chị, vợ chồng đã ra ở riêng nhưng chỉ được một thời gian, anh về lại nhà ba mẹ để sinh sống nên từ năm 2017, vợ chồng sống ly thân. Mặc dù chị đã cố gắng khắc phục nhưng nghĩa tình vợ chồng cứ vơi dần theo thời gian. Sau 15 năm sống chung, có với nhau 2 mặt con, chị quyết định lựa chọn ly hôn vì không thể chịu đựng cuộc sống nhiều muộn phiền.
Trong khi đó, tại các bản khai và ở phiên tòa, anh D. khẳng định vợ chồng không có mâu thuẫn gì. Anh cho rằng chị đề nghị tòa giải quyết ly hôn là vì có quan hệ ngoài luồng nhưng lại không có chứng cứ về điều này. Thừa nhận mỗi lần uống say về nhà có to tiếng nhưng anh phủ nhận chuyện hành hung vợ con. “Tôi còn yêu thương vợ, mong tòa cho gia đình tôi được đoàn tụ để cùng nhau chăm lo cho các con”, anh tha thiết.
3. Cả hai trường hợp trên đều khép lại với phán quyết đồng ý cho ly hôn của tòa. Thực tế cho thấy, có không ít tổ ấm vỡ tan cũng cùng nguyên do như trên. Mâu thuẫn khi sống chung là điều không thể tránh khỏi. Thiết nghĩ, trong trường hợp phải sống chung cùng nhà vợ hoặc nhà chồng, vợ chồng cần trao đổi kỹ trước khi kết hôn để chuẩn bị tâm lý và học cách ứng xử khéo léo, tế nhị cũng như giải quyết khúc mắc từ những vấn đề nhỏ.
Trong xã hội ngày nay, mô hình gia đình hiện đại không quá nặng nề chuyện con cái ở chung với cha mẹ sau khi kết hôn. Chuyện ở chung hay ở riêng không phải là vấn đề quyết định để xây dựng mối quan hệ khắng khít giữa các thành viên. Vì vậy, đừng để việc ở chung khiến vợ chồng phải đi đến quyết định... ở riêng!
NAM BÌNH