Nhiệt tình cho mượn tiền, chưa một lần thúc ép trả nợ, đến cuối cùng, người phụ nữ ấy lại bị tước đoạt mạng sống. Càng đau đớn, đắng cay hơn, thủ phạm là người mà chị luôn giang rộng vòng tay để giúp đỡ...
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG |
“Lúc vợ chồng bị cáo chật vật, túng thiếu, khi con ốm đau không có tiền thuốc men, chị N. đã cho mượn tiền. Chị N. cũng chưa một lần thúc ép vợ chồng bị cáo phải trả nợ”, L.T.P.O (SN 1968), một trong hai bị cáo của vụ án sụt sùi thừa nhận.
1. Lượm nhặt lời khai của O. trong suốt phiên xử lưu động hôm ấy, mới hay cuộc đời O. là chuỗi ngày nhiều nỗi buồn. Tuổi thơ của bị cáo vốn thiếu thốn tình thương, không biết mặt cha ra sao, đến ngày sinh của mình cũng chẳng tường tận. Nỗi buồn nối nhau khi hôn nhân tan vỡ, bị cáo lần nữa chống chếnh với cảm xúc. Có lẽ, cũng chính vì khoảng trống ấy nên lúc biết N.H.D (SN 1969) bị vợ con xa lánh, cắt đứt liên lạc sau khi mãn hạn tù về tội “Hiếp dâm”, O. đã sẵn sàng đón nhận D. bằng cả tấm chân tình.
Thế là, năm 2000, cả hai về sống chung dưới một mái nhà nhưng không có hôn thú. Quả ngọt của tình yêu giản đơn ấy là đứa con chung chào đời sau đó 3 năm. Thế nhưng, cũng từ đây, cuộc sống vốn túng quẫn ngày càng bí bách. Giữa cơn ngặt nghèo ấy, chị V.T.T.Ng (SN 1962) đã luôn sẵn sàng giúp đỡ vợ chồng D. Tại cơ quan điều tra, D. cho biết, chị Ng. là người sống tình cảm, đạo đức, thường cho những người phụ nữ nghèo vay vốn để làm ăn. Ai làm ăn có lời thì có thể tùy tâm trả lãi chứ chị Ng. không đòi hỏi.
2. Những tưởng, cả hai sẽ cảm kích chị Ng. Vậy mà, khi bức bách với cái nghèo và khoản nợ 170 triệu đồng vay của chị Ng. mà không có khả năng trả, D. đã quên mất ân nghĩa. Tối 19-6-2018, D. bàn bạc với O. giết bà Ng. giải thoát nợ”. Sáng hôm sau, theo kế hoạch, O. nhắn tin, điện thoại nhờ chị Ng. mua giùm đồ ăn mang qua và O. sẽ trả tiền nợ. Đến nơi ở của vợ chồng D., chị Ng. đang ngồi nói chuyện với O. thì bất ngờ bị D. dùng dây dù siết cổ từ phía sau. Cùng lúc, O. dùng tay đè chặt hai chân để nạn nhân không chống cự được.
Khi chị Ng. bất động, D. dùng tấm vải phủ lên thi thể, còn O. ra phòng khách lục túi xách của chị Ng. lấy 5,6 triệu đồng, 3 điện thoại. Tổng giá trị tài sản mà D. và O. chiếm đoạt là 17,1 triệu đồng. Sau đó, vợ chồng D. thu gom những đồ dùng cá nhân của chị Ng. mang vứt. Riêng xe máy của nạn nhân, cả hai để ở bãi cỏ phía sau Bệnh viện Phụ sản - Nhi.
Chiều cùng ngày, D. bỏ xác chị Ng. vào trong thùng xốp, còn O. hẹn các chủ nợ khác để trả tiền. Đến khoảng 1 giờ hôm sau, D. và O. mang thi thể nạn nhân thả xuống vịnh Mân Quang.
3. Tại phiên xét xử, O. rưng rức khóc, thành khẩn thừa nhận lỗi lầm mà mình đã gây ra. Trong khi đó, D. một mực khẳng định tất cả hành vi giết, phi tang xác đều do một mình bị cáo thực hiện. “Vợ bị cáo khai như vậy là vì thương bị cáo nên muốn chia sẻ tội với bị cáo”, D. biện minh. Chỉ đến khi vị kiểm sát viên công bố các bản tự khai của D. nhằm chứng minh có sự bàn bạc kế hoạch và cùng thực hiện hành vi sai trái của cả hai, D. mới cúi đầu thừa nhận.
Lắng nghe cáo trạng từ kiểm sát viên, lời khai của các bị cáo, không ít người dự khán không kìm nén được sự phẫn nộ. Bên này vang lên tiếng trách: “Ác chi mà ác dữ rứa trời!”, bên kia vang lên lời than: “Người ta tốt với mình như rứa mà nỡ lòng nào...”. Chẳng biết đứng ở bục khai báo, D. và O. có nghe được những lời này không, chỉ biết bàn tay của hai bị cáo trong suốt phiên xử luôn bấu chặt vào vạt áo, run rẩy.
Cũng chẳng biết, bên cạnh án tử hình dành cho D. và án chung thân dành cho O. cùng về tội “Giết người” và “Cướp tài sản” mà TAND thành phố xử sơ thẩm đã tuyên phạt, cả hai có đối diện với tòa án lương tâm để hối hận, ăn năn và ám ảnh về tội ác mà mình đã gây ra không? Chỉ thương những đứa con của hai bị cáo không chỉ bỗng dưng thiếu vắng tình thương mẹ cha mà còn phải gánh chịu thay lời dèm pha từ dư luận. Nỗi đau ấy, giá mà các bị cáo thấu hiểu cho con cái trước khi gây án...
KHA MIÊN