Đồng cảm với nỗi khó khăn về khoảng cách giao tiếp giữa người khiếm thính với người bình thường, chàng trai Lê Ngọc Anh (lớp 12CDT2- chuyên ngành Kỹ thuật Cơ điện tử - Khoa cơ khí – Trường Đại học Bách khoa, ĐH Đà Nẵng) nghiên cứu và chế tạo thành công găng tay chuyển ngữ hỗ trợ giao tiếp cho người khuyết tật.
Lê Ngọc Anh và thiết bị găng tay chuyển ngữ do bạn chế tạo. Ảnh: C.D |
Thiết bị đầy tính nhân văn của Ngọc Anh đã được trao giải nhất trong cuộc thi Sinh viên nghiên cứu khoa học năm 2017, do Đoàn Trường ĐH Bách khoa phối hợp với Sở Khoa học-Công nghệ thành phố Đà Nẵng tổ chức.
Về nguyên lý làm việc của thiết bị, Lê Ngọc Anh cho biết, chiếc găng tay có sự tích hợp của một số cảm biến như: cảm biến uốn cong, cảm biến gia tốc để ghi lại tư thế và chuyển động của bàn tay. Trong đó cảm biến uốn cong anh tự phát minh ra bằng cách sử dụng các ống nhựa truyền nước trong y tế để tiết kiệm chi phí. Sau khi ghi lại tư thế và chuyển động của bàn tay, các dữ liệu này sẽ truyền về vi xử lý Arduino Nano để kiểm tra độ trùng khớp của cử chỉ trong hệ thống ngôn ngữ ký hiệu Việt Nam đã xây dựng. Khi thực hiện cử chỉ có ý nghĩa, thủ ngữ sẽ được chuyển thành lời nói và phát qua loa. Ngọc Anh đã tiến hành quan sát và phân tích các ký hiệu cơ bản, sau đó lấy mẫu dữ liệu để xây dựng các thông số của ký hiệu.
Chi phí chế tạo thiết bị găng tay chuyển ngữ sau khi lắp đặt hoàn chỉnh chỉ mất 300.000 đồng/chiếc. Ngoài ra, thiết kế bảo đảm được một số tính năng cần thiết như: dịch được 24 ký hiệu chữ cái, dịch được 10 số đếm, dịch được 13 từ, câu cơ bản. Bên cạnh đó, sản phẩm vẫn bảo đảm chế độ giao tiếp nhanh, chế độ thư giãn và báo hiệu bằng chế độ rung. Tất cả tính năng của thiết bị đều thao tác bằng ký hiệu.
Trong quá trình chế tạo, Ngọc Anh liên tiếp gặp nhiều khó khăn. Việc không tìm được cộng sự để hỗ trợ phần công nghệ trái chuyên ngành khiến anh phải bỏ thời gian rất nhiều để tự nghiên cứu. Ngoài ra, Ngọc Anh thuận tay phải nên thiết kế của mình cũng làm bằng tay phải. Khi đeo găng tay làm ký hiệu, thao tác bằng máy tính phụ thuộc vào tay trái rất bất tiện.
Với tính thực tế và khả năng ứng dụng cao của sản phẩm, Ngọc Anh cho biết, sẽ tiếp tục chế tạo một chiếc găng tay chuyển ngữ nữa để lập trình thêm kí hiệu dùng cho cả 2 bàn tay. Chàng trai này còn muốn chia sẻ công nghệ của thiết bị chuyển ngữ đến với những người có đam mê chế tạo sản phẩm phục vụ cộng đồng. “Mong muốn lớn nhất của mình là có thể xóa bỏ rào cản về ngôn ngữ giao tiếp giữa người khiếm thính và người bình thường. Chính vì thế, mình càng có động lực hơn để sáng tạo ra nhiều thiết bị khác hỗ trợ cho người khuyết tật”, Ngọc Anh chia sẻ.
Hiện nay, chiếc găng tay “biết nói” của Ngọc Anh vẫn đang tiếp tục nghiên cứu để hoàn thiện thêm tính năng dịch được các chữ cái Z, U, F; đồng thời Anh đang tìm giải pháp mới để nâng cao tốc độ thao tác và khả năng lưu trữ của thiết bị này.
Nói về triển vọng của thiết bị chuyển ngữ, Lê Ngọc Anh hy vọng với ưu điểm giá thành rẻ của thiết bị sẽ là giải pháp phù hợp để cải thiện những bất cập trong giao tiếp cho người khuyết tật. Trước đây, chàng trai mê công nghệ cũng đã chế tạo thành công thiết bị điều khiển trình chiếu Power Point tự động phục vụ cho việc giảng dạy của giáo viên.
Theo thầy Nguyễn Danh Ngọc, giảng viên Khoa cơ khí, Trường ĐH Bách khoa, điểm đặc biệt nhất của sản phẩm là các cảm biến trên ngón tay hoàn toàn do Ngọc Anh tự thiết kế; chính vì thế chi phí tiết kiệm đến 50% so với giá thị trường. Ngoài ra, thiết bị này cũng là tiền đề giúp Ngọc Anh tiến xa hơn trên con đường sáng tạo khoa học công nghệ.
CẨM DUYÊN