Chiến thắng Điện Biên Phủ trong mắt văn nghệ sĩ: Nguồn cảm hứng sáng tác

.

Chiến dịch Điện Biên Phủ diễn ra trong “năm mươi sáu ngày đêm khoét núi ngủ hầm mưa dầm cơm vắt/ máu trộn bùn non/ gan không núng/ chí không mòn” (Hoan hô chiến sĩ Điện Biên - Tố Hữu), bắt đầu từ ngày 13 tháng 3 và kết thúc thắng lợi vào ngày mồng 7 tháng 5 năm 1954. Hơn 60 năm qua, chiến dịch Điện Biên Phủ đã trở thành nguồn cảm hứng của nhiều văn nghệ sĩ trong sáng tạo nghệ thuật, nhất là những văn nghệ sĩ trực tiếp tham gia chiến dịch và sáng tác ngay ở chiến trường khói
lửa này.

Lực lượng dân công hỏa tuyến vận chuyển lương thực vào chiến trường, phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ. (Ảnh tư liệu)
Lực lượng dân công hỏa tuyến vận chuyển lương thực vào chiến trường, phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ. (Ảnh tư liệu)

Trước hết có thể kể đến các nhạc sĩ. Ngày 13 tháng 3 năm 1954 mở đầu chiến dịch, cùng với một số nhạc sĩ đồng đội, nhạc sĩ Đỗ Nhuận đã đứng trên chiến hào vừa đàn vừa hát cổ vũ cho các chiến sĩ đang hăm hở hành quân - chắc chắn hôm ấy không thể thiếu ca khúc Đâu có giặc là ta cứ đi (sau đổi thành Hành quân xa) Đỗ Nhuận vừa sáng tác cách đó không lâu, cũng không thể thiếu ca khúc Hò kéo pháo Hoàng Vân vừa sáng tác một tháng trước, càng không thể thiếu ca khúc Qua miền Tây Bắc Nguyễn Thành sáng tác ngay trong chiến dịch Đông Xuân...

Ngày hôm sau 14 tháng 3, dạt dào cảm hứng chiến thắng và ấn tượng về sự hy sinh của người anh hùng Phan Đình Giót, Đỗ Nhuận viết ca khúc thứ hai về chiến dịch Điện Biên Phủ - Trên đồi Him Lam: “Hôm qua đánh trận Điện Biên chiến hào xuất kích đồi Him Lam ta tiến vào đột phá (…) Hôm nay thắng trận đầu tiên xác thù ngã xuống đồi Him Lam ta cắm cờ đường mới chúng ta kéo pháo vào…”.

Và ngay trong đêm mồng 7 tháng 5 năm 1954, nhạc sĩ Đỗ Nhuận đã viết ca khúc thứ ba về chiến dịch - Chiến thắng Điện Biên. Trong hồi ký Âm thanh cuộc đời, Đỗ Nhuận kể: “Ngày mồng 7 tháng 5 năm 1954, chúng tôi đang cuốc, đang rải đá thì vào buổi chiều, một đồng chí liên lạc từ mặt trận qua, reo to: Mường Thanh địch hàng rồi! Giải phóng Điện Biên rồi! Người tôi gai lên, tất cả đoàn văn công ngừng tay cuốc, nhảy lên hò reo mừng chiến thắng. Suốt đêm hôm đó tôi ngồi viết bên nhà sàn đỏ lửa, có mấy củ sắn lùi trong bếp than để bồi dưỡng anh em, tôi vừa viết vừa bóc sắn ăn, Giải phóng Điện Biên bộ đội ta tiến quân trở về, giữa mùa này hoa nở, miền Tây Bắc tưng bừng vui, lời bài hát được viết ngay trong đêm đó (…)

Trong ngày chiến thắng, chúng tôi hào hứng cùng anh em bộ đội pháo binh hát vang những lời ca Chiến thắng Điện Biên”. Đáng nói hơn là sau khi ca khúc Chiến thắng Điện Biên của Đỗ Nhuận ra đời, Đài Tiếng nói Việt Nam đã chọn giai điệu này để mở đầu cho buổi phát thanh hằng ngày vào lúc 5 giờ sáng, từ tháng 7 năm 1954 cho đến tận bây giờ. Ngoài ra, ca khúc này còn được sử dụng trong phim Hoa ban đỏ - một bộ phim truyện của đạo diễn Bạch Diệp sản xuất năm 1994 nhân kỷ niệm 40 năm chiến thắng Điện Biên Phủ…

Tiếp theo có thể kể đến các họa sĩ. Vào những ngày cuối chiến dịch, họa sĩ Nguyễn Bích và họa sĩ Mai Văn Hiến được giao nhiệm vụ sáng tác Huy hiệu Điện Biên Phủ để làm quà của Bác Hồ tặng tất cả các chiến sĩ tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ.

Hai họa sĩ đã trao đổi và vẽ nhiều phác thảo, cuối cùng họa sĩ Nguyễn Bích thể hiện thành bản chính và được cấp trên chấp nhận. Trong mẫu huy hiệu, Nguyễn Bích chọn thể hiện hình ảnh anh lính bộ binh - lực lượng chính tham gia chiến dịch; có lá cờ “Quyết chiến, quyết thắng”; có khẩu pháo, có núi bao quanh - thể hiện địa hình của lòng chảo Mường Thanh, và tất cả được đặt trên nền cánh đồng màu vàng rực rỡ - thể hiện sự đóng góp sức người sức của của nhân dân vào chiến dịch Điện Biên Phủ.

Cuối chiến dịch hai họa sĩ đã được gọi về căn cứ An Toàn Khu để làm triển lãm mỹ thuật mừng chiến thắng, họa sĩ Mai Văn Hiến phóng to huy hiệu này đặt ở gian trưng bày chính mang tên Chiến thắng, họa sĩ Nguyễn Bích đã sáng tác bức tranh cổ động Chiến dịch Điện Biên Phủ vĩ đại đã toàn thắng được in và phát hành rộng rãi.

Đặc biệt không thể không kể đến họa sĩ Tô Ngọc Vân với bộ tranh ký họa về bộ đội trong chiến dịch Điện Biên Phủ. Đáng tiếc là người họa sĩ tài hoa này đã hy sinh ngày 17 tháng 6 năm 1954, gần sát chiến trường Điện Biên Phủ, bên kia đèo Lũng Lô, do trúng bom của máy bay Pháp, sau khi hoàn thành bức ký họa cuối cùng có tên Đèo Lũng Lô, mô tả cảnh chiến sĩ và dân công hỏa tuyến mừng vui phấn khởi trở về sau ngày chiến thắng Điện Biên.

Cảm nhận về bộ tranh ký họa của Tô Ngọc Vân trong chiến dịch Điện Biên Phủ, họa sĩ Ngô Mạnh Lân viết: “Xem những ký họa thầy Vân vẽ trong những ngày cuối trên đường đi chiến dịch mới thấy cái nhìn tạo hình bao quát của họa sĩ trước những khung cảnh tưởng như bình thường, nhưng sao nó hào hùng và vĩ đại làm vậy.

Bức “Trên đường Điện Biên” hay “Đèo Lũng Lô”, “Hành quân qua suối”, “Đường mới mở”,… được ghi lại như những bố cục tranh hoàn chỉnh, bức hình thâu tóm quang cảnh hùng vĩ và nên thơ của rừng núi Tây Bắc cùng hàng đoàn bộ đội, dân công tấp nập tiến ra mặt trận như đi trẩy hội (…) Những tác phẩm đó bộc lộ cái tình, cái hồn của người họa sĩ hòa vào hơi thở của cuộc sống sôi động hướng ra mặt trận (…) Chính vì thế mà bộ ký họa về chiến dịch Điện Biên Phủ của thầy đã đoạt Giải Nhất tại Triển lãm Mỹ thuật toàn quốc năm 1954”(*).

Cũng là nghệ thuật của các khoảnh khắc, nhưng nhiếp ảnh nghệ thuật có ưu thế sáng tác nhanh còn hơn ký họa. Tuy nhiên vào đầu những năm 50 của thế kỷ trước, công nghệ nhiếp ảnh vẫn còn sơ khai nên dẫu rất nỗ lực, các nghệ sĩ nhiếp ảnh ở chiến trường chưa có điều kiện phát huy ưu thế của nhiếp ảnh nghệ thuật.

Chính vì thế bộ ảnh đầu tiên về chiến thắng Điện Biên Phủ của nhà nhiếp ảnh quân đội Triệu Đại càng có ý nghĩa. Triệu Đại chụp bộ ảnh này trong buổi trưa và chiều ngày 7 tháng 5 năm 1954, ghi lại hình ảnh bộ đội ta tấn công các vị trí 507, 508 và 509 nằm trên tả ngạn sông Nậm Rốm, rồi xung phong băng qua cầu Mường Thanh để đánh chiếm sở chỉ huy địch là hầm tướng De Castries.

Bộ ảnh về chiến thắng Điện Biên Phủ của Triệu Đại đã được tráng ngay và gửi sang triển lãm tại Hội nghị Genève - nơi đang diễn ra cuộc đàm phán quan trọng về vấn đề chấm dứt chiến tranh lập lại hòa bình ở Đông Dương.

Ngoài những văn nghệ sĩ trực tiếp tham gia chiến dịch và sáng tác ngay ở chiến trường Điện Biên Phủ, hơn sáu mươi năm qua, chiến dịch Điện Biên Phủ vẫn luôn trở thành nguồn cảm hứng của nhiều văn nghệ sĩ Việt Nam trong sáng tạo nghệ thuật.

Chính vì thế đề tài chiến dịch Điện Biên Phủ vẫn tiếp tục vẫy gọi văn nghệ sĩ hướng đến để sáng tác, kể cả những loại hình đòi hỏi thời gian lao động nghệ thuật “dài hơi” như làm phim truyện hay viết tiểu thuyết… Tiểu thuyết đầu tiên viết về chiến dịch Điện Biên Phủ - cũng là cuốn tiểu thuyết đầu tiên của văn học cách mạng Việt Nam - là Người người lớp lớp (dày 239 trang gồm ba tập, in vào năm 1954-1955) của Trần Dần được viết ngay sau khi chiến dịch kết thúc.

Ngoài ra, còn có một số tiểu thuyết khác viết về đề tài chiến dịch Điện Biên Phủ, trong đó có thể kể đến Cao điểm cuối cùng của Hữu Mai được công bố lần đầu vào năm 1961. Phim truyện về đề tài chiến dịch Điện Biên Phủ, ngoài phim Hoa ban đỏ của đạo diễn Bạch Diệp sản xuất năm 1994 nêu trên còn có phim Ký ức Điện Biên của đạo diễn Đỗ Minh Tuấn sản xuất năm 2004 nhân kỷ niệm 50 năm chiến thắng Điện Biên Phủ…

BÙI VĂN TIẾNG


(*) Ngô Mạnh Lân: Văn học nghệ thuật với Điện Biên Phủ, Nxb Quân đội nhân dân, 2005, tr 204-205.

;
.
.
.
.
.