Cựu chiến binh (CCB) Lê Thế Hân, Ban liên lạc CCB Điện Biên Phủ thành phố Đà Nẵng vừa đến thăm người đồng đội của mình là CCB Trần Ngọc Ký, 91 tuổi ở tổ 17 phường Bình Thuận, quận Hải Châu. Ông Ký nằm liệt giường đã 4 năm nay, nói không rõ tiếng nhưng vẫn hiểu được và tỏ biểu cảm qua nét mặt. Hình ảnh về Điện Biên cứ hiện lên rành rọt trong tâm trí những người lính già.
Hình ảnh về Điện Biên luôn hiện lên rành rọt trong tâm trí những người lính già. TRONG ẢNH: Ông Lê Thế Hân thăm ông Trần Ngọc Ký trên giường bệnh. Ảnh: H.V |
Bà Đào Thị Minh, vợ ông Ký có nét đẹp hồn hậu của người con quê đất Tổ. Trong mắt bà, chàng trai Đà Nẵng thời thanh niên chất phác mà mạnh mẽ, dễ cuốn hút người khác. Đi bộ đội rồi được điều ra Bắc hoạt động từ năm 1947, đơn vị đứng chân ở Phú Thọ, ngay từ đầu, ông Ký đã gửi tình yêu đến cô gái họ Đào tuổi 19.
Được lệnh đi Điện Biên, ông chỉ kịp nói với bà Minh: “Mãi đợi anh về nhé!”. Hai năm không thư từ, liên lạc, không hiểu sao bà vẫn tin tưởng ngày đoàn tụ. Chiến thắng Điện Biên, 3 tháng sau ông về đột ngột trước mặt bà với nụ cười tươi rói.
Bộ quân phục bạc màu, chiếc mũ nan bọc vải, tấm dù xanh màu lá, chiếc xắc cốt bên hông, đúng là chiến sĩ Điện Biên không lẫn vào đâu được. Ông kể nhiều về Đại đoàn 351 của ông, nơi có những pháo thủ dũng cảm kéo pháo vào trận địa, sẵn sàng lấy thân mình chèn pháo không để tuột xuống dốc hay vực sâu.
Nhiều đồng đội đã hy sinh, may mắn là ông lành lặn trở về. Không chờ lâu hơn nữa, một đám cưới tưng bừng được diễn ra. 6 người bạn cùng chiến đấu ở chiến trường với ông cũng về dự. Gia đình bà Minh lúc ấy khá giả, nên đã nhờ thợ chụp rất nhiều ảnh cưới, tiếc là sau này Mỹ ném bom, nhà cháy, mọi kỷ vật đều không còn.
Sau trận Điện Biên, ông Ký ra quân làm ở nhà máy ô-tô của tỉnh. Giải phóng miền Nam, vợ chồng ông về Đà Nẵng và cùng làm ở Sở Công nghiệp thành phố. Về hưu sớm do sức khỏe, lương không bao nhiêu, cả gia đình sống tằn tiện nuôi các con trưởng thành.
Bà Minh chỉ chiếc ti-vi đặt trang trọng ở phòng khách nói với CCB Lê Thế Hân: “Chiếc ti-vi này chúng tôi sắm như một món quà kỷ niệm sau khi được tặng mấy triệu đồng nhân kỷ niệm 50 năm Ngày chiến thắng Điện Biên.
Cứ mỗi lần Ban liên lạc đến là đều có tin vui gì đấy”. Ông Hân cười lây niềm vui của chủ nhà. Từ nhiều năm nay, ông được cho là “thanh niên xung phong” của Ban liên lạc, là người duy nhất đã trên 80 tuổi vẫn còn tự lái xe máy đi khắp thành phố gặp gỡ, giao lưu, thăm hỏi, đem giấy mời hoặc trao tiền hỗ trợ của các tổ chức cho đồng đội.
Ông nói: “Thì hồi ở Điện Biên, mình đã là thanh niên xung phong rồi mà. Được đi chiến trường, góp phần vào chiến thắng vĩ đại của dân tộc, tự hào lắm”. Đầu năm 1953, chưa đầy 17 tuổi, ông Hân lén giấu cha mẹ xin đi thanh niên xung phong, vì chưa đủ tuổi vào bộ đội. Nhiệm vụ đầu tiên của Đại đội 290 của ông là gánh gạo từ Thanh Hóa lên Lai Châu; mỗi người hai bồ gạo, mỗi bồ 20kg.
Lương thực ăn dọc đường là cơm nắm, muối lạc. Đêm đi, ngày nghỉ, mặc cho những đôi chân tứa máu vì đá tai mèo, gai góc. Bước vào chiến dịch Điện Biên, đơn vị ông nhận nhiệm vụ cõng, thồ vũ khí ra chiến trường, rồi lại chuyển thương binh về tuyến sau”.
Gian khổ, ác liệt, chứng kiến nhiều đồng đội ngã xuống ngay trước mắt mình, ông không chùn chân mà luôn tiến về phía trước bằng khí chất Điện Biên. Vào bộ đội rồi công tác ở Cục Hậu cần Quân khu 5, về hưu khi mang quân hàm đại úy, ông tất bật với việc “vác tù và”. Tham gia Câu lạc bộ Thái Phiên, Người Cao tuổi, Chữ thập đỏ…, tính ra ông giữ đến 9 việc từ khối phố đến phường. Đặc biệt, làm cầu nối với CCB Điện Biên là điều ông tâm huyết nhất.
Theo ông Hân, Ban liên lạc CCB Điện Biên Phủ của Đà Nẵng có lẽ là một trong những địa phương được các cấp chính quyền thành phố quan tâm, ưu ái vào loại nhất nước. Được thành lập ban đầu vào năm 1990 với 39 hội viên, nhưng đến nay chỉ còn 21 người; trong đó có thể đi lại và gặp gỡ được chỉ chừng 10 người.
Còn nhớ, kỷ niệm 40 năm rồi 50 năm chiến thắng Điện Biên, thành phố may cho mỗi CCB 2 bộ quân phục, mua vé máy bay thăm Hà Nội, sau đó lên Điện Biên. Vòng trở về, được tham quan nhiều tỉnh phía Bắc. Đi đến đâu, Hội CCB thành phố cũng liên lạc để các cụ được đón tiếp trang trọng, chu đáo.
Kỷ niệm 60 năm chiến thắng Điện Biên (2014), thành phố lại hỗ trợ đoàn thăm Côn Đảo; cũng hành trình máy bay kết hợp xe tham quan nhiều địa danh ở miền Nam, chi phí cả chục triệu đồng mỗi người. Thông qua Hội CCB Đà Nẵng, hãng taxi Tiên Sa và UBND quận Thanh Khê hỗ trợ 60 triệu đồng giúp CCB Đào Xuân Thực sửa lại căn nhà xuống cấp, dột nát. Công ty CP Xây dựng Cienco5 cũng tặng Ban liên lạc 50 triệu đồng. Hội còn có nguồn 10 triệu đồng từ sự ủng hộ của CCB Điện Biên Nguyễn Bình. Chính nhờ có nguồn quỹ này mà mỗi CCB qua đời đều được Ban liên lạc tham gia dự tang lễ và phúng viếng chu toàn.
Ông Lê Thế Hân kể về những dấu ấn kỷ niệm 60 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (2014) đầy phấn khích: “Những ngày đó chúng tôi đi về như con thoi không hề biết mệt. Giao lưu “Hào khí Điện Biên” với tuổi trẻ Quân khu 5, Công an, các trường học, cơ quan dân chính Đảng rồi nhận quà tặng từ các tổ chức xã hội. Không chỉ năm chẵn, những năm lẻ, CCB Điện Biên cũng được các cơ quan, đoàn thể quan tâm. Lần nào Ban liên lạc tổ chức gặp mặt cũng có Hội CCB thành phố, quận Hải Châu đến dự và trao quà. Tết năm Đinh Dậu vừa qua, quận Hải Châu tặng cho 9 CCB trên địa bàn quận mỗi người 2 triệu đồng”.
Trong câu chuyện, ông Hân đặc biệt dành tình cảm cho hai vị lãnh đạo mà ông và đồng đội yêu mến đó là cố Bí thư Thành ủy Nguyễn Bá Thanh và Chủ tịch UBND quận Hải Châu Lê Anh. Nguyên Chủ tịch UBND thành phố, sau này là Bí thư Thành ủy Nguyễn Bá Thanh đã dành nhiều thời gian gặp gỡ các CCB Điện Biên và tạo điều kiện để có các chuyến đi. Chủ tịch UBND quận Hải Châu hiện nay thì luôn quan tâm tỉ mỉ sức khỏe từng CCB Điện Biên trên địa bàn mình. Ai ốm đau ông đều trực tiếp thăm, gửi quà động viên.
63 năm sau chiến thắng “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, bên sông Hàn dịu êm, các CCB Điện Biên ở thành phố Đà Nẵng vẫn luôn tự hào về những năm tháng long lanh tỏa sáng của cuộc đời mình.
HỒNG VÂN