Không phải ai cũng đợi đủ điều kiện kinh tế mới làm từ thiện. Rất nhiều người dù cuộc sống chưa dư dả, nhưng họ đã tìm cách nối rộng những vòng tay nhân ái.
Anh Cường (ngoài cùng bên trái) trong đêm nhạc quyên góp từ thiện. (Ảnh do nhân vật cung cấp) |
Chỉ gặp anh Nguyễn Đình Cường (biệt danh Cường Thuốc Bắc, sinh năm 1972, hội viên của Hội Tình nghệ sĩ Đà Nẵng) trong 30 phút mà điện thoại anh reo liên tục. Chừng như ngại với người đối diện, anh phân trần: Xin lỗi em, có một nhạc công trong Hội đang bị suy tim, mấy hôm nay anh đi tìm nguồn hỗ trợ cho anh ấy...
Anh Cường là nhạc công chơi guitar, đồng thời là một lương y. Nhiều năm nay, anh cùng những thành viên trong Hội đứng ra kêu gọi, quyên góp, giúp đỡ những nghệ sĩ có hoàn cảnh khó khăn, neo đơn, bệnh tật, bằng cách tổ chức các đêm nhạc để vận động quyên góp. Hiện tại, Hội vẫn duy trì một năm/đêm nhạc Trịnh Công Sơn (địa điểm có thể thay đổi theo mỗi năm) và các đêm nhạc đột xuất nếu nhận được thông tin có trường hợp cần hỗ trợ. Vì Hội chưa có tư cách pháp nhân, rất khó để xin giấy phép thực hiện các chương trình, nên hầu hết các đêm nhạc diễn ra tại quán ăn/nhà hàng và phát vé mời miễn phí (qua facebook). Ngoài giúp đỡ những nghệ sĩ khó khăn, Hội còn mang lời ca tiếng hát đến Bệnh viện Ung bướu, Bệnh viện Đà Nẵng… Trong các chương trình văn nghệ này, bên cạnh mang “liều thuốc” tinh thần đến với bệnh nhân, Hội còn chuẩn bị nước uống, sữa… cho những vị khách đặc biệt này. “Chúng tôi không muốn đi xin “khơi khơi” mà muốn mời các nhà hảo tâm đến thưởng thức một chương trình nghệ thuật chất lượng. Từ đó, họ sẽ quyết định có giúp đỡ/đồng hành với các chương trình của Hội hay không. Đồng thời, khi nhận được trường hợp khó khăn, chúng tôi đều xác minh kỹ, sẵn sàng làm người “tiền trạm”, giúp nhà hảo tâm đến gần hơn với người khó khăn”, anh Cường chia sẻ.
Nhiều năm rồi, cái tên “Cường Thuốc Bắc” đã trở nên thân thương với anh chị em nghệ sĩ. Thậm chí, những nghệ sĩ ở nơi khác như NSND Kim Cương, ca sĩ Ánh Tuyết thi thoảng vẫn gửi quà/tiền qua tài khoản của anh Cường, nhờ anh chuyển đến người cần giúp. Anh cho rằng, đó chính là “cái được” quý giá nhất mà anh nhận được-sự tin tưởng của các nhà hảo tâm. Họ đã chọn anh để làm cầu nối với những mảnh đời bất hạnh…
Rất nhiều học sinh và giáo viên Trường THCS Kim Đồng (quận Hải Châu) đã trở nên thân thiết với thầy Nguyễn Công Dũng. Học sinh không có quần áo mặc đi học, “níu” thầy Dũng, học sinh không có điều kiện đóng học phí, “níu” thầy Dũng… đã gọi thầy Dũng rồi là yên tâm vì thầy nhất định xoay sở để kết nối với các nhà hảo tâm tìm sự giúp đỡ. Cứ thế, năm này qua năm khác, mỗi học trò có hoàn cảnh khó khăn đều được giáo viên chủ nhiệm đưa đến gặp thầy Dũng. Nhận được sự gửi gắm từ đồng nghiệp, thầy đều hẹn trong khoảng 7-10 ngày. Nếu trong khoảng thời gian đó, chưa tìm được nhà hảo tâm nào, thầy sẽ “ứng” trước tiền túi! Ngoài công việc dạy nhạc tại trường, thầy tranh thủ nhận thêm việc từ các chương trình văn nghệ cho các hội đoàn, doanh nghiệp. Buổi tối, thầy nhận làm quản lý cho một quán cà-phê. Thầy Dũng tâm sự: “Làm từ thiện là một nhu cầu, từ lúc tham gia làm việc xã hội, tôi tạo được nhiều mối quan hệ đáng quý trọng trong cuộc sống. Tôi vui với những khoản tiền khiêm tốn từ lao động chính đáng của mình để giúp người khác. Cứ có một khoản tiền nào đó vừa có được là gặp ngay một trường hợp cần giúp đỡ, mới thấy, xã hội còn nhiều người vất vả lắm”. Cứ thế, từ những đứa học trò thiếu áo thiếu vở, đến những phận đời trớ trêu, đều có cơ hội nhận chút ân tình từ những tấm lòng hảo tâm. Mỗi ngày, thầy vui với những cuộc điện thoại từ người xa lạ. Đó có thể là một trường hợp đang cần thầy giúp đỡ, hoặc của một nhà hảo tâm gửi thầy chút quà nhờ chuyển đến nơi cần đến.
Một nhà báo thâm niên từng tâm sự với người viết rằng, thể loại báo chí khó viết nhất với anh, đó là “Nhịp cầu nhân ái”. Thể loại này đòi hỏi người viết vừa phải đảm bảo nội dung sự thật, vừa trăn trở nghĩ cách làm sao để bài viết của mình chạm đến trái tim của bạn đọc. Có như vậy, những nhân vật đang từng ngày, từng giờ vật lộn với sự nghiệt ngã của số phận mới có cơ hội được giúp đỡ, được chữa bệnh… Ngày nay, không chỉ nhà báo có điều kiện dùng ngòi bút để đưa các trường hợp khó khăn đến cộng đồng mà thông qua mạng xã hội, bất kỳ ai, có thể chỉ đơn thuần là một cá nhân, không phải một tổ chức từ thiện, cũng không làm từ thiện thường xuyên nhưng vẫn sẵn sàng tiếp nhận tiền (hoặc cung cấp số điện thoại, tài khoản của người cần giúp đỡ) với mong muốn trường hợp mình đưa lên được cộng đồng hỗ trợ… Sức mạnh kết nối của mạng xã hội là không thể phủ nhận. Rất nhiều trường hợp được đưa lên mạng xã hội đã ngay lập tức lan tỏa đi nhiều nơi, nhận được sự giúp đỡ từ nhiều người.
Nếu ai theo dõi facebook cá nhân của anh Nguyễn Đình Cường sẽ thấy, một ngày anh đăng tải từ một đến vài trường hợp khó khăn. Không phải là cây viết chuyên nghiệp nên các bài viết của anh đa phần khá ngắn gọn nhưng luôn đi kèm hình ảnh/video minh họa. Những bài viết đã lay động trái tim hàng nghìn người, làm cầu nối giúp họ làm công tác thiện nguyện, mang yêu thương đến những người nghèo khó, bệnh tật. Anh kể, trước đây, khi chưa sử dụng facebook, mỗi lần đọc Báo Đà Nẵng hay Báo Công an Đà Nẵng, thấy trường hợp nào khó khăn là dù trưa nắng chói chang hay ngày mưa gió anh cũng đến phòng bạn đọc của tòa soạn đó đóng góp chút ít. Từ ngày sử dụng facebook, anh đều kêu gọi mạnh thường quân trên trang cá nhân và công khai số tiền/quà nhận được. Anh cho đó là cái hay của mạng xã hội. Bởi, các mạnh thường quân dù có tin tưởng mình bao nhiêu đi nữa, họ vẫn muốn được biết số tiền/quà họ gửi đã được sử dụng như thế nào…
Sự xuất hiện của mạng xã hội góp phần cùng báo chí trong việc lan tỏa những trường hợp cần giúp đỡ đến với nhiều người hảo tâm. Đôi khi, người ta không cần biết đến nhân vật cần giúp, không phải ngồi “nặn” chữ về các trường hợp cần giúp đỡ mà chỉ cần chia sẻ một bài báo (từ nguồn uy tín) về trường hợp ấy là đã giúp nhà hảo tâm đến gần hơn với người cần. Một nhà báo cho biết từng viết bài về hai trường hợp bị tai nạn lao động đăng trên báo; thế nhưng, nếu chị không chia sẻ trên mạng xã hội thì bài báo ấy cũng bị lẫn lộn với hàng trăm nghìn tin tức báo chí mỗi ngày. Từ lúc chị chia sẻ, các nhà hảo tâm đã đồng cảm và nhận hỗ trợ lâu dài cho mỗi gia đình trên.
Công việc làm cầu nối không khác gì “ông mai” trong xã hội hiện đại. Những “ông mai” này đã vượt lên những “điều tiếng” (nếu có) để kết nối những tấm lòng với nhau. Và, “sợi chỉ tơ hồng” của ông chính là “sợi chỉ yêu thương”, sẽ kéo dài mãi…
QUỲNH TRANG