Gần đây, câu chuyện về hưu trước hay sau thời điểm 1-1-2018 sẽ được lợi bỗng trở nên “nóng” hơn bao giờ hết. Trả lời phỏng vấn Báo Đà Nẵng, ông Lê Anh Nhân (ảnh), Phó Giám đốc BHXH Đà Nẵng cho rằng không phải ai nghỉ hưu trước năm 2018 cũng có lợi hơn so với nghỉ hưu từ năm 2018 trở đi.
Tùy trường hợp cụ thể, không phải ai nghỉ hưu trước năm 2018 cũng đều có lợi hơn người nghỉ hưu từ năm 2018 trở đi. (Ảnh minh họa chụp tại Công ty cổ phần 28, Đà Nẵng). Ảnh: V.T.L |
* Nhiều người sợ rằng, về hưu sau thời điểm 1-1-2018 thì sẽ bị thiệt thòi nên tìm cách “lách luật” để có thể nghỉ hưu sớm. Theo ông, việc nghỉ hưu vào thời điểm nào thì có lợi?
- Luật BHXH năm 2014 có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2016 có một số quy định mới về chế độ hưu trí sẽ áp dụng thực hiện từ ngày 1-1-2018 trở đi. Những quy định mới này có tác động trực tiếp đến người lao động cả nam và nữ, trong đó quy định mới về cách tính tỷ lệ % hưởng lương hưu theo số năm đã đóng BHXH là vấn đề được nhiều người lao động quan tâm và cho rằng nghỉ hưu trước thời điểm 1-1-2018 thì có lợi hơn.
Đối với lao động nữ, cách tính tỷ lệ % hưởng lương hưu theo số năm đã đóng BHXH kể từ 1-1-2016 đến 31-12-2017 như sau:
Từ 1-1-2016 đến 31-12-2017: Quy định số năm đóng BHXH tương ứng với tỷ lệ 45% là đủ 15 năm, sau đó, cứ mỗi năm đóng BHXH tiếp theo được tính thêm 3%, tối đa bằng 75%. Như vậy, để đạt được tỷ lệ phần trăm hưởng lương hưu ở mức tối đa 75% thì lao động nữ phải có thời gian đóng BHXH là đủ 25 năm.
Từ 1-1-2018 trở đi, cách tính tỷ lệ phần trăm hưởng lương hưu theo số năm đã đóng BHXH có thay đổi. Quy định số năm đóng BHXH tương ứng với tỷ lệ 45% là đủ 15 năm, sau đó, cứ mỗi năm đóng BHXH tiếp theo được tính thêm 2%, tối đa bằng 75%. Như vậy, để đạt được tỷ lệ phần trăm hưởng lương hưu ở mức tối đa là 75% thì lao động nữ phải có thời gian đóng BHXH là đủ 30 năm.
Sự khác nhau ở đây là cách tính tỷ lệ hưởng lương hưu theo số năm đã đóng BHXH, tuy nhiên, đối với những người về hưu đủ tuổi thì không phải quan tâm nhiều mà chủ yếu là sự tác động đối với những trường hợp người lao động nghỉ hưu trước tuổi.
Theo quy định, lao động nữ có từ đủ 20 năm đóng BHXH trở lên, nếu suy giảm khả năng lao động từ 61% đến 80% và có tuổi đời tương ứng theo quy định (năm 2016 đủ 46 tuổi, năm 2017 đủ 47 tuổi, năm 2018 đủ 48 tuổi, năm 2019 đủ 49 tuổi và năm 2020 đủ 50 tuổi) thì được nghỉ hưu với tỷ lệ hưởng lương hưu thấp hơn, theo đó mỗi năm nghỉ hưu trước tuổi quy định (55 tuổi trong điều kiện làm việc bình thường) thì giảm trừ 2% tỷ lệ hưởng lương hưu.
Ví dụ: Bà Nguyễn Thị A, tròn 48 tuổi vào tháng 11-2017, có đủ 25 năm đóng BHXH và làm việc trong điều kiện bình thường, bị suy giảm khả năng lao động 63% nếu hưởng lương hưu vào tháng 12-2017 thì tỷ lệ hưởng lương hưu được tính: 15 năm đầu tính bằng 45%; 10 năm tiếp theo mỗi năm tính thêm 3% bằng 30%; tổng bằng 75%; bà A nghỉ hưu trước tuổi 55 là 7 năm, bị giảm trừ 14%; tỷ lệ lương hưu được hưởng tại thời điểm ngày 1-12-2017 là 75% – 14% = 61%.
Nếu bà Nguyễn Thị A về hưu vào ngày 1-2-2018 thì tỷ lệ hưởng lương hưu được tính: 15 năm đầu tính bằng 45%; 10 năm tiếp theo mỗi năm tính thêm 2% bằng 20%; tổng bằng 65%; Bà A nghỉ hưu trước tuổi 55 là 6 năm, 10 tháng, bị giảm trừ 13%; tỷ lệ lương hưu được hưởng tại thời điểm ngày 1-2-2018 là 65% – 13% = 52%.
Với ví dụ trên cho thấy, trong những trường hợp nhất định (phụ thuộc vào các yếu tố: số năm đóng BHXH, tuổi đời, điều kiện làm việc…) lao động nữ về hưu năm 2017 sẽ có lợi hơn về hưu năm 2018.
Đối với lao động nam, cách tính tỷ lệ phần trăm hưởng lương hưu theo số năm đã đóng BHXH kể từ ngày 1-1-2016 đến 31-12-2017 như sau:
Từ ngày 1-1-2016 đến 31-12-2017: Quy định số năm đóng BHXH tương ứng với tỷ lệ 45% là đủ 15 năm, sau đó, cứ mỗi năm đóng BHXH tiếp theo được tính thêm 2%, tối đa bằng 75%. Như vậy, để đạt được tỷ lệ % hưởng lương hưu ở mức tối đa là 75% thì lao động nam phải có thời gian đóng BHXH là đủ 30 năm.
Kể từ 1-1-2018, cách tính tỷ lệ % hưởng lương hưu theo số năm đã đóng BHXH có khác. Quy định số năm đóng BHXH tương ứng với tỷ lệ 45% đối với lao động nam theo lộ trình tăng dần từ năm 2018; cụ thể năm 2018 đủ 16 năm, năm 2019 đủ 17 năm, năm 2020 đủ 18 năm, năm 2021 đủ 19 năm, năm 2022 đủ 22 năm. Sau đó, cứ mỗi năm đóng BHXH được tính thêm 2%, tối đa bằng 75%.
Như vậy, kể từ năm 2022 trở đi, để đạt được tỷ lệ phần trăm hưởng lương hưu ở mức tối đa là 75% thì lao động nam phải có thời gian đóng BHXH là đủ 35 năm.
Theo quy định nêu trên, giả sử lao động nam có đủ 30 năm đóng BHXH tính đến thời điểm đủ điều kiện về tuổi quy định nếu nghỉ hưu trong năm 2017 thì tỷ lệ % hưởng lương hưu là 75% (15 năm đầu tính bằng 45% + 15 năm tiếp theo mỗi năm tính thêm 2% bằng 30%); nếu lao động nam này nghỉ hưu trong năm 2018 thì tỷ lệ phần trăm hưởng lương hưu là 73% (16 năm đầu bằng 45% + 14 năm tiếp theo mỗi năm tính thêm 2% bằng 28%); với cách tính tương tự như vậy, nếu lao động nam này nghỉ hưu trong năm 2019 thì tỷ lệ phần trăm hưởng lương hưu là 71%, năm 2020 là 69%, năm 2021 là 67% và năm 2022 là 65%.
* Giữa thực trạng tìm việc làm rất khó khăn như hiện nay, nhiều người làm việc ở một số ngành, doanh nghiệp sẵn sàng về hưu trước vài ba năm để dành suất của mình cho con/cháu vào làm việc. Theo ông, việc này có sai quy định không và những người đó căn cứ vào đâu để được xét về hưu trước thời hạn?
- Trên thực tế, ở Đà Nẵng, một số ngành, doanh nghiệp có quy định “mở” là nếu cha mẹ nghỉ hưu trước tuổi thì con có thể thế chỗ công việc của mình.
Luật BHXH đã quy định cụ thể điều kiện để người lao động về hưu bao gồm cả về hưu đủ tuổi và về hưu trước tuổi quy định do suy giảm khả năng lao động với mức lương hưu thấp hơn. Căn cứ quy định của Luật, người lao động có thể vận dụng và lựa chọn thời điểm phù hợp có lợi nhất để nghỉ hưu khi đã có đủ điều kiện, vấn đề này không sai quy định. Cơ quan BHXH chỉ tiếp nhận và giải quyết hưởng chế độ lương hưu đối với người lao động khi có đủ điều kiện hưởng lương hưu theo quy định của pháp luật.
Với những quy định cụ thể của Luật BHXH, tỷ lệ hưởng lương hưu phụ thuộc vào các yếu tố: giới tính, độ tuổi khi nghỉ hưu, chức danh nghề hoặc công việc trong quá trình làm việc, nơi làm việc, thời gian đã đóng BHXH, thời điểm nghỉ hưu.
Những yếu tố này tác động trực tiếp đến từng nhóm đối tượng cụ thể, từng trường hợp cụ thể, vì vậy người lao động cần căn cứ vào điều kiện, hoàn cảnh thực tế của mình để lựa chọn thời điểm nghỉ hưu một cách phù hợp nhất để quyết định, vì không phải ai nghỉ hưu trước năm 2018 cũng đều có lợi hơn người nghỉ hưu từ năm 2018 trở đi.
- Xin cảm ơn ông.
VĂN THÀNH LÊ (thực hiện)