Bí ẩn Chăm, về hai con số mang tính biểu tượng

.

1. Trong kho tàng nghệ thuật điêu khắc Champa, tượng thần Shiva chiếm số lượng và vị trí vượt trội. Sự vượt trội này thể hiện ngay cả trên bi ký.

Trong 128 bi ký được tìm thấy dọc dải đất miền Trung Việt Nam, có đến 92 minh văn đề cập hay tôn vinh Shiva và hóa thân của Ngài, 5 minh văn về Brahma, 3 về Vishnu, 7 về Phật và 21 chưa được xác định (theo Paul Mus). Trong Tam linh vị (Brahma - thần Sáng tạo, Vishnu - thần Bảo dưỡng, Shiva - thần Hủy diệt), thần Shiva quả là vị thần đầy uy thế trong lịch sử tôn giáo-tín ngưỡng Chăm. Từ những bức tượng đầu tiên xuất hiện vào thế kỷ thứ VIII, qua những bước thăng trầm của lịch sử, dù hình tượng các vị thần khác có mờ phai hay mất đi trong tâm thức Chăm, nhưng Shiva vẫn luôn có mặt qua những nhân vật lịch sử được thần hóa, qua hàng trăm ngẫu tượng sinh thực khí (linga) đơn giản nhưng mãnh liệt và đầy sức sống.

Tháp Po Rome ở Ninh Thuận sử dụng cơ số 13.
Tháp Po Rome ở Ninh Thuận sử dụng cơ số 13.

Tại sao một vị thần biểu trưng cho cái chết và sự hủy diệt lại được trân trọng như thế? Theo ngữ nguyên, Shiva có nghĩa là thiện, là tốt lành. Trong vũ điệu Tândava biểu thị sự vận hành bất tuyệt của vũ trụ, Shiva hiện thân là Đấng toàn năng (Isvara) gieo rắc chiến tranh, bão tố và phá hủy, đồng thời mang tới cho trần gian may mắn, hạnh phúc và hoan lạc.

Bộ sinh thực khí, tượng trưng cho thần Shiva trong nghệ thuật Chăm, thường có 3 phần: phần dưới hình vuông, tượng trưng cho thần Brahma; phần giữa hình bát giác, tượng trưng cho thần Vishnu; phần trên hình tròn, tượng trưng cho thần Shiva. Như vậy, tự thân Shiva vừa là mình, vừa là bao hàm cái khác; vừa là ta, vừa cưu mang cái-không-ta. Do đó, trong ý nghĩa của sáng tạo, Shiva được coi là Đấng toàn năng lưỡng tính (ardha-nâri-Isvara) hay một hữu thể trung tính tự phân thân thành âm - dương. Âm dương giao hòa thì vũ trụ được tạo dựng, muôn vật hóa sinh.

2. Điều đó cho thấy, sự phá giới hạn, sự vượt quá, sự siêu việt, cái “hơn nữa” tồn tại ngay trong triết lý Chăm.

Sự thể thể hiện ở con số 37.

Thường thì số 36 là con số “của sự hợp quần vũ trụ, của sự hội nhập các nguyên tố và các chu trình tiến hóa… 36 là số của Trời, [36x2], 72 là số của Đất, và [36x3] 108 là số của Người tương liên như là 1, 2 và 3” (Jean Chevalier-Alain Gheerbrant, Từ điển Biểu tượng Văn hóa Thế giới, bản dịch, 1997). Nghĩa là, con số 36 mang nghĩa giao hòa và quân bình, chỉ thị sự mực thước, trung dung giữ thăng bằng con người và vũ trụ.

Chăm ngược lại: vượt quá!

Akhar thrah Chăm có 37 chữ cái; con thuyền dài tới 37 tapa [Gilai Po kluw pluh tajuh tapa: thuyền Pô dài 37 sải – Damnưy Po Tang Ahauk]; lễ cúng hạ thuyền, thầy cũng xướng tên 37 vị thánh (nưbi); ở lễ Rija praung cần đến 37 miếng trầu têm (gwơr hala); thuốc làm lễ tẩy trần nhà cửa cần tới đến 37 loại (mưta); còn để cai quản đất nước, người Chăm “nhân danh Shiva, kêu gọi Thần Cha phái đến 37 vị về cai trị” (Likuw Yang Po Yang Amư di ong nưmax Sibac Kayong ba 37 urang mai pakrơng nưgar); vân vân.

3. Không dừng lại ở đó, sự vượt quá trong tinh thần triết lý Chăm còn thể hiện qua con số 13. Vào giữa thập niên 1980, giáo sư toán học Đại học Đà Lạt là Nguyễn Huy Thông có xuống Phan Rang tìm hiểu về con số 13 kỳ bí của Chăm mà ông tình cờ khám phá ra. Chính xác: người Chăm sử dụng cơ số 13, chứ không phải như các dân tộc khác: chục 10 hay chục 12. Tôi đã tổ chức một “Hội thảo chiếu xe” tập hợp hơn 20 vị thân hào nhân sĩ Chăm nhằm giúp ông giải mã phát hiện này. Thế nhưng không ai biết đến con số 13 kia cả.

Nhà báo Quách Hòa cũng đã nhận ra điều kì lạ và kì thú này.

“Và một bí mật mà chúng tôi vô tình được nghe khi tìm hiểu về những tầng tháp Chăm độc đáo là con số 13. Với quan niệm của nhiều nơi trên thế giới, 13 là con số đen đủi nhưng với người Chăm, đó lại là con số lớn nhất, thể hiện cho sự giàu có và may mắn.

Chúng tôi thắc mắc tại sao ý nghĩa con số này của người Chăm lại không được bất kỳ sổ sách nào ghi chép? Thì ra đó là một bí mật mang tính tâm linh, rằng nếu không ai hỏi thì nhất quyết không thể nói ra. Có lẽ vì thế, mà ngay cả những người Chăm sống lâu năm cũng ít biết về con số này.

Nhưng nếu tinh ý, chúng ta sẽ phát hiện ra ở những ngọn tháp Chăm có sự hiển hiện về con số may mắn ấy.

Tất cả các tháp đều có thứ tự trụ vòm trên tháp từ 1-13. Cho đến nay, không có một ngọn tháp nào có số trụ vòm vượt trên 13 hoặc kém hơn. Đồng thời, trong 13 trụ vòm tháp ấy cũng tồn tại thiên đàng và địa ngục. Tầng cao nhất, tức là đỉnh tháp là sự ngự trị vĩnh hằng của thần thánh, tầng cuối cùng là địa ngục dành cho những kẻ gây nhiều tội ác phải bị trừng trị” (“Ngỡ ngàng tháp Chăm”, báo Kiến thức, 15-12-2013).

Tại sao có hiện tượng kì lạ như thế?

Ngay thời cổ đại, con số 13 bị coi là điềm xấu; ở đó sự kiện bữa tiệc cuối cùng của Chúa Jesus, có 13 tông đồ cùng ngồi ăn, được biết đến nhiều hơn cả. Bên cạnh đó, người thứ 13 trong một nhóm lại được coi là người có sức mạnh nhất, và cao quý nhất (thần Zeus và Ulysse là điển hình). Như vậy, “số 13 coi như một phần tử khác thường, ở ngoài lề, lưu lạc, tách rời khỏi trật tự và các nhịp vận động bình thường của vũ trụ” (Sđd).

Chính là tinh thần triết lý Chăm - đích thị tinh thần Shiva: Vị thần biểu trưng cho cái chết và sự hủy diệt, cũng hàm nghĩa thiện, tốt lành. Bởi chết là mặt khác của sống: Sống - chết không chỉ luân chuyển nhau tồn tại mà cùng song hành giữa dòng đời. Và phá hủy lại là tiên đề của sáng tạo. Phá hủy thúc đẩy sáng tạo và phá hủy để sáng tạo.

INRASARA

;
.
.
.
.
.