Không ít người đến tuổi nghỉ hưu vẫn thấy mình tràn trề sức khỏe và nhiệt huyết. Thay vì nhẹ nhõm trút bỏ gánh nặng công việc, tận hưởng giai đoạn sống an nhàn, họ rơi vào những khủng hoảng tâm lý, sức khỏe khi cầm trên tay quyết định nghỉ hưu.
Các hoạt động xã hội, văn nghệ, thể thao rất có ích cho người cao tuổi nói chung, người nghỉ hưu nói riêng.TRONG ẢNH: Người cao tuổi đi bộ, tập thể dục buổi sáng tại công viên vườn tượng Bạch Đằng.Ảnh: T.T |
Sốc vì “giá trị” bản thân thay đổi
Trong lần gặp gần nhất, anh N.T.T (phường Khuê Trung, quận Cẩm Lệ) – một người quen cũ của chúng tôi bày tỏ sự lo lắng vì sự thay đổi tâm tính của cha anh – một cán bộ vừa về hưu 2 năm. Theo anh T., cha anh vốn là người hiền lành, vui tính. Nhưng từ ngày về hưu, tính tình ông mỗi ngày một khó: hay cáu bẳn, dễ tự ái. “Chúng tôi rất khó chiều lòng ông, việc gì ông cũng muốn làm theo ý mình, không chịu nghe ai”, anh T. tâm sự.
Bà Phạm Thị Lệ Thanh (trú đường Lê Nổ, quận Hải Châu) cũng phải mất chừng một năm mới tạm quên thói quen ngày ngày lên bục giảng, vui buồn cùng những học trò thân yêu. “Thời gian đầu đúng là rất buồn, hụt hẫng, thấy ngày cứ dài đằng đẵng. Nhưng bây giờ niềm vui của tôi là làm việc nhà, chăm sóc con cháu, trồng rau, nuôi gà, thỉnh thoảng tổ dân phố, khu dân cư có hoạt động gì thì nhiệt tình tham gia thay vì trước đây phải từ chối vì bận bịu”, bà Lệ Thanh cho biết. Mỗi ngày, bà giáo về hưu tự lên thời gian biểu cho mình, từ tập thể dục, đọc sách báo, đi chợ nấu cơm, biểu diễn giao lưu văn nghệ, trò chuyện thư giãn với xóm giềng…, cuộc sống mỗi ngày trôi qua trong bình yên, an nhàn.
Song, không phải ai cũng được như bà Thanh. Từ thực tế khám chữa bệnh, Bác sĩ tâm lý Lâm Tứ Trung (Bệnh viện Tâm thần Đà Nẵng) cho biết, một số trạng thái tâm lý tiêu cực như buồn bã, cô đơn, mệt mỏi, dễ tự ái, thiếu tự tin, hoài cổ, nuối tiếc... thường xảy ra với người về hưu. Với những người khi đương chức có chút quyền lực, chức tước thì cảm giác “sốc” vì cảm thấy “giá trị” bản thân thay đổi diễn ra phổ biến hơn. Hiện tượng “sốc” này thường chỉ xảy ra một giai đoạn đầu nghỉ hưu, khi bản thân người nghỉ hưu chưa kịp thích ứng sự thay đổi môi trường sống, thói quen, công việc mỗi ngày. Tuy nhiên, có một số trường hợp, do nhiều nguyên nhân nội tại hoặc khách quan, hiện tượng sốc trên không tự chấm dứt mà chuyển thành bệnh. Trong tâm thần học gọi là bệnh rối loạn cảm xúc cơn hưng cảm - Ảo tưởng về khả năng của bản thân, về thực tại cần được nhập viện điều trị.
Cần chuẩn bị tâm lý trước tuổi về hưu
Cũng theo bác sĩ Trung, ở tuổi 55 (đối với nữ) và 60 trở lên (đối với nam), nhiều bệnh tuổi già bắt đầu xuất hiện, hoành hành. Khi còn đương chức, đi làm, bị công việc cuốn đi con người ta thường xem nhẹ bệnh tật, nhưng đến khi về hưu nhàn rỗi, nỗi lo lắng về sức khỏe, tuổi già trở nên thường trực cũng là một lý do tạo nên những hiện tượng tâm lý tiêu cực. Một số người hưu trí sốc vì thu nhập bị giới hạn, không còn đồng ra đồng vào, lo lắng vợ con, bạn bè xem thường… Vì vậy, để đảm bảo cho người về hưu tránh khỏi những biểu hiện tiêu cực trên thì việc chuẩn bị những điều kiện về tâm lý, sức khỏe, vật chất cơ bản là vô cùng quan trọng.
Bà Hồ Thị Mỹ Hạnh (trú phường Thanh Bình, quận Hải Châu) trông trẻ hơn rất nhiều so với cái tuổi 67 của mình. Bà Hạnh cho biết trước bà làm cán bộ Sở Thương mại (cũ), sau khi nghỉ hưu thì tham gia các hoạt động văn nghệ, dưỡng sinh của Câu lạc bộ Thái Phiên hơn 10 năm nay. Ngoài ra, bà Hạnh còn mở một quầy tạp hóa nhỏ tại nhà, vì vậy, tiếng là đã nghỉ hưu, nhưng bà Hạnh bận bịu đến nỗi chẳng còn thời gian “để buồn”.
Cuộc sống của ông Lê Văn Tục (63 tuổi, thôn Phong Nam, xã Hòa Châu, huyện Hòa Vang) chẳng có nhiều thay đổi sau khi về hưu mà ngược lại, ông còn cảm thấy yêu đời hơn vì có thể làm nhiều việc bản thân ông rất thích nhưng trước đây chưa có điều kiện thực hiện. Đó là được cùng vợ con đi du lịch, chăm sóc cây cảnh, ao cá, chăm lo việc làng với vai trò Trưởng ban Lễ tang của thôn. Hay đơn giản, những buổi chiều hè oi ả, được ngồi dưới gốc cây sung chơi cờ tướng, tán gẫu, chiêm nghiệm chuyện đời với những người bạn già, chợt thấy cuộc sống không còn gì thi vị bằng.
Còn bà Huỳnh Thị Như (53 tuổi, phường Phước Mỹ, quận Sơn Trà) dù còn gần 3 năm nữa mới đến tuổi nghỉ hưu nhưng kế hoạch cuộc sống cho giai đoạn nghỉ làm việc theo chế độ Nhà nước đã được bà Như “mơ màng” mấy năm nay. Đó là những chuyến đi làm thiện nguyện thỏa thích mà không bị chút ràng buộc nào về thời gian. Những chuyến trở về quê cũ, thăm bạn bè cũ mà mấy chục năm đầu tắt mặt tối không có dịp trở về, và nhiều, nhiều dự định nữa. Vì vậy, với bà Như, nghỉ hưu chính là thời gian quý giá, bà sẽ tận hưởng từng phút, giây…
Theo bác sĩ Lâm Tứ Trung, khi đã nghỉ hưu, việc tích cực tham gia các tổ chức như câu lạc bộ văn nghệ, thể thao, dưỡng sinh dành cho người cao tuổi, hội cựu chiến binh... giúp cải thiện đời sống tinh thần rất nhiều. Nếu còn khả năng, người về hưu vẫn có thể tiếp tục có những đóng góp cho xã hội bằng chuyên môn, sở trường vốn có của mình như nghiên cứu, sáng tác, dịch thuật…; tham gia, tham mưu các hoạt động của khu dân cư, thôn xóm. Những việc này giúp người về hưu tiếp tục khẳng định bản thân, tìm lại phần nào niềm vui trong công việc. Ngoài ra, sức khỏe và trạng thái tâm lý của người về hưu không chỉ phụ thuộc chính bản thân họ mà còn phụ thuộc môi trường sống của xã hội, thái độ cư xử của con cháu. Họ cần cảm giác được tôn trọng, cảm thấy mình còn giá trị, trước nhất là với những người trong gia đình. |
THANH TÂN