Việc cấp bách “giải mã” những ngôi mộ cổ cùng với di tích nghi là đình trạm/đồn lũy Chơn Sảng ở Hòa Vân sẽ bổ sung tư liệu lịch sử, góp phần làm rõ các vấn đề liên quan đến các di tích đánh dấu sự kiện lịch sử kháng Pháp 1858 - 1860.
Trở lại Hòa Vân, giờ chỉ còn tìm thấy độc một tấm bia ngôi mộ cổ của một bà họ Hà Vân. Ảnh: V.T.L |
Đi hết đoạn đường
bê-tông từ di tích nhà ông Gordon Smith (người sáng lập Hội phong tại làng Hòa Vân năm 1968) ra hết đồng ruộng, anh Nguyễn Cửu Lâm, cán bộ văn hóa - xã hội phường Hòa Hiệp Bắc, quận Liên Chiểu, bảo chúng tôi dừng lại. Sau khi Lâm phát dọn lùm cây mọc um tùm bằng chiếc rựa mượn của anh em Trạm kiểm soát Biên phòng Hòa Vân, một miếu thờ hoang tàn hiện ra.
Đó là miếu Thần Nông. Ông Nguyễn Văn Xứng, năm nay 80 tuổi, 6 năm trước khi còn là Trưởng ban Công tác Mặt trận thôn Hòa Vân, có kể rằng, nơi đây còn có miếu thờ cá ông, người dân làm biển, cá ông tấp vào thì làm miếu thờ. Gần 10 năm trước, Trưởng phòng Quản lý đô thị quận Liên Chiểu Nguyễn Nhường từng cho tôi xem nhiều tấm ảnh chụp ngôi miếu cổ này cùng với các di tích ở Hòa Vân kèm theo câu hỏi đầy than vãn: Không biết rồi đây mấy di tích này đi đâu về đâu?!
Lâm tiếp tục làm người dẫn đường. Tuy anh không sống ở Hòa Vân nhưng thường ra làm công tác phong trào nên không còn lạ gì đường ngang lối tắt ở đây. Thế mà, băng bộ suốt cả tiếng đồng hồ qua cỏ cây um tùm chẳng khác cảnh rúc rừng vẫn không tìm ra những ngôi mộ cổ phía sau nhà cũ ông Nguyễn Tấn Bảy mà chúng tôi từng mục kích 6 năm trước.
Chỉ từng ấy năm mà đã “bãi bể hóa thành ruộng dâu”. Ông Xứng đã cùng với bà con Hòa Vân tái định cư ở phường Hòa Hiệp Nam được 5 năm rồi. Cũng may tôi còn số điện thoại của ông, nhờ ông hướng dẫn mà Lâm sục sạo một hồi và tìm ra địa điểm cũ.
Ngày trước nơi này có 4 ngôi mộ cổ, trong đó một mộ, theo lời ông Bảy, bị đào lâu rồi, vương vãi một số gạch xưa được bà con gánh về lát sân. Giờ thì cả 3 mộ còn lại cũng bị đào bới, chỉ còn trơ trọi một tấm bia úp mặt xuống đất. Họa sĩ Nguyễn Thượng Hỷ đổ gần hết 2 chai nước suối làm sạch mặt bia. Những dòng chữ Hán hiện ra rõ nét giữa khung hoa văn rất đẹp.
Cán bộ Trung tâm Quản lý di sản văn hóa Đà Nẵng làm các thao tác chuyên môn để lấy mẫu bia. Chúng tôi đoán già đoán non các hàng chữ Hán. Hỷ bảo, chừ có ai đọc được thì hay biết mấy. Tôi chụp hình mặt bia, gửi qua thư điện tử cho TS Nguyễn Hoàng Thân ở Trường Đại học Sư phạm (ĐH Đà Nẵng). Sóng 3G nơi núi rừng đìu hiu này chập chờn một lát nhưng rồi thư cũng đến được người nhận.
Qua điện thoại, Thân phiên âm và giảng nghĩa cho chúng tôi biết nội dung văn bia. Đó là mộ một bà họ Hà Vân, người thôn Lý Sơn, huyện Văn Xương, phủ Quỳnh Châu, tỉnh Quảng Đông; được chồng là Giám sinh Đức Thuyên lập vào mùa xuân năm Kỷ Hợi (năm 1838 hoặc năm 1899). Thông tin “nóng” về ngôi mộ có niên đại hàng thế kỷ làm ai nấy quên đi cơn khát, nỗi nhọc giữa nắng nóng ngày hè, tiếp thêm sức lực đi tìm di tích được cho là một đình trạm dưới chân núi Hải Vân ngày trước. Ông Xứng lại chỉ đường qua điện thoại...
6 năm trước ở Hòa Vân, ông Nguyễn Văn Xứng (bìa trái) đã kể nhiều chi tiết giúp đoàn công tác phát hiện các di tích rất thú vị tại nơi này. Ảnh: V.T.L |
Ông Xứng ra Hòa Vân chữa bệnh từ năm 1975. Trong một lần phát dọn phía sau nhà mình, ông thấy lộ ra một bờ đá được làm bằng những hòn đá xếp chồng lên nhau, dấu tích của con đường dẫn đến một nền đất vuông vức bên một cái sân rộng, gần đó là một đống vôi hầm.
Theo suy diễn của ông, ngày trước có lẽ người ta định xây đình hay một công trình tương tự, nhưng chưa kịp thì thời gian và chiến tranh làm hư hại hết rồi. Năm đó, ông đưa chúng tôi ra sau nhà, chỉ nơi mà ông cho là khi xưa có con đường chạy từ trên đỉnh đèo Hải Vân xuống, được đánh dấu bằng một bụi tre lớn ở lưng chừng sườn núi. Nhiều người bảo là tre tự mọc, nhưng một số người, trong đó có ông, cho là người xưa trồng tre để đánh dấu vị trí, bởi cả vùng chỉ mỗi chỗ đó là có tre.
Giờ quay lại, sau khi Lâm dùng rựa phát quang, lộ ra đến 3 tầng bờ đá, tầng trên cùng có kích cỡ khoảng 10x14m, bằng phẳng như một nền công trình. Bốn bề cây cối um tùm, không ai hình dung ra con đường chạy thẳng một mạch từ đây lên đèo Hải Vân như lời ông Xứng 6 năm trước.
Họa sĩ Nguyễn Thượng Hỷ bảo câu chuyện như tiểu thuyết, rồi mường tượng ra cảnh những sĩ tử, những nhà nho xứ Quảng ngày xưa vượt qua con đường này ra Huế đã đi mòn hết bao nhiêu đôi dép mo cau. Trưởng phòng Văn hóa-Thông tin quận Liên Chiểu Trương Công Hiếu và Phó Chủ tịch UBND phường Hòa Hiệp Bắc Nguyễn Minh Hoàng đều tỏ ra phấn khích trước những gì lần đầu tiên được “tai nghe mắt thấy”.
Trở lại câu chuyện ông Xứng. Năm đó, ông kể rằng có ít nhất 3 đời lý trưởng từng cai quản ở vùng đất này. Một trong số đó, theo hình văn bia chúng tôi chụp lại 6 năm trước, là lý trưởng họ Nguyễn, được các cháu nội lập bia tháng Chạp năm Tự Đức thứ ba mươi sáu - 1877, mộ nằm sau lưng nhà ông Bảy nói trên. Hai ngôi mộ cạnh đó, một của một bà họ Lê, được cháu nội là Nguyễn Văn Phú (tấm bia khác ghi là Văn Phúc) làm chức Thí sai Dịch thừa lập bia ngày 17 tháng 9 năm Thành Thái thứ hai (1890); một là của bà vợ ông này, được ông và con trai, con gái lập bia sau đó một năm.
Giờ thì những ngôi mộ trên trăm tuổi giờ không còn nữa, chỉ còn tấm bia bà họ Hà Vân cùng với câu hỏi vì sao có mộ một người Quảng Đông ở nơi heo hút này. Con đường được cho là từ nền đình trạm sau nhà cũ ông Xứng dẫn lên đèo Hải Vân cũng mịt mờ dấu tích, chỉ còn lại những bờ đá trơ gan cùng tuế nguyệt. Hòa Vân được xem là “ốc đảo Hansen” trong những năm 1968-2012. Trước đó, nơi này đã diễn ra những sự kiện lịch sử gì, khi mà cả khu vực đông nam chân núi Hải Vân cùng với phía tây bán đảo Sơn Trà đều nằm trong vùng phòng thủ cửa biển Đà Nẵng của triều đình Nhà Nguyễn?
Trưởng đoàn công tác ra Hòa Vân, Giám đốc Trung tâm Quản lý di sản văn hóa Đà Nẵng Hồ Tấn Tuấn quanh quẩn trong đầu một câu hỏi: Phải chăng di tích đình trạm đó ban đầu là nơi dừng chân của khách bộ hành, sĩ tử, quan chức để dưỡng sức trước khi lội bộ băng qua đèo Hải Vân ra kinh đô Huế, về sau được triều Nguyễn xây dựng đồn lũy (đồn Chơn Sảng) để chống lại âm mưu xâm lược của liên quân Pháp - Tây Ban Nha trong cuộc chiến Mậu Ngọ 1858?
Hỏi nhà nghiên cứu Lê Thí, ông bảo vị trí đồn Chơn Sảng, theo mô tả của Võ Văn Dật trong Lịch sử Đà Nẵng 1306-1975 (NXB Nam Việt, CA, 2007) hay của Nguyễn Sinh Duy trong Phong trào Nghĩa hội Quảng Nam (NXB Đà Nẵng, 1998), là giống nhau, nằm giữa đèo Hải Vân và Nam Ô, khá gần biển. Tuy Bản đồ Quảng Nam thời Nguyễn trong Địa bạ Quảng Nam của Nguyễn Đình Đầu ghi vị trí đó là làng Hòa Vân (chứ không phải Chơn Sảng), nhưng ông Thí cho rằng rất nhiều khả năng đồn Chơn Sảng nằm ở vị trí đình trạm mà đoàn công tác chúng tôi phát hiện ở Hòa Vân.
Theo Võ Văn Dật trong sách đã dẫn, ngày 18-11-1859, Pháp tấn công chiếm được Chơn Sảng; tháng 1-1860, quân Nam triều phản công chiếm lại. Ông Đặng Dùng, một nhà “Nam Ô học” dẫn lời ông Võ Văn Sanh, một người dân Hòa Vân kể rằng, theo lời các cụ, khi bị đuổi khỏi Chơn Sảng, quân Pháp bắt theo nhiều dân làng đưa xuống tàu vào đánh chiếm Sài Gòn.
Những người dân ấy sau này trở thành các bậc tiền hậu hiền một làng ở Quận 1 - Sài Gòn, cùng nhau lập đình Nam Chơn trên đường Trần Quang Khải để tưởng nhớ gốc gác của mình. Nam Chơn là tên nhà trạm (trạm giao thông) được cải danh từ năm Minh Mạng thứ ba, trước đó có tên là trạm Chơn Sảng, nằm ở địa đầu phía bắc tỉnh Quảng Nam thời Nhà Nguyễn.
Cuộc chiến năm Mậu Ngọ 1858 đã đi vào những trang rực rỡ trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc, trong đó di tích liên quan tiêu biểu nhất là Thành Điện Hải. Bộ VH-TT&DL, UBND thành phố Đà Nẵng, Sở Văn hóa và Thể thao thành phố đang tiến hành các bước chuẩn bị hồ sơ xếp hạng di tích cấp quốc gia đặc biệt đối với di tích có một không hai này. Việc cấp bách “giải mã” những ngôi mộ cổ cùng với di tích nghi là đình trạm/đồn lũy Chơn Sảng ở Hòa Vân sẽ bổ sung tư liệu lịch sử, góp phần làm rõ các vấn đề liên quan đến các di tích đánh dấu sự kiện lịch sử kháng Pháp 1858 - 1860.
Tạm biệt Hòa Vân, chúng tôi gửi gắm những gì mình phát hiện được nhờ Đại úy Nguyễn Phương Thảo, Trạm phó Trạm kiểm soát Biên phòng Hòa Vân - bảo quản. Nghe chúng tôi thuật chuyện, người sĩ quan quê Hà Nam này bảo rất sẵn sàng với tư cách vừa là người lính, vừa là người đã chọn Đà Nẵng làm quê hương thứ hai…
VĂN THÀNH LÊ