Có hiện vật giá trị mà bo bo cất giữ trong rương trong tủ thì chẳng khác nào “áo gấm đi đêm”.
Cán bộ Bảo tàng Đà Nẵng tiến hành lập hồ sơ các hiện vật do các nhà sưu tập hiến tặng tại buổi giới thiệu các bộ sưu tập cổ vật người Đà Nẵng hôm cuối tháng 4 vừa qua. Ảnh: V.P.Q |
Hấp dẫn hơn cho trưng bày các bộ sưu tập
Hôm cuối tháng Tư vừa rồi, Bảo tàng Đà Nẵng lần thứ hai tổ chức giới thiệu các bộ sưu tập cổ vật người Đà Nẵng, góp thêm một nốt nhạc vào bản hòa âm gửi đến công chúng yêu những giá trị văn hóa cổ xưa. Giám đốc Bảo tàng Đà Nẵng, ông Huỳnh Đình Quốc Thiện, tỏ ý hài lòng khi lần này có đến 4 nhà sưu tập hiến tặng các cổ vật cho bảo tàng. Nhà sưu tập Hồ Anh Tuấn tặng một độc bình gốm Bát Tràng thế kỷ XIX. Nhà sưu tập Hồ Trung Tú tặng một bát gốm con gà và một tráp trầu Lái Thiêu đầu thế kỷ XX. Nhà sưu tập Lê Vũ Bảo tặng bộ chén, đĩa thời Lê. Đặc biệt, nhà sưu tập Cao Quỳ đến từ Quảng Ngãi tặng 2 bình kendy thời Đường.
Xu hướng của hầu hết các nhà sưu tập hiện nay, theo ông Thiện, là không còn mặn mà với gốm Tàu mà quay về “tắm ao ta” với các dòng gốm chính thống sản xuất tại Việt Nam. Chỉ kể dọc theo chiều dài đất nước từ Đà Nẵng trở vô đã có nhiều dòng gốm khiến cho các nhà sưu tập lẫn công chúng yêu cổ vật phải “ngã mũ chào”.
Gốm Thanh Hà nay đã chuyển sang phục vụ du lịch nên những bình, hũ, lọ, chum... sản xuất tại lò gốm nổi tiếng ở thành phố Hội An (Quảng Nam) này đã trở nên quý hiếm. Gốm Mỹ Thiện (Châu Ổ, Quảng Ngãi) lừng lẫy men da lươn, hoa văn đắp nổi, nay đã thất truyền; người ta quay về sưu tầm các loại ché, đĩa, ống bút... Nhà sưu tập Lâm Dũ Xênh nổi tiếng với bộ sưu tập văn hóa Sa Huỳnh đã nghiên cứu phục hồi được nước men của gốm Mỹ Thiện, mang lại niềm vui cho những ai mến mộ dòng gốm đất Châu Ổ này.
Gốm Gò Sành (Bình Định) sản xuất các dụng cụ phục vụ sản xuất mắm, muối, đồ dùng gia đình. Gốm Quảng Đức (Phú Yên) tuy đã trở thành “người của ngày hôm qua”, nhưng các sản phẩm của làng nghề vẫn được các nhà sưu tập cất công săn lùng. Bên cạnh gốm Biên Hòa (Đồng Nai) đạt đỉnh cao trong kỹ thuật tạo màu, tráng men, có dòng gốm Thành Lễ (Bình Dương) với kỹ thuật chạm khắc chìm gây ấn tượng mạnh, chấm men nhiều màu hoa văn rất chi tiết phủ khắp sản phẩm...
Dân nhà giàu một thời chơi gốm Tàu cao cấp có “giá trên trời” mà quên đi các dòng gốm Việt đã có giá trị văn hóa không kém lại vừa với túi tiền của phần lớn người chơi cổ ngoạn. Bà Trương Thế Liên, Trưởng phòng Sưu tầm - Trưng bày (Bảo tàng Đà Nẵng) cho biết, sắp tới bảo tàng sẽ hướng về sưu tập các dòng gốm cổ Việt Nam. Bảo tàng Đà Nẵng hiện có 51 bộ sưu tập, với 7 hiện vật của 4 nhà sưu tập hiến tặng nói trên, đơn vị sẽ làm hồ sơ, đưa vào thay đổi để “làm mới” các hiện vật trưng bày trong bộ sưu tập gốm sứ tại bảo tàng.
Để tăng phần hấp dẫn của các bộ sưu tập đối với công chúng, theo bà Liên, Bảo tàng Đà Nẵng sẽ tổ chức trưng bày theo niên đại (gốm sứ triều Lê, gốm Chu Đậu, gốm sứ ký kiểu...), sau đó sẽ thay đổi bằng cách trưng bày theo loại hình (bình kendy; hiện vật có hình gà, chim, ngựa...; các loại ché, hũ, chum, vại...).
Giới thiệu hiện vật với công chúng
Có hiện vật giá trị mà bo bo cất giữ trong rương trong tủ thì chẳng khác nào “áo gấm đi đêm”.
Các hiện vật của khai quật khảo cổ học di chỉ Vườn đình Khuê Bắc (phường Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn) năm 2017 hiện được bảo quản tại Trung tâm Quản lý di sản văn hóa Đà Nẵng. Theo đánh giá của Viện Khảo cổ học, đơn vị trực tiếp khai quật, di chỉ Vườn đình Khuê Bắc là di chỉ văn hóa Tiền Sa Huỳnh, là địa điểm thứ hai trên cả nước, sau di chỉ Bàu Trám (xã Tam Anh, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam). Sau 3 lần khai quật (qua các năm 2001, 2015, 2017), Viện Khảo cổ học kiến nghị các ngành chức năng thực hiện việc xếp hạng di tích khảo cổ học Vườn đình Khuê Bắc cấp thành phố, tiến tới lập hồ sơ đề nghị xếp hạng cấp quốc gia. Trước mắt, theo một cán bộ của Trung tâm Quản lý di sản văn hóa Đà Nẵng, đơn vị đang tiến hành làm hồ sơ chỉnh lý khoa học các hiện vật theo quy định hiện hành của Bộ VH-TT&DL, đến cuối năm nay sẽ bàn giao cho Bảo tàng Đà Nẵng để phục vụ công tác trưng bày.
Trưng bày cũng là một công tác được đặc biệt chú trọng ở Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng. Theo ông Phan Công Hải, Phó Giám đốc Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng, từ khi còn là một bộ phận của Bảo tàng Đà Nẵng, đơn vị đã tiến hành khai quật di chỉ Phong Lệ, quận Cẩm Lệ. Sau đó, khai quật tiếp 3 nền móng tháp Chăm ở Cấm Mít (xã Hòa Phong) và Quá Giáng (xã Hòa Phước). Tất cả các hiện vật phát hiện trong những lần khai quật này năm 2015 được đưa về Phòng Đà Nẵng - một phòng trưng bày mới cùng với các Phòng Quảng Bình, Mỹ Sơn, Đồng Dương, Trà Kiệu, Tháp Mẫm được người Pháp thành lập khi xây dựng Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng.
Theo kế hoạch nâng cấp, cải tạo Bảo tàng Điêu khắc Chăm đang được triển khai, ngoài 4 bộ sưu tập chính (gồm Mỹ Sơn, Trà Kiệu, Đồng Dương, Tháp Mẫm) sẽ có các phòng trưng bày hiện vật chạy dọc theo chiều dài đất nước: Quảng Bình – Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định – Kon Tum. Theo đánh giá của ông Hải, hệ thống trưng bày mới này sẽ khắc phục các nhược điểm của cách trưng bày cũ là giúp cho khách tham quan có một cái nhìn gần với thực địa khi đi theo lộ trình từ Bắc xuống Nam.
Phòng Đà Nẵng mới này sẽ tập trung các hiện vật mới khai quật cùng với một số tác phẩm được người Pháp ngày trước đưa về bảo tàng, xưa là điêu khắc đá, nay có thêm chất liệu kim loại. Cùng với đó, sẽ phục dựng tại bảo tàng các hố thiêng nhằm mang lại sự hấp dẫn đối với du khách về những hố thiêng ngoài thực địa ở di chỉ Phong Lệ. Đây là hình thức kết hợp giữa khai quật khảo cổ và đưa kết quả khảo cổ vào trưng bày. Với sự nâng cấp, cải tạo mới, Phòng Đà Nẵng sẽ tạo cho khách tham quan một cái nhìn cụ thể hơn về văn hóa Chăm tại địa phương, rằng Đà Nẵng cũng là một địa chỉ có các nền móng Chăm mà trước đây người ta không nghĩ tới. Phòng Đà Nẵng sẽ “khoác” một chiếc áo mới trước thềm “Tuần lễ Cấp cao APEC 2017” sắp diễn ra tại Đà Nẵng.
VIÊN PHÚC QUÂN