Đại tá - Thầy thuốc ưu tú Phạm Đình Phú là một bác sĩ quân y từng “thử lửa” qua hai chiến trường ác liệt ở Quảng Trị và biên giới phía Bắc. Ông còn là nhà thơ đã xuất bản 4 tập thơ, và mới đây ông trình làng tập truyện ký Blouse màu lá vào cuối tháng 5-2017, một tác phẩm hiếm hoi viết về ngành quân y.
Tác giả Phạm Đình Phú và bìa tập truyện ký Blouse màu lá. |
Tiếng thơ từ những nỗi niềm trắc ẩn
Tôi biết đến Phạm Đình Phú trước hết với tư cách nhà thơ, từng được đọc các tập thơ của ông: Có thể nào quên, Hạt giống cha gieo, Thương nhớ người dưng, Ngoảnh lại mùa đông. Một trong những bài thơ của ông làm tôi chú ý đầu tiên là Thương nhớ người dưng nói về nỗi canh cánh hơn hai mươi năm nhớ thương người yêu đã đi lấy chồng nhưng “Nghiệt oan phụ rẫy” mà tác giả cảm thấy mình như người có lỗi, để rồi bây giờ khi người phụ nữ ấy “Chăn manh, gối góa/ Lạnh buốt từng đêm trống trải lạnh lùng” thì ông lại chỉ dám:“Thi thoảng “online” thấy em vẫn chong đèn/ Thăm hỏi vài câu rồi “thoát”/ Biết chẳng làm gì cho em được/ Trái tim anh se thắt nhớ người dưng”.
Nếu như tác giả ở độ tuổi còn tương đối trẻ thì chẳng có gì đáng nói. Cái lạ ở đây là nỗi lòng của một người đã gần tuổi thất thập, vững vàng trong cuộc sống lẫn tình trường, ấy vậy mà trái tim vẫn se thắt sau mỗi lần “online” và “thoát”. Rõ ràng, vượt trên tình yêu nam nữ là tình người cao cả mang vẻ đẹp tinh thần nhân văn.
Thơ của Phạm Đình Phú ngôn ngữ mộc mạc, giản dị nhưng thường đều có tứ và ẩn đằng sau là một câu chuyện nhẹ nhàng đủ làm người đọc đồng cảm suy ngẫm. Hoa khế là bài thơ của ông gây ấn tượng nhất trong tôi, cũng nói về một mối tình không thành từ thời sinh viên, được tạo dựng bằng thi ảnh cây khế, cây chanh gần gũi mà sống động: “Trước ngày đi xa/ Anh trồng cây khế, cây chanh trước ngõ/ Em là cây khế/ Anh là cây chanh/ Sống bên nhau, đông về thay lá”. Ra trường, người con trai trở thành chiến sĩ, người con gái thư viết cho chiến trường ngày càng thưa để rồi cuối cùng đi xây tổ ấm phương xa. Chẳng biết bài thơ Hoa khế được nhà thơ Phạm Đình Phú hình thành như thế nào nhưng tôi cảm giác nó được viết ra một cách tự nhiên, không gượng ép vần vè, như nỗi tình trắc ẩn và hơi thở tự nhiên của ông vậy.
“Hành quân qua mấy mùa hoa
Cây chanh già nua tự hỏi
- Khế vẫn đơm bông khi mùa
gió thổi
- Chim có đùa vui? Hay không hót nữa rồi?”
Nhà thơ Phạm Đình Phú còn nhiều bài thơ xúc động khác viết cho gia đình, quê hương, đồng đội… Càng về sau thơ anh càng chín, càng day dứt. Bài thơ Giấc ngủ muộn sáng tác vào cuối năm 2016 là một trong những đột phá mới của ông, về một đề tài quen thuộc nhưng được viết bằng thể thơ tự do đa số câu dài gần với văn xuôi, thể hiện được những điều tác giả muốn nói về nỗi đau thầm lặng của những nữ thanh niên xung phong năm xưa nay đã lớn tuổi sống trong nỗi cô đơn khắc khoải: “Trước sự muộn màng không bao giờ bạn tôi chịu nói, chỉ nhặt những sợi tóc cằn khô/ Không thể có “chúng mình” để chồi ra một “mầm xanh” - mầm hạnh phúc trong mơ.../ Bạn tôi đắng lòng/ Tiếng trẻ bi bô bên nhà hàng xóm/ Bài ca phấn khích: Cô gái mở đường…/ Bài ca đưa bạn mỗi đêm về giấc ngủ muộn”.
Cuốn sách đời người: Blouse màu lá
Không viết dưới dạng nhật ký như người đồng đội, đồng nghiệp Đặng Thùy Trâm, tác phẩm Blouse màu lá của Phạm Đình Phú được thể hiện dưới dạng truyện ký, gồm 7 chương. Trong bài tựa đầu sách, nhà thơ Lam Giang nhận định: “Tôi thật sự cảm kích với một con người từng chịu thiệt thòi tình cảm, nhưng lại có ý chí vươn lên trong cuộc sống đầy khó khăn, gian lao và thử thách; nhất là đi qua cuộc chiến tranh chống Mỹ, cứu nước trên những mặt trận đấy ác liệt cam go với cương vị người thầy thuốc - chiến sĩ, lăn lộn cứu chữa hàng ngàn thương bệnh binh; đặc biệt hơn, cuộc chiến thời bình - đấu tranh không khoan nhượng với cái sai, cái xấu tồn tại trong cuộc sống thường nhật, khi mà bóng tối có nguy cơ phủ lên sự thật”.
Blouse màu lá mang tính tự truyện, nhưng thông qua hành trình khác thường của mình, Phạm Đình Phú đã cất tiếng nói tình yêu đầy tự hào đối với đất nước, quê hương, dòng tộc, gia đình, đồng đội, đồng nghiệp và ông còn vạch trần những sai trái, tiêu cực, chạy theo bạc tiền danh vọng, hãm hại người khác, làm vấy bẩn chiếc áo blouse màu lá mà bao người đã tô thắm bằng mồ hôi lẫn xương máu!
“Ngẫm nhìn quá khứ, tôi vô cùng yêu cuộc sống sôi động, nụ cười xanh tươi, tình người trải rộng. Đức hy sinh, dám xả thân cứu nước, cứu đời… đáng quý biết chừng nào”. Phạm Đình Phú tâm sự trong Blouse màu lá ở tr.275. Ở một đoạn khác ông viết: “Nhiều người quá coi trọng bạc tiền, danh vọng. Với họ, vô cùng vô kể, bằng mọi giá. Còn tôi thì không thể. Dẫu biết rằng có khi vì thiếu nó, tôi chịu “Ba chìm, bảy nổi, chín lênh đênh”. Nếu phải làm lại từ đầu, tôi vẫn phục tùng lẽ sống và bản chất bẩm sinh” (tr.277). Bằng trải nghiệm cuộc đời vất vả gian nan vào sinh ra tử của mình, ông suy ngẫm: Có người vẫn sống sờ sờ nhưng đã chết trong lòng dân. “Có người còn nằm lại ở rừng sâu, đáy sông, bờ suối, nhưng tiếng thơm để lại muôn đời. Những người ấy sống mãi trong lòng dân, bè bạn và có khi cả nhân loại. Họ là những “Người bất tử”. Chết là hết, nhưng cũng có thể vẫn chưa hết” (tr.276).
Có thể nói Phạm Đình Phú có một số phận hết sức đặc biệt, trên mỗi bước đường cuộc đời ông đều đối mặt gian nan thử thách, vượt qua nghịch cảnh. Từ cậu bé ốm yếu mồ côi, con duy nhất của liệt sĩ, mẹ đi tái giá, sống với bà nội giữa vùng quê miền Trung nghèo khổ lại đang chịu đựng bom đạn chiến tranh, ông đã cố gắng học tập, đậu Đại học Y khoa Hà Nội, tham gia quân đội, đến những chiến trường nóng bỏng, trở về hậu phương lại phải đấu tranh không khoan nhượng với tiêu cực, bất công. Cuộc đời của Đại tá - Thầy thuốc ưu tú - nhà thơ Phạm Đình Phú là một tấm gương đáng quý về bản lĩnh, nghị lực sống và cống hiến!
PHAN HOÀNG