Người lấy quá khứ để vẽ tương lai

.

Những bí ẩn của di tích dưới lòng đất có khả năng tái hiện đời sống vật chất, tinh thần trong quá khứ, đồng thời phác họa những nét cơ bản của tương lai luôn thôi thúc bước chân nhà khảo cổ Nguyễn Chiều lặn lội đến mọi miền đất nước. Những năm gần đây, ông đặc biệt có duyên với Đà Nẵng - mảnh đất giàu trầm tích văn hóa.

Với ông Nguyễn Chiều (trong ảnh), mỗi hiện vật được phát lộ dưới lòng đất đều chứa đựng những câu chuyện đầy ý nghĩa trong quá khứ.
Với ông Nguyễn Chiều (trong ảnh), mỗi hiện vật được phát lộ dưới lòng đất đều chứa đựng những câu chuyện đầy ý nghĩa trong quá khứ.

Năm 1980, tốt nghiệp khoa Sử - Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội (nay là Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn – ĐH Quốc gia Hà Nội), Nguyễn Chiều được trường giữ ở lại giảng dạy bộ môn Khảo cổ học. Với những áp lực chuyên môn của trường đại học danh tiếng bậc nhất cả nước, ông không cho phép bản thân dừng lại mà phải đào sâu nghiên cứu, học hỏi từ nhiều nguồn. Chuyên môn và các hoạt động thực hành khảo cổ cứ như thế ngấm vào ông, như định mệnh.

Để thích nghi được với nghề khảo cổ, đối với Nguyễn Chiều là quá trình chấp nhận và vượt qua rất nhiều khó khăn, thử thách... Và “trái ngọt” ông thu được chính là kho kiến thức, kinh nghiệm nghề nghiệp, vốn sống ngày càng dày thêm. Ông nói rằng, khảo cổ là nghiên cứu các di tích vật chất của con người trong quá khứ còn sót lại đến ngày nay. Từ đó, tìm ra quy luật hình thành và phát triển đời sống vật chất và tinh thần của họ trong quá khứ. Kết hợp việc nghiên cứu quá khứ với việc nghiên cứu hiện tại sẽ có thể phác họa nên những nét cơ bản của tương lai. Đó cũng chính là ý nghĩa, niềm vui, động lực của những người theo đuổi công việc lắm nhọc nhằn này.

Bị “hút hồn” bởi trầm tích văn hóa Chăm

Gần 40 năm qua, nhà khảo cổ Nguyễn Chiều có hứng thú đặc biệt với những trầm tích văn hóa Chăm. Từ sau lần đầu tiên đến Đà Nẵng vào năm 1985 (cùng với đoàn khảo sát của GS. Trần Quốc Vượng) khi Đà Nẵng vẫn là thành phố trực thuộc tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng, ông đã đề xuất với trưởng bộ môn đi sâu nghiên cứu và giảng dạy về khảo cổ học Chăm nhưng không được chấp nhận ngay.

Qua một số cuộc khảo sát, phát hiện mới và khai quật di tích Chăm ở Quảng Nam-Đà Nẵng sau đó (nhiều nhất là ở Trà Kiệu - Quảng Nam), đến năm 1990, ông mới được đồng ý chuẩn bị giáo trình Khảo cổ học Chăm để giảng dạy cho sinh viên chuyên ngành Khảo cổ học của trường, với điều kiện tự lo kinh phí!

Khó khăn đủ bề, song, với niềm đam mê, trách nhiệm nghề nghiệp, ông Nguyễn Chiều cứ “liệu cơm gắp mắm”, dần dà không chỉ duy trì mà còn mở rộng, đào sâu chuyên đề nghiên cứu tất cả các vấn đề về khảo cổ học ở miền Trung (từ thời đại đồ đá đến thời đại phong kiến).

Ông Nguyễn Chiều không nhớ chính xác bản thân đã có bao nhiêu chuyến rong ruổi khắp dải đất miền Trung (từ Thanh Hóa - Ninh Thuận). Đây là vùng đất mà theo ông chứa đựng rất nhiều “bí ẩn” quan trọng dưới lòng đất mà càng đi, càng thấy cần phải tìm hiểu, nghiên cứu kỹ hơn, như di tích văn hóa Sa Huỳnh ở Quảng Trị, di tích phong kiến ở Huế, đồ đá ở Phú Yên... Riêng những trầm tích văn hóa Chăm tập trung nhiều ở Quảng Nam, Đà Nẵng, Bình Định, Ninh Thuận...

Trong đó, quần thể di tích Chăm ở Phong Lệ (phường Hòa Thọ Đông, quận Cẩm Lệ, Đà Nẵng), dù mới khai quật bước đầu, song, với những gì đã phát lộ, cho thấy đây là một quần thể di tích rất rộng lớn, ẩn chứa nhiều “hàm số” quan trọng của nền văn hóa Chăm xưa.

Phong Lệ vì vậy chính là “thỏi nam châm” đầy sức hút với nhà khảo cổ Nguyễn Chiều những năm gần đây. Dù công việc bận bịu, liên tục phải di chuyển nhiều vùng miền, song, bất cứ khi nào thành phố Đà Nẵng có chủ trương, hoạt động khảo cổ liên quan đến Phong Lệ, ông  đều có mặt sớm nhất.

Di tích Phong Lệ là di tích kiến trúc Hindou giáo của vương quốc Chăm-pa xưa và cách đây hơn thế kỷ, khi các học giả Pháp nghiên cứu thì di tích này đã bị đổ nát từ lâu mà không để lại một tài liệu thành văn nào về nó. Các học giả Pháp khi đó chỉ có thể mô tả hiện trạng di tích hồi bấy giờ và thu lượm được một số tác phẩm điêu khắc nghệ thuật từ những đống đổ nát.

Đoàn khai quật do ông Nguyễn Chiều điều hành tuy đã tiến hành khai quật từ năm 2011, cũng chỉ mới làm rõ được nền móng của một ngôi tháp chính và vết tích của ngôi tháp cổng, kết hợp với quan sát xung quanh, nhưng đủ để cho thấy đây là một quần thể di tích kiến trúc rất lớn.

Đặc biệt, việc phát hiện những hố thiêng tồn tại trong di tích - điều trước đây người Pháp chưa công bố trong bất kỳ tài liệu nào, rồi những nền móng tháp được gia cố rất công phu, còn khá nguyên vẹn cho thấy kỹ thuật xây dựng nền móng bên trong của tháp rất đặc biệt. Kết quả nghiên cứu Phong Lệ đến nay tuy đã thu được nhiều thành tựu mới, rất quan trọng, nhưng theo ông Nguyễn Chiều, có lẽ mới chỉ đạt đến mức độ “thầy bói xem voi”.

Chính vì vậy mà việc nghiên cứu cần được đầu tư nhiều hơn nữa.. Nhưng với điều kiện kinh phí và thời gian như hiện tại, công cuộc khai quật, nghiên cứu di tích Phong Lệ phải được chia thành nhiều lần, mỗi lần một ít. Ông Nguyễn Chiều cho biết, chuyến vào Phong Lệ đầu tháng 8 tới đây, đoàn khảo cổ sẽ bóc nốt phần nền móng đã phát lộ, hoàn thiện hệ thống thoát nước, mái che để bảo vệ thành quả của các cuộc khai quật trước đó (vào năm 2011, 2012).

Ông  Nguyễn Chiều (bìa phải) tại di tích Chăm Phong Lệ. Ảnh: T.T
Ông Nguyễn Chiều (bìa phải) tại di tích Chăm Phong Lệ. Ảnh: T.T

Nặng lòng với những câu chuyện từ di tích

Nói về di tích Chăm tại Đà Nẵng, nhà khảo cổ Nguyễn Chiều cho rằng, Phong Lệ là một quần thể quan trọng, song, di tích Chăm tại thôn Quá Giáng 2 (xã Hòa Phước, huyện Hòa Vang) vừa được khai quật năm 2014 cũng hé lộ nhiều kết quả đáng quan tâm. Khác địa bàn ở Phong Lệ, tại đây, nhà dân đã được xây dựng dày đặc, lâu năm trên di tích, nên chỉ khai quật được một phần rất nhỏ.

Tuy nhiên, đã có những phát hiện cho thấy đây cũng là một quần thể di tích Chăm có niên đại rất sớm, nhiều phong cách kiến trúc, hoa văn xây dựng chồng khít lên nhau. Nhiều viên gạch hoa văn lại được dùng để xây bậc tam cấp, cho thấy có thể là sự tận dụng vật liệu cũ xây dựng công trình mới của người Chăm từng sống ở đây.

Hay di tích Chăm ở Khuê Trung (quận Cẩm Lệ) dù dấu tích còn lại rất ít nhưng nếu được khai quật, nghiên cứu bài bản, hẳn cũng sẽ hé lộ những câu chuyện thú vị, mang nhiều ý nghĩa của quá khứ trên mảnh đất này. Với ông Nguyễn Chiều, mỗi hiện vật thu được đều mang ý nghĩa rất lớn, có khi một mảnh gốm vỡ cũng cho ta biết trình độ phát triển kinh tế xã hội của người xưa.

Ở Đà Nẵng, theo ông Nguyễn Chiều, không riêng di tích Chăm ở Phong Lệ, Quá Giáng mà còn chứa đựng nhiều trầm tích văn hóa cần được bảo vệ. Những chuyến vào ra liên tục, sục sạo khắp Đà Nẵng của ông nhiều năm qua đã phát hiện những vết tích quan trọng tại bãi Nồm Mẹ, bãi Nồm Con (ven biển Sơn Trà), những vết tích văn hóa tiền, sơ sử rải rác khắp nơi, gần đây là di chỉ vườn đình Khuê Bắc (phường Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn)...

“Điều quan trọng bây giờ là chúng ta không nên để trễ hơn nữa, với những di tích đã được phát hiện, cần khoanh vùng, bảo vệ, có điều kiện sẽ tiếp tục nghiên cứu. Với những phát lộ có vấn đề, dù ngẫu nhiên cần được nghiên cứu, khai quật ngay, bởi càng trễ, thì hành trình tìm bí mật của quá khứ sẽ càng khó khăn”, ông Chiều nói.

Trong cả nước, những nhà khảo cổ có chuyên môn, tâm huyết như Nguyễn Chiều hiện chỉ đếm trên đầu ngón tay. Tuy nhiên, trong câu chuyện với chúng tôi, ông cũng đặt nhiều kỳ vọng vào đội ngũ kế cận của ngành. Hiện so với nhiều ngành nghề, ngành khảo cổ mỗi năm chỉ tuyển được 4-5 sinh viên theo học, nhưng thầy Nguyễn Chiều vẫn tin rằng, mọi thứ sẽ thay đổi khi Nhà nước có sự đầu tư đúng mức với ngành. Có thể, đây là giai đoạn khó khăn của ngành, nhưng sẽ qua, như một quy luật tất yếu của cuộc sống.

THANH TÂN

;
.
.
.
.
.