* Toán học du nhập vào nước ta từ bao giờ? Ngày xưa môn Toán đóng vai trò như thế nào trong chế độ thi cử? (Trần Quang Hùng, Sơn Trà, Đà Nẵng).
Những ai “sôi kinh nấu sử” để tiến thân bằng đường khoa bảng chẳng bao giờ quan tâm đến môn Toán. TRONG ẢNH: Một trường thi thời phong kiến ở Việt Nam. (Ảnh tư liệu) |
- Theo bài viết “Thi Toán đời xưa” của GS. Hoàng Xuân Hãn đăng trên Báo Khoa học số 13 - 14 (tháng 1 - 2 năm 1943, trang 207 - 215), Toán học du nhập từ Trung Hoa vào nước ta trong đời Đường (618 - 935). Cuốn sách toán đầu tiên vào nước ta là Bản Cửu chương theo thứ tự từ lớn đến bé: cửu cửu bát nhất, bát cửu thất nhì… nghĩa là: 9 (lần) 9 (là) 81, 8 (lần) 9 (là) 72... Về sau, sách Toán pháp thống tôn (1639) cuối đời Minh lại đổi thứ tự ngược lại từ bé đến lớn.
Theo bài đã dẫn, nhà nước phong kiến xưa tổ chức các kỳ thi Toán để chọn người làm việc lại (lại viên). Các kỳ thi này cũng không tổ chức định kỳ, 10 năm hoặc 15 năm mới có một kỳ thi chọn lại viên.
Thi lại viên cốt chọn những người làm việc lại, phụ trách các công việc như: coi sổ sách giấy má, tính sưu thuế, đạc điền (biết tính diện tích các đám ruộng), tính toán binh lương, tính thể tích các công trình xây dựng (đê, thành, hào), tính vật liệu (gạch, gỗ),... tất cả đều phải cần đến môn Toán.
Toán học du nhập vào nước ta khá sớm và ngay từ thời Nhà Lý, tháng 2 năm Đinh Tỵ (1077), vua Lý Nhân Tôn đã mở kỳ thi chọn lại viên với các môn thi: Thư (viết chữ tốt), Toán (toán pháp), Hình luật. Tuy nhiên nền Toán học nước ta xưa vừa thấp lại không phát triển. Ngoại trừ thi lại viên ra, Toán là môn không nằm trong các khoa thi “chính quy”; những ai “sôi kinh nấu sử” để tiến thân bằng đường khoa bảng thì không thi lại viên nên chẳng bao giờ quan tâm đến môn Toán.
Thực trạng xem nhẹ môn Toán thời xưa xuất phát từ nhiều nguyên nhân.
Việc học Toán, thi Toán ở ta thời xưa quá xem nhẹ, trước hết vì nhà nước phong kiến và xã hội coi khinh những người làm công việc tính toán (lại viên).
Ngày xưa cho kẻ lại là thấp hèn. Hán Việt từ điển trích dẫn (tra trực tuyến tại hanviet.org) giảng từ Lại [吏] là “kẻ lại, quan bậc thấp”. Ví dụ: thông lại [通吏] thuộc viên ở các phủ huyện; đề lại [提吏] người giúp việc quan, nắm giữ giấy tờ, tức thư ký của quan phủ huyện.
Tác giả Hoàng Xuân Hãn trong bài đã dẫn trích lời của Phan Huy Chú trong Lịch triều hiến chương rằng: “Xét ra chức nha, lại cho là hèn thấp. Việc kiểm soát sổ sách không giao cho kẻ sĩ. Kẻ sĩ làm văn, cho việc lại là ti tiện nên không nhúng tay vào”.
Tuy nhiên, nói thế không phải là nước ta ngày đó không có các nhà toán học, bằng chứng là có hai người được GS Hoàng Xuân Hãn nhắc tới trong bài viết của ông.
Trạng nguyên Lương Thế Vinh (1441 - 1496) viết cuốn Đại thành Toán pháp vào đời vua Lê Thánh Tông, nay còn bản in thời vua Lê Dụ Tông, niên hiệu Vĩnh Thịnh (1705 - 1719). Ngoài ra, Viện Nghiên cứu Hán - Nôm còn có hai bản; bản mới nhất được chép năm Giáp Thân, thời kỳ vua Bảo Đại (1944).
Đại thành toán pháp có bao gồm các bài toán, thuật giải, và kết quả số. Các bài toán về tính diện tích các hình phẳng, về vấn đề khai căn số, các thuật giải để chuyển đổi các đơn vị tiền tệ, về nhân, chia và các bài toán tính thể tích (của các thuyền). Sách cũng có riêng một phần về việc tính thuế đất. Phần cuối sách nói về vấn đề “bói toán”, tính độ cao của cây khi biết độ dài của bóng nắng...
Người thứ hai được nhắc tới là ông Nguyễn Hữu Chung, tuy ông này sách xưa không thấy ghi có đỗ đạt gì không, nhưng ông là tác giả “Bản Cửu chương Lập thành tính pháp” có trước thời Vĩnh Thịnh.
ĐNCT