Giao Thủy là nơi gặp gỡ của dòng sông Vu Gia với sông mẹ Thu Bồn từng bềnh bồng trong thơ Thanh Quế, “trước nhà em sông Vu Gia/ sau nhà em cũng lại là dòng sông”. Phía dưới ngã ba sông ấy một chút là cầu Giao Thủy.
Một cây cầu đã từng tồn tại bao nhiêu năm tháng, cũng đã từng biến mất sau bao nhiêu năm, thay vào đó là một bến đò với bao nhiêu chuyến đò qua lại giữa một bên là xã Đại Hòa (huyện Đại Lộc), một bên là xã Duy Hòa (huyện Duy Xuyên).
Ai đã từng qua lại trên những chuyến đò ấy sẽ hiểu mối “duyên nợ chiếc cầu - con đò” ấy. Những chuyến đò ngang tạm bợ qua khoảng sông rộng mênh mông hết mùa này đến mùa khác là một nỗi ám ảnh không thể nào phai trong lòng những người dân cả vùng và những người hoạch định kế sách. Mùa khô còn có thể tạm ổn nhưng đến mùa lũ thì mọi thứ trở nên vô cùng bất trắc, cứ như là đang đem tính mạng con người ra đùa với thần chết. Nhưng đâu thể không đi qua sông! Nếu phải vòng xuống quốc lộ 1A thì đường đi quá xa xôi, khó ai có thể chấp nhận một cung đường vòng xa ngái đến nhường kia.
Sau bao nhiêu chờ đợi, người dân đã được bước đi trên chiếc cầu nối đôi bờ sông Thu Bồn. Ảnh: Internet |
Khi cầu đang xây dựng, tôi đã cùng bao người mường tượng: “Không lâu nữa cầu Giao Thủy sẽ thông xe. Cùng với việc hoàn thành con đường đèo Phường Rạnh, tuyến xe Trung Phước - Đà Nẵng chắc chắn sẽ chạy hướng này, đồng nghĩa với sự phát triển của cả một khu vực từ Kiểm Lâm lên tận Trung Phước.
Ngược lại, cung đường đèo Le sẽ vắng đi một ít. Thì đành vậy chứ biết sao bây giờ? Với cầu Giao Thủy mới này, chắc chắn sẽ thêm nhiều người đổ về với Đà Nẵng! Rồi đây sẽ có tuyến du lịch về Mỹ Sơn khởi hành từ Đà Nẵng đi qua chiếc cầu “huyền thoại” này. Thêm một vùng đất của Đại Lộc sẽ được đánh thức. Còn chuyện phát triển ở hai bờ bắc và nam của chiếc cầu muộn màng, trễ tràng này, thật không dám tưởng tượng, bởi từ một thanh tre tạm bợ bắc qua sông đến những chiếc dầm bê-tông cộng với biết bao nhiêu thành tựu về kỹ thuật xây dựng cầu đường cùng bao nhiêu tiền bạc lẫn công sức đã nói lên quá nhiều câu chuyện rồi. Ngày mai, khi đã được đi trên cầu Giao Thủy, chúng ta sẽ hiểu…”.
Cầu Giao Thủy được khánh thành ngày 24-3-2017 - vừa dịp kỷ niệm 42 năm Ngày giải phóng Quảng Nam, 20 năm tái lập tỉnh, đã làm nên một diện mạo mới cho vùng đất vô cùng “cách trở đò giang này”. Bây giờ, chừng như đã bắt đầu hình thành một tuyến du lịch mới: Đà Nẵng - thị trấn Ái Nghĩa - cầu Giao Thủy - Thánh địa Mỹ Sơn - thị trấn Nam Phước - Tượng đài Bà mẹ Việt Nam Anh hùng (Tam Kỳ) - Làng bích họa Trung Thanh (Tam Kỳ) - cầu Cửa Đại - Đô thị cổ Hội An - Đà Nẵng. Rồi đến các địa điểm ẩm thực có thể ghé được: mì Tiếng Quý (La Châu), bún Phấn (Nam Phước) hay xa ra một chút là bê thui Cầu Mống - cơm gà Tam Kỳ - cao lầu/cơm gà Hội An… Cũng mới chỉ là một trong những câu trả lời còn dè dặt của cầu Giao Thủy thênh thang….
Trở lại Giao Thủy những ngày này, dường như đang thấy một Giao Thủy khác. Phía đầu cầu Duy Hòa đã bắt đầu xây dựng thêm nhà cửa mới, đã có thêm các hàng quán mới bởi từ đây chạy luôn vào phía nam, thẳng một mạch vài cây số sẽ gặp ngay Thánh địa Mỹ Sơn. Xe chạy phăm phăm chẳng khác gì đang đi trên quốc lộ 1A.
Mặc sức chạy xe như vậy, loáng cái đã mất hút, có ai còn nhớ những giây phút chờ đò năm nào? Dừng chân trên cầu chụp ảnh. Nhiều góc chụp khá đẹp. Sông Thu Bồn dài rộng nhìn hút tầm mắt. Ở đây nhìn rất rõ ngã ba sông Giao Thủy, cả khúc uốn lượn cuối sông Vu Gia trước khi đổ vào Thu Bồn. Nhìn rất rõ cả những gốc trụ cầu bằng gỗ thông ngâm dầu cũ kỹ còn sót lại trên bãi sông! Từ lan can cầu phía dưới nhìn xuống hướng đông, sông Thu Bồn mở ra vô tận như muốn khoe hết những nét duyên dáng của mình vậy. Trở lại con đường chạy ra bến đò phía mạn bắc. Xe chở cát nối nhau chạy tung bụi mù mịt. Bến đò cũ đã thành bến… tập kết cát, chắc chắn là được hút từ dưới sông lên! Chạnh nghĩ đến những người lái đò năm nào, những con đò một thời thân thương, đã về những đâu? Về đâu không biết nhưng dễ dàng cảm nhận những khó khăn sẽ đến với những con người ấy. Mong sao, họ vào cuộc mưu sinh mới thôi bớt chòng chành.
Nhìn quanh, một triền bãi bồi bát ngát những đậu phụng, thuốc lá, ớt, rau… Một người nông dân đang chở hai bao ớt đầy ắp. Năm ngoái ớt bán 20.000đồng/kg, năm này chẳng ai mua, đành chở về phơi khô… chờ giá! Lại cái điệp khúc “được mùa, mất giá” từng ám ảnh người nông dân năm này qua năm khác. Có chiếc cầu mới việc vận chuyển đã thuận lợi hơn rất nhiều, giá thành sẽ nhẹ đi nhưng bài toán tìm đầu ra cho nông sản của họ lại thuộc một phạm trù khác.
Đường dẫn vào đầu cầu phía bắc nối với Đại An, Đại Hòa, Ái Nghĩa đang được mở rộng. Một con đường rộng thênh thang nối hai bờ sông với bao nhiêu là kỳ vọng cho dân hai vùng, và không chỉ riêng cho dân ở hai bờ sông mà hình như muốn mở ra vô cùng. Chạy xe qua đây, lơi tay lái nhìn xuống dòng sông mà lắng lòng: Dưới ấy, đã từng tồn tại những chuyến đò dọc dài bao năm tháng cùng quá nhiều gian khó…
LÊ TRÂM