Vẫn tràn nhiệt huyết

.

Sau mấy chục năm công tác, những bác sĩ, giáo viên về hưu vẫn tiếp tục đem chất xám và cả nhiệt huyết của mình tiếp tục giúp ích cho cộng đồng.

Cô Kim Loan vẫn luôn dìu dắt các thế hệ học trò dù đã về hưu. Ảnh: Q.T
Cô Kim Loan vẫn luôn dìu dắt các thế hệ học trò dù đã về hưu. Ảnh: Q.T

Khi bà làm cô giáo

Lớp học của cô Nguyễn Bích Mận (70 tuổi, giáo viên hưu trí, ở tổ 71, khu dân cư Đa Mặn 11, phường Khuê Mỹ, quận Ngũ Hành Sơn) chỉ có 4-5 học trò tiểu học đến THCS. Nếu như ở các lớp học thêm khác, trò và cô học vào một giờ cố định, kéo dài từ 1 giờ rưỡi đến 2 giờ thì tại lớp học cô Mận, trò có thể ngồi học đến khi nào… mệt thì thôi.

Thậm chí, nhiều trò học suất thứ 2, 4 và 6 nhưng thứ 3, 5 và 7 vẫn tiếp tục đến học và không tốn thêm một đồng học phí nào. Như em Hải Quân (lớp 8, Trường THCS Trần Đại Nghĩa, quận Ngũ Hành Sơn) học ở nhà cô cả ngày, có những ngày chủ nhật hay buổi tối, em còn mang vở đến nhờ cô giảng bài thêm. Cô không bao giờ từ chối học trò. Cô nói, họa hoằn lắm, những hôm lưng đau hay mắt nhòe vì tuổi cao thì cô mới cho trò nghỉ, còn không cô luôn đồng hành với học trò đi qua những bài kiểm tra 15 phút, 1 tiết, thi học kỳ… nối tiếp nhau.

Cô Nguyễn Bích Mận nguyên là giáo viên Toán của Trường THCS Cao Thắng. Về hưu được 14 năm là cũng chừng ấy năm cô mở lớp tại nhà. Học trò là tụi trẻ con trong xóm, cha mẹ của chúng cũng chỉ đáng tuổi… con của cô.

Cho nên, trò toàn gọi cô là bà. Theo lời cô Mận, khi còn dạy học, thấy nhiều trẻ em quanh khu vực mình đang sống bị khuyết tật, mồ côi hoặc gia đình có hoàn cảnh khó khăn trong khi ba mẹ các em hằng ngày phải tất bật mưu sinh, không có thời gian kèm cặp, bổ trợ kiến thức nên cô cùng các cựu giáo viên trong khu vực cùng chung tay mở một lớp học tình thương để dạy miễn phí cho các em.

Lớp duy trì được 3 năm, giúp nhiều học trò lứa tuổi tiểu học, THCS hệ thống lại kiến thức bị hổng. Hiện tại, lứa học trò ngày ấy hầu hết đã vào THPT, một số em đã tốt nghiệp. “Xã hội bây giờ có điều kiện hơn. Trẻ em hầu hết được đến trường. Lớp học tình thương của chúng tôi dừng lại nhưng tôi vui mừng vì sự dừng lại ấy. Niềm vui lớn nhất của một nhà giáo là được nhìn thấy học trò trưởng thành từng ngày, được thấy các em thành đạt, trở thành người có ích cho xã hội”, cô Mận chia sẻ.

Cùng lứa tuổi với cô Mận là cô Nguyễn Thị Kim Loan (nguyên giáo viên Tiếng Anh, Trường THCS Nguyễn Văn Cừ). Hơn 30 năm đứng trên bục giảng, biết bao thế hệ học trò của Trường THCS Nguyễn Văn Cừ được cô dìu dắt. Đến khi về hưu, cô vẫn tiếp tục với sự nghiệp trồng người.

Hầu hết học trò của cô đều là những đứa trẻ sống gần đó, được cha mẹ đưa đến nhờ cô kèm cặp, vừa học chữ vừa học nghĩa. Học phí lớp cô còn rẻ hơn lớp học thêm, trung bình chỉ 150.000 đồng/em/tháng.  Một, hai năm trở lại đây, sức khỏe cô Loan giảm sút nhiều, cô không ngồi lâu được. Buổi sáng dạy xong là cô đến phòng tập vật lý trị liệu nhưng đến chiều lại tiếp tục dạy. Yêu nghề là thế nhưng khi nói về thành quả của mình, cô rất chân thành: “Về hưu rồi, nhưng tình cảm yêu trường, yêu lớp và yêu các em học sinh của tôi vẫn đong đầy. Nghỉ dạy một buổi, tôi thấy trống trải lắm. Tôi rất thích tiếp xúc với học sinh. Tôi có thể ngồi hàng giờ nghe chúng chia sẻ chuyện học hành, những chuyện vụn vặt xảy ra xung quanh cuộc sống. Nhờ dạy tụi nhỏ mà tôi thấy tâm hồn mình lúc nào cũng trẻ trung”.

Tiếp tục góp chất xám cho xã hội

Ngày nhận quyết định nghỉ hưu, bác sĩ CKI Nguyễn Thị Lan Hương tần ngần trước tủ quần áo đầy những chiếc váy công sở thời trang của mình. Nghĩ đến việc rồi đây những chiếc váy này sẽ được xếp sâu dưới đáy tủ thay cho loạt đồ bộ của bà nội trợ, chị không nén nổi tiếng thở dài nuối tiếc. Thấy vợ ra vào buồn bã, chồng bác sĩ Hương nói: “Em còn trẻ lắm. Nếu có bệnh viện/phòng khám nào mời thì em cứ đi làm đi chứ ở nhà làm gì”. “Được lời như cởi tấm lòng”, chị Hương hăm hở nhận lời mời của phòng khám Phúc Khang (đường Ngô Quyền, quận Sơn Trà) và đi làm chỉ sau 3 tháng nghỉ hưu.

Bác sĩ Lan Hương (sinh năm 1961) nguyên là giảng viên chuyên ngành Nội khoa của Trường ĐH Kỹ thuật Y dược Đà Nẵng. Hơn 30 năm giảng dạy nghiệp vụ lâm sàng Nội khoa, vừa dạy lý thuyết, vừa dẫn sinh viên đến các bệnh viện thị phạm, nên khi về hưu, chuyển từ giảng dạy sang khám bệnh thực tế, cũng là tiếp nối công việc trước đây.

Hiện nay, chị vừa tham gia khám chữa bệnh tại phòng khám (6 ngày/tuần) vừa đi dạy tại Trường ĐH Đông Á. Chị nói: “Tâm lý về hưu của tôi rất thoải mái. Trước đây tôi chỉ đi dạy, giờ về hưu vừa đi dạy vừa đi làm nên có thể nói “về hưu còn bận hơn lúc đương chức”. Tôi  rất sợ cảm giác phải ở nhà chơi không, đến giờ thì nấu ăn, dọn dẹp nhà cửa. May mắn là tôi được chồng, con động viên tiếp tục đi làm. Nếu ở nhà thì chỉ dăm bữa nửa tháng sẽ “lùi xùi” ngay”.

Chị Hương kể, hầu hết các đồng nghiệp làm trong ngành y của chị đều tiếp tục làm việc sau khi nghỉ hưu. Tay nghề và chất xám của các bác sĩ lớn tuổi giúp ích rất nhiều cho cộng đồng. Như bác sĩ CKI Lê Hoàng Lan Hương (khoa Ngoại thần kinh, Bệnh viện Hoàn Mỹ) năm nay 60 tuổi nhưng vẫn rất khỏe mạnh, minh mẫn nhờ duy trì cường độ làm việc liên tục.

Với bác sĩ Lê Hoàng Lan Hương, đi làm sau khi nghỉ hưu ngoài để kiếm thêm thu nhập dưỡng già thì nguyên nhân chính là để tránh những căn bệnh của tuổi già (như Alzheimer). “Tôi làm việc trong ngành vật lý trị liệu nên cần sự nhanh nhẹn, chỉ có đi làm thì độ nhanh nhẹn mới được duy trì. Ở nhà đi ra đi vào sẽ bị chậm ngay. Hơn nữa, đi làm được tiếp xúc với nhiều người khiến đầu óc chúng ta luôn suy nghĩ, tâm hồn trẻ trung. Tôi sẽ tiếp tục làm việc cho đến khi nào không làm được nữa mới nghỉ”, bác sĩ Hương nói.

QUỲNH TRANG

;
.
.
.
.
.