Bảo tồn và phát triển cây thuốc Đà Nẵng

.

“Đánh giá thực trạng cây thuốc trên địa bàn thành phố Đà Nẵng và đề xuất giải pháp bảo tồn, phát triển” là đề tài nghiên cứu khoa học cấp thành phố do Bệnh viện Y học cổ truyền (YHCT) phối hợp với Hội Dược liệu thành phố Đà Nẵng (TPĐN) và Khoa Tài nguyên dược liệu của Viện Dược liệu, thực hiện trong 2 năm (11-2015 - 10-2017). Ngày 14-10-2017, Bệnh viện YHCT tổ chức hội thảo báo cáo kết quả và thu thập ý kiến góp ý chỉnh lý của các cơ quan chức năng và các chuyên gia, thầy thuốc trong thành phố.

Đoàn điều tra cây thuốc phát hiện Cẩu tích tại rừng Cà Nhông, Bà Nà – Núi Chúa. Ảnh: P.C.T
Đoàn điều tra cây thuốc phát hiện Cẩu tích tại rừng Cà Nhông, Bà Nà – Núi Chúa. Ảnh: P.C.T

Sau 2 năm tiến hành điều tra nguồn tài nguyên cây thuốc ở TPĐN, nhóm tác giả đã thu được một số kết quả khả quan. Đó là  phát hiện và thống kê được 1.117 loài làm thuốc (có 889 loài mọc tự nhiên và 228 loài là cây thuốc trồng), cao hơn hẳn so với các tỉnh lân cận. Trong đó có khoảng 50 loài được coi là mới bổ sung cho khu hệ thực vật ở địa phương. Đặc biệt có 6 loài cây thuốc mới phát hiện đưa vào Danh lục cây thuốc TPĐN chưa có trong danh lục 5.117 cây thuốc Việt Nam của Viện Dược liệu công bố năm 2016.

Nguồn cây thuốc ở TPĐN có giá trị sử dụng khá phong phú theo kinh nghiệm của YHCT. Nhóm tác giả đã khảo sát thống kê được 879 bài thuốc kinh nghiệm trên 300 cây thuốc thường dùng (trong đó có 70 bài thuốc kinh nghiệm, tâm đắc của thầy thuốc và nhân dân Đà Nẵng mới điều tra đợt này). Một số loài cây thuốc có chứa các hợp chất tự nhiên, đã từng hoặc có triển vọng làm ra các thuốc mới. Kết quả điều tra tình hình khai thác sử dụng cây thuốc ở thành phố cũng cho thấy, hiện có khoảng gần 100 loài đang được khai thác, sử dụng ở các mức độ khác nhau, với tổng khối lượng tới 200 tấn/năm.

Ngoài ra đã xác định được 30 loài nằm trong diện bảo tồn, 25 loài có tiềm năng khai thác và 40 loài khuyến khích phát triển trồng. Từng loài đã ghi nhận được về hiện trạng, tọa độ địa lý nơi phân bố, qua đó tiến hành xây dựng bản đồ số nhằm hỗ trợ các cơ quan chức năng quản lý và khai thác hợp lý nguồn tài nguyên cây thuốc tại TPĐN.

Ngoài Danh lục cây thuốc, bản đồ số hóa, 8 báo cáo chuyên đề, 150 tiêu bản các loài cây thuốc quan trọng, đáng chú ý trong nhóm sản phẩm của đề tài còn có bản thảo sách “Cây thuốc Đà Nẵng” giới thiệu 300 cây thuốc với nội dung mô tả, phân bố sinh thái, bộ phận dùng, sơ chế, tính năng công dụng, bài thuốc thường dùng. Đây có thể xem là tài liệu cẩm nang, phục vụ cho nhu cầu nghiên cứu, giảng dạy, học tập; góp phần làm nâng cao nhận thức về vấn đề bảo tồn và hướng dẫn sử dụng cây thuốc cho người dân Đà Nẵng và bạn bè gần xa. Một phần nội dung tập sách này đã được tác giả chủ biên phổ biến chuyên mục “Phương hay thuốc quý” của Đà Nẵng cuối tuần trong nhiều năm qua.

Trên cơ sở của các kết quả điều tra nghiên cứu trên, nhóm tác giả đã đề xuất một số giải pháp vĩ mô, góp phần thúc đẩy việc khai thác bền vững nguồn tài nguyên cây thuốc thiên nhiên, đi đôi với bảo tồn và phát triển trồng thêm nhiều loài cây thuốc theo hướng nông nghiệp công nghệ cao.

Các kết quả điều tra nghiên cứu về nguồn tài nguyên cây thuốc ở TPĐN sẽ cung cấp các dẫn liệu để xây dựng quy hoạch tổng thể phát triển dược liệu và y học cổ truyền, góp phần tôn vinh giá trị của đa dạng sinh học, của nguồn cây thuốc ở Việt Nam nói chung và ở TPĐN nói riêng.

Được biết, kết quả điều tra nghiên cứu cây thuốc ở TPĐN sẽ được công bố tại “Hội nghị khoa học toàn quốc lần thứ 7 về Sinh thái và Tài nguyên sinh vật” do Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật, Viện Hàn lâm Khoa học tự nhiên và Công nghệ Quốc gia tổ chức tại Hà Nội ngày 20-10-2017 sắp đến.

Trước đó, một phần kết quả nghiên cứu này đã được trích xuất báo cáo và đăng trong Kỷ yếu hội thảo khoa học “Bảo tồn và phát triển bền vững hệ sinh thái tự nhiên bán đảo Sơn Trà” do Viện Sinh thái học miền Nam và Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng đồng tổ chức tại Đà Nẵng ngày 15-7-2017.

PHAN CÔNG TUẤN

;
.
.
.
.
.