Định hướng tương lai

.

Bước chân vào cổng trường đại học với nhiều sinh viên (SV) là một “đích đến” của sự phấn đấu, rèn luyện 12 năm học phổ thông và là nơi chuẩn bị hành trang vào đời. Nhiều bạn tự nhắc nhở bản thân không được “ngủ quên trong chiến thắng”, có những mục tiêu, định hướng rõ ràng trong tương lai.

Thực hành làm việc nhóm tại Hội thảo Giáo dục 4.0 tại Trường ĐH Bách khoa -ĐH Đà Nẵng.  ( Ảnh do Trường ĐH Bách khoa cung cấp)
Thực hành làm việc nhóm tại Hội thảo Giáo dục 4.0 tại Trường ĐH Bách khoa -ĐH Đà Nẵng. ( Ảnh do Trường ĐH Bách khoa cung cấp)

Nỗ lực không ngưng nghỉ

Sau khi nhập học vào khoa Du lịch, Trường ĐH Kinh tế (ĐH Đà Nẵng), tân SV Nguyễn Thị Trâm Anh liền xin làm thêm tại Danang Souvenirs Shop. Trâm Anh chia sẻ: trước đây chỉ có học và học, hết học ở trường thì đến lớp học thêm, nay thì ngoài thời gian nghe giảng trên lớp, em tham gia các hoạt động của lớp, trường và đi làm thêm. Việc đi làm thêm cho em có cơ hội rèn giũa những kỹ năng cần thiết của một người bán hàng như giao tiếp, sử dụng ngoại ngữ và tiếp thu cách làm việc trong ngành dịch vụ du lịch. Phần lớn khách đến cửa hàng là người nước ngoài, nhờ đó em rèn được cả tiếng Anh và tiếng Nhật, là hai ngoại ngữ đã theo học lâu nay. Với em, mỗi ngày đi học, đi làm là mỗi buổi học thực tế. Sẽ vẫn còn rất nhiều tri thức và kỹ năng mà những năm còn ngồi trên giảng đường đại học em phải góp nhặt để thực hiện ước mơ của mình”.

Với SV chương trình tiên tiến hai ngành Điện tử - Viễn thông và Hệ thống nhúng, Trường ĐH Bách khoa (ĐH Đà Nẵng), thì việc tăng tốc phải tiến hành từ khi các bạn đăng ký ngành học vào trường, và bắt buộc trên một “nền” kiến thức và kỹ năng tiếng Anh vững vàng mới có thể theo đuổi chương trình học suốt 3 hoặc 4 năm tại trường. Nguyễn Đức Huy, SV năm 3 ngành Hệ thống nhúng cho biết, năm đầu tiên, chỉ một số môn học bằng tiếng Việt, còn hầu hết những môn khác phải học bằng tiếng Anh. Trong lớp Huy có những bạn quê ở các tỉnh khác thì tiếng Anh thực sự là một thách thức, hầu hết thời gian phải đến các trung tâm tiếng Anh để học mới đạt chuẩn sau khi hết năm thứ nhất. Còn Lê Nguyễn Thanh Trúc, SV năm thứ 4 chuyên ngành Hệ thống số cho rằng học với chương trình tiên tiến có thể bạn sẽ vất vả hơn chương trình bình thường, và “qua chuẩn năm 1, quen với cách học, quen với việc học hoàn toàn bằng tiếng Anh thì đỡ hơn; bù lại SV được thực hành nhiều; có các nhóm học tập để làm thuyết trình, hỗ trợ nhau”.

Lớp của Đức Huy năm đầu tiên có 40 SV, có khoảng 10 bạn đã đi du học từ năm thứ 2, 3, hiện nay lớp còn 26 SV. Lớp của Thanh Trúc ban đầu cũng có 30 bạn, giờ chỉ còn 24. Những con số thiếu vắng này có thể do các bạn đi du học từ sớm, và cũng không tránh được trường hợp có những SV có thể giỏi các môn khác, nhưng không vượt qua chuẩn tiếng Anh IELTS 6.0.

Rất nhiều SV giỏi khi được hỏi bày tỏ mong muốn được đi du học và đang nỗ lực không ngừng tìm kiếm các nguồn học bổng. Hàng chục suất học bổng ngắn hạn (6 tháng đến 1 năm), các chương trình giao lưu văn hóa-học tập (trên dưới 1-2 tháng) vẫn được trao cho SV các Trường ĐH Bách khoa, Kinh tế, Ngoại ngữ, Sư phạm, CĐ Công nghệ (ĐH Đà Nẵng). Năm 2016, có 68 suất học bổng học tập ngắn hạn, giao lưu được trao cho SV ĐH Đà Nẵng đi các nước Nhật, Hàn Quốc, Thái Lan; chưa kể nguồn học bổng từ chính phủ các nước. Đức Huy cho biết nếu năm nay không tìm được học bổng phù hợp, thì năm tới sẽ đến học ở Portland State University, một trường hiện đang liên kết với chương trình tiên tiến theo dạng 4+1 (4 năm học ở Trường ĐH Bách khoa Đà Nẵng và 1 năm học ở Mỹ). Nguyễn Thị Trâm Anh cũng nuôi dưỡng ước mơ sẽ có một lần đặt chân đến Nhật bằng học bổng, khi bạn cho biết sẽ tiếp tục đăng ký cuộc thi hùng biện tiếng Nhật sắp tới tại Đà Nẵng; hoặc tìm kiếm từ các chương trình hỗ trợ khác.

Học tập theo dự án

TS Nguyễn Thị Anh Thư, Trưởng Chương trình tiên tiến ngành Điện tử-viễn thông, Trung tâm Xuất sắc, Trường ĐH Bách khoa cho biết, 11 năm đào tạo SV ngành Điện tử - Viễn thông và 9 năm đào tạo ngành Hệ thống nhúng theo chuẩn quốc tế, Chương trình tiên tiến được thiết kế khoa học và tư vấn áp dụng bởi trường ĐH Washington, cung cấp cho SV kiến thức lý thuyết và kỹ năng thực hành tốt nhất. Cùng với việc đào tạo kỹ năng cho SV, đổi mới việc học tập theo dự án, liên tục có các đợt tập huấn, phương pháp học tập mới được áp dụng, nhờ đó tỉ lệ SV ra trường có việc làm đạt 81% sau 3 tháng tốt nghiệp và đạt 96,3% sau 1 năm. Sinh viên ra trường có kỹ năng tiếng Anh tốt, phương pháp làm việc chuyên nghiệp, tư duy phản biện khoa học và các kỹ năng mềm khác để phát triển bản thân. Chương trình đào tạo của trung tâm mới được kiểm định chất lượng và được xếp thứ 2 ở các trường đại học ở Đông Nam Á, và Trường ĐH Bách khoa đang chuẩn bị để kiểm định chương trình trong khối các nền kinh tế APEC.

Trong khi đó, ở Trường ĐH Duy Tân, vào kỳ 2 của các năm thứ 2, 3 và 4, SV khối ngành kinh tế sẽ theo học PBL (Problem-based learning-học tập dựa theo giải quyết vấn đề, là phương pháp giảng dạy tiên tiến, chủ động và đặt trọng tâm vào việc tìm hiểu và giải quyết các vấn đề thực tế); SV khối kỹ thuật sẽ theo học CDIO (học tập dựa trên việc hình thành ý tưởng, thiết kế ý tưởng, thực hiện và vận hành, giúp hỗ trợ quá trình nghiên cứu và ứng dụng của SV), học theo dự án, tạo điều kiện giúp SV làm các đề tài, dự án. Thầy Mai Xuân Bình, giảng viên khoa Quản trị kinh doanh cho biết, bên cạnh việc mỗi lớp có một cố vấn học tập theo sát SV trong quá trình học, thì việc học theo dự án, dự án nào tốt sẽ được giảng viên hỗ trợ để phát triển, giúp SV làm quen với môi trường làm việc nhóm, lập và giải quyết vấn đề như trong thực tế công việc sau này. Đây cũng là cách hỗ trợ để SV làm quen, đi sâu nghiên cứu khoa học và có thể học các kỹ năng, phát triển ý tưởng khởi nghiệp tại Trung tâm khởi nghiệp của trường.

Mỗi trường đại học hay cao đẳng hiện nay đều có những đặc thù riêng giúp SV tiếp cận, làm quen với môi trường học thuật mới, hiện đại, gần gũi với thực tế, để sau này các em có thể hòa nhập nhanh với môi trường làm việc có tính quốc tế. Việc còn lại của mỗi SV là xác định việc học ở trường đại học là nơi cung cấp những kiến thức, kỹ năng cơ bản, các yếu tố còn lại như ngoại ngữ, kỹ năng mềm do mỗi bạn tự học, tự rèn luyện cho bản thân.

HOÀNG NHUNG

;
.
.
.
.
.