Không như mọi năm, tháng 9, 10 trở đi là “mùa thấp điểm” của ngành du lịch Đà Nẵng, thì năm nay lượng khách vẫn giữ ở mức cao, chủ yếu từ hai thị trường Hàn Quốc và Trung Quốc.
Giúp đưa số khách quốc tế đến Đà Nẵng trong 9 tháng đầu năm 2017 lên con số hơn 1,766 triệu lượt khách. Tuy nhiên, số hướng dẫn viên (HDV) quốc tế chưa đồng đều về số lượng (hiện có 69 HDV nói tiếng Hàn Quốc và 624 HDV nói tiếng Trung, trong khi lượng khách đến từ hai thị trường này tương đương nhau) khiến việc điều phối người hướng dẫn cho các đoàn khách còn gặp chuyện "đụng đâu phủi đó".
Hướng dẫn viên đang giới thiệu các bộ sưu tập ở Bảo tàng Điêu khắc Chăm cho một đoàn khách.Ảnh: H.N |
1. Định hướng du lịch là một trong những ngành kinh tế mũi nhọn, Đà Nẵng đã xây dựng được thương hiệu du lịch, tạo dựng hình ảnh đối với thị trường trong nước và quốc tế. Lượng khách nội địa và quốc tế đến với Đà Nẵng tăng đều qua các năm, trong vòng 5 năm (từ năm 2011 đến 2016), tốc độ tăng trưởng bình quân của khách du lịch đến Đà Nẵng đạt 20,14%, tổng doanh thu tăng bình quân đạt 30,7%.
Nhưng sự tăng trưởng đó vẫn chưa thực sự ổn định bởi những vấn đề nội tại của ngành du lịch, như hiện nay đang thiếu nhân sự ở các vị trí phục vụ bởi các cơ sở lưu trú đang tập trung con người cho Tuần lễ Cấp cao APEC vào đầu tháng tới; hay đội ngũ hướng dẫn viên (HDV) quốc tế đang có sự dịch chuyển thế mạnh từ tiếng Anh sang các thứ tiếng Nhật, Hàn, Trung.
Các năm trước, có sự thiếu hụt đội ngũ HDV tiếng Trung, khi thị trường khách Trung Quốc, Đài Loan tăng đột biến; thì từ năm ngoái đến nay, khách đến từ Hàn Quốc tăng nhanh, có những thời điểm bằng và vượt lượng khách đến từ Trung Quốc khiến số HDV nói tiếng Hàn thiếu.
Chị Quỳnh, một HDV tiếng Trung (thường dẫn các đoàn khách người Đài Loan) cho biết, cách đây vài năm, HDV tiếng Trung không nhiều, nhưng 3 năm trở lại đây thì số lượng tăng đột biến. Chị cho biết nhóm HDV Hoa ngữ tại Đà Nẵng có 406 người tham gia:
“Chừng này vẫn còn thiếu do nhiều người không tham gia nhóm. Số HDV Hoa ngữ hiện nay rất nhiều, do lượng khách từ thị trường nói tiếng Trung tăng mạnh. Ngoài số lượng tốt nghiệp Trường ĐH Ngoại ngữ (ĐH Đà Nẵng) thì có nhiều người học ở Huế cũng vào đây làm HDV”.
Nếu hơn một năm trước, lượng khách đến từ Hàn Quốc bằng khoảng 70% khách Trung Quốc và số lượng HDV tiếng Hàn chỉ đạt 6% (21 người) so với HDV tiếng Trung, thì năm nay số HDV tiếng Hàn tăng lên 69 người, nhưng vẫn rất thiếu so với con số hơn 600 HDV tiếng Trung.
Ông Trần Trà, Chủ tịch CLB HDV du lịch Đà Nẵng chia sẻ: “Chúng tôi buộc phải để HDV tiếng Anh sang giới thiệu cho các đoàn khách Hàn Quốc. Nhưng cũng sẽ gặp tình trạng một số người trong đoàn không biết tiếng Anh. Đây chỉ là giải pháp tạm thời đành phải chấp nhận khi lượng khách tăng quá cao, có những thời điểm khách Hàn tương đương khách Trung Quốc”.
Giải pháp tình thế này trước hết sẽ gây thiệt thòi cho du khách, đặc biệt là những người lớn tuổi hoặc những người không biết tiếng Anh (số người Hàn Quốc trẻ biết tiếng Anh khá nhiều so với một số khách đến từ một số nước châu Á khác).
Để có đủ số HDV tiếng Hàn, cần phải có quy trình đào tạo bài bản để bổ sung nguồn lực đạt chất lượng. Hiện nay, Trường ĐH Ngoại ngữ (ĐH Đà Nẵng) có khoảng 400 sinh viên theo học tiếng Hàn. Tuy nhiên, không phải tất cả các SV ra trường đều làm HDV du lịch tại Đà Nẵng, mà chỉ có số ít tham gia vào môi trường du lịch, đa phần đầu quân vào các công ty liên doanh.
Do vậy, nhu cầu về HDV tiếng Hàn luôn trong tình trạng thiếu hụt nghiêm trọng. Việc mở các đường bay trực tiếp từ nước ngoài đến Đà Nẵng đã giúp cho số lượng khách đến Đà Nẵng tăng lên rõ rệt mỗi năm, đặc biệt là khách Trung Quốc và Hàn Quốc. Nhưng số lượng HDV luôn trong tình trạng không đáp ứng đủ, nhất là những thời điểm khách tàu biển đến Đà Nẵng hoặc Chân Mây (Huế) thì việc tìm HDV lại càng khó.
2. Ngoài khách đến từ thị trường Hàn Quốc, HDV một số ngôn ngữ thuộc dạng tiếng hiếm như tiếng Ý, Tây Ban Nha cũng rơi vào cảnh thiếu trước hụt sau, khi hằng năm không có thêm nhiều người bổ sung vào đội ngũ này. Ở khoa Nhật – Hàn – Thái của Trường ĐH Ngoại ngữ (ĐH Đà Nẵng), số sinh viên tiếng Hàn chiếm một nửa (400/790), có nghĩa là nếu thành phố tiến hành xúc tiến du lịch mạnh mẽ ở thị trường nào, (như việc hai năm qua xúc tiến mạnh ở thị trường Hàn Quốc), thì “nguy cơ” thiếu nhân sự biết thứ tiếng đó cho ngành du lịch sẽ càng trầm trọng, khi việc chuẩn bị nguồn lực đào tạo chưa theo kịp.
Việc đặt ra vấn đề chuẩn bị nguồn lực sẽ không thừa, nhất là khi Sở Du lịch Đà Nẵng đề ra kế hoạch thời gian tới sẽ tiếp tục triển khai xúc tiến du lịch năm 2017, kế hoạch truyền thông du lịch 2017; chú trọng công tác nghiên cứu thị trường; đẩy mạnh xúc tiến thị trường nội địa và quốc tế trọng điểm như:
Đông Bắc Á (Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc), Đông Nam Á; mở rộng khai thác các thị trường quốc tế tiềm năng (Pháp, Đức, Anh, Úc, Bắc Mỹ) và thị trường mới (Ấn Độ). Xúc tiến quảng bá mở các đường bay quốc tế mới từ các thị trường trọng điểm đến Đà Nẵng; phối hợp hỗ trợ các hãng hàng không duy trì và gia tăng tần suất các đường bay hiện có; phối hợp với các hãng hàng không, các doanh nghiệp du lịch xây dựng kế hoạch liên kết thực hiện các chương trình quảng bá, xúc tiến du lịch tại các nước có đường bay trực tiếp đến Đà Nẵng và các thị trường tiềm năng đang hướng đến; quảng bá thông qua các chi nhánh, văn phòng đại diện các tập đoàn, doanh nghiệp du lịch; đẩy mạnh quảng bá loại hình du lịch M.I.C.E.
Làm nhịp cầu nối đưa du khách đến gần hơn, hiểu hơn danh lam thắng cảnh, con người và văn hóa mỗi vùng đất, đội ngũ HDV đang là những đại sứ du lịch quảng bá hình ảnh đất nước với du khách quốc tế. Tuy nhiên, nhiều HDV còn tự nhận thấy rằng, họ vẫn còn nhiều hạn chế về trình độ, sự nhiệt tình, vẫn còn làm việc theo kiểu “làm cho xong” nên các bài thuyết minh của họ cho khách quốc tế chưa sâu, chưa nói hết sự đặc biệt của mỗi điểm đến.
Ông Lê Quang Tươi, Trưởng Ban quản lý Khu du lịch thắng cảnh Ngũ Hành Sơn cho biết, với 10 HDV của ban, trong đó có 8 HDV tiếng Anh, 1 HDV tiếng Trung, 1 HDV tiếng Hàn đủ đáp ứng yêu cầu hướng dẫn cho khách hiện nay.
Mỗi năm các HDV được tham gia 2 lớp đào tạo bồi dưỡng nghiệp vụ, 1 lớp do Sở Du lịch tổ chức, 1 lớp do ban mở; ngoài ra các HDV tự tìm tòi tài liệu, trao đổi với nhau theo chuyên đề. “Những đợt cao điểm đón khách như thời gian mùa hè trở về trước, lúc nào thiếu HDV tiếng Hàn, tiếng Trung quá thì Ban quản lý phải nhờ đến sự giúp đỡ của Sở, họ sẽ cử người về đây hỗ trợ.
Còn lại anh chị em tự học để hướng dẫn khách. Sắp tới Ban quản lý sẽ cử các HDV này đi đào tạo bài bản. Thường các đoàn khách lớn đến đây đều có HDV đi cùng, chúng tôi chỉ hỗ trợ những đoàn khách lẻ, hỗ trợ khi có yêu cầu”.
Với quá trình hội nhập ngày càng tăng, Đà Nẵng sẽ là điểm đến cạnh tranh với các điểm đến khác không chỉ trong nước mà cả quốc tế. Giai đoạn 2016-2020, Đà Nẵng xác định phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Kỳ vọng đến năm 2020, Đà Nẵng sẽ đón được 8 triệu lượt khách trong đó 2 triệu khách quốc tế, 6 triệu khách nội địa.
Để đạt được điều này, Đà Nẵng đưa ra nhiều giải pháp trọng tâm, trong đó chú trọng đến phát triển nguồn nhân lực du lịch, nâng cao chất lượng du lịch. Như đào tạo nâng cao tay nghề đội ngũ nhân viên phục vụ ngành du lịch; đổi mới chương trình đào tạo phù hợp với tình hình thực tế; thành lập trung tâm sát hạch chất lượng nhân lực du lịch và tiến hành khảo sát, thống kê cung cấp thông tin về nguồn nhân lực và nhu cầu đào tạo…
Theo số liệu từ Sở Du lịch Đà Nẵng, tính đến hết tháng 8-2017, trên địa bàn thành phố có 3.108 HDV trong đó có 1.181 HDV tiếng Việt, 1.927 HDV quốc tế. Trong số HDV quốc tế có sự phân bố cụ thể như sau: Ngôn ngữ Anh 873; Pháp 133; Đức 67; Trung Quốc 600; Nhật 65; Nga 54; Thái Lan 37; Hàn 69. |
HOÀNG NHUNG