Thuyết minh viên cho du lịch cộng đồng

.

Trên địa bàn huyện Hòa Vang hiện có 5 khu du lịch lớn nhỏ, 5 điểm du lịch cộng đồng đang hoạt động và ngày càng có nhiều nhà đầu tư, nhiều doanh nghiệp lữ hành xin cấp phép đầu tư hoặc liên kết phát triển tour. Sự nhộn nhịp này cho thấy nơi đây đầy tiềm năng phát triển du lịch.

TS. Nguyễn Thị Mỹ Thanh, giảng viên khoa Du lịch, Trường Đại học Kinh tế (ĐH Đà Nẵng) hướng dẫn kỹ năng giao tiếp cho học viên lớp “Đào tạo hướng dẫn viên du lịch tại chỗ” huyện Hòa Vang. Ảnh: Đ.T.T
TS. Nguyễn Thị Mỹ Thanh, giảng viên khoa Du lịch, Trường Đại học Kinh tế (ĐH Đà Nẵng) hướng dẫn kỹ năng giao tiếp cho học viên lớp “Đào tạo hướng dẫn viên du lịch tại chỗ” huyện Hòa Vang. Ảnh: Đ.T.T

Tuy nhiên, cùng với việc thu hút được sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư, nhiều công ty lữ hành thì bài toán về nguồn nhân lực đang bắt đầu trở nên cấp thiết. Dự kiến, trong những năm tới, ngoài số lao động đang làm việc trong các khu du lịch hiện có, ngành du lịch ở Hòa Vang cần khoảng hơn 1.000 lao động địa phương, bao gồm cả chất lượng cao và kỹ năng nghề thông thường.

Trước tình hình đó, UBND huyện Hòa Vang đã chỉ đạo ngành chức năng khẩn trương tìm giải pháp đào tạo nguồn nhân lực cho phát triển, trước mắt tập trung những địa phương đang có hoạt động du lịch.

Trong quá trình tháo gỡ khó khăn về nguồn nhân lực, riêng ở mảng du lịch cộng đồng, huyện Hòa Vang đã nhận được sự hỗ trợ rất lớn từ Quỹ Môi trường Toàn cầu tại Việt Nam (GEF) và Trường Đại học Kinh tế (Đại học Đà Nẵng).

Thông qua Dự án “Góp phần bảo vệ đa dạng sinh học vùng đệm của Khu Bảo tồn thiên nhiên Bà Nà - Núi Chúa và Vườn Quốc gia Bạch Mã kết hợp với bảo tồn văn hóa của đồng bào dân tộc Cơ tu hướng tới phát triển du lịch sinh thái cộng đồng”, GEF đã hỗ trợ huyện Hòa Vang tổ chức tập huấn kỹ năng làm du lịch, dạy tiếng Anh giao tiếp cho đồng bào dân tộc Cơ tu với tình nguyện viên người nước ngoài. Cùng với đó, GEF còn hỗ trợ tập huấn công tác bảo đảm vệ sinh môi trường, cảnh quan và thành lập các nhóm dịch vụ du lịch cộng đồng cho các hộ dân tại hai thôn Tà Lang và Giàn Bí thuộc xã Hòa Bắc, đồng thời phối hợp tổ chức các đợt đưa đại diện đi học tập kinh nghiệm làm du lịch cộng đồng ở một số địa phương ở tỉnh Quảng Nam.

Ngày 22-9 vừa qua, thông qua Chương trình hỗ trợ xây dựng nông thôn mới, khoa Du lịch Trường Đại học Kinh tế (ĐH Đà Nẵng) hỗ trợ mở lớp “Đào tạo hướng dẫn viên du lịch tại chỗ” cho 29 học viên theo Tiêu chuẩn Kỹ năng nghề Du lịch Việt Nam (VTOS). Lớp học tổng kết, bế giảng vào chiều 8-10, tuy kết quả ban đầu còn rất khiêm tốn so với tổng thể yêu cầu phát triển du lịch của huyện nhưng thành công này lại hết sức thiết thực, đáp ứng được một phần yêu cầu trước mắt của du lịch cộng đồng đang phát triển ở một số xã trung du và miền núi, đồng thời cho phép hy vọng phát triển số lượng lao động du lịch lớn cũng như tìm được hướng đi thích hợp trong việc phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho du lịch của huyện.

5 điểm du lịch cộng đồng ở Hòa Vang gồm: thôn Phú Túc (xã Hòa Phú) với rượu cần, cồng chiêng, ẩm thực dân tộc Cơ tu; thôn Thái Lai (xã Hòa Nhơn) với nhà cổ Tích Thiện Đường, cây trái; thôn Tà Lang và Giàn Bí (xã Hòa Bắc) tương tự như thôn Phú Túc, chỉ thay rượu cần bằng phong cảnh; làng cổ Phong Nam (xã Hòa Châu); cụm Túy Loan với làng nghề bánh tráng, mì Quảng, nhà cổ, đình làng.

Trong 29 học viên lớp “Đào tạo hướng dẫn viên du lịch tại chỗ” có ông Đỗ Hữu Minh, chủ nhà cổ Tích Thiện Đường. Đây là điểm đến di sản văn hóa - nghệ thuật của nhà gỗ truyền thống Hòa Vang nói riêng, thành phố Đà Nẵng nói chung, nên ông rất mong có những người thực sự am hiểu về lĩnh vực này để có thể chuyển tải đến cho du khách cái “hồn cốt” của nhà cổ này.

TS. Nguyễn Thị Mỹ Thanh, giảng viên khoa Du lịch, Trường Đại học Kinh tế - một trong những giảng viên của lớp “Đào tạo hướng dẫn viên du lịch tại chỗ”, nhấn mạnh: “Tuy 29 học viên được chia ra làm 5 tổ theo 5 điểm đến du lịch, nhưng đòi hỏi tất cả học viên các tổ đều phải biết thuyết minh rành rẽ cho du khách về 5 điểm đến này. Trên cơ sở đó, huyện sẽ chọn các học viên có khả năng nổi trội để phục vụ các tuyến theo nhu cầu để đảm bảo phục vụ khách du lịch”.

Với mục tiêu đưa du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng trong cơ cấu kinh tế của huyện, việc đầu tư vào phát triển nguồn nhân lực là một đòi hỏi cấp bách, bởi đây là một yếu tố quyết định sự thành công của hoạt động du lịch. Do đó, trong quá trình giải bài toán nguồn nhân lực, UBND huyện Hòa Vang và ngành chức năng của huyện sẽ tranh thủ sự hỗ trợ đào tạo của các cấp, các ngành, Sở Du lịch thành phố Đà Nẵng cũng như các dự án đào tạo quốc tế và tiếp tục nghiên cứu bổ sung những hình thức hợp lý như: đào tạo theo địa chỉ, đào tạo theo gói dự án, kêu gọi đơn vị tự đào tạo nhằm tăng số lượng, đạt chất lượng nguồn nhân lực du lịch đáp ứng nhu cầu đặt ra hiện nay.

ĐỖ THANH TÂN

;
.
.
.
.
.