Gọi bình yên quay về

.

Đại thi hào Anh William Shakespeare từng viết: “Nếu bạn buồn bã, hãy bày tỏ cảm xúc của mình. Sự kìm nén và che giấu nỗi đau chỉ khiến trái tim bạn trở nên chai sạn, tổn thương nhiều hơn”. Với nhiều áp lực trong cuộc sống hiện nay, nhiều người đã tự hủy hoại bản thân mình bằng cách tự tử. Trong khi đó, thay vì chọn cái chết, cũng có nhiều người đã tìm cho mình những giải pháp tích cực, vượt qua nỗi đau, mất mát để cân bằng cuộc sống.

Ngày nay, nhiều người tìm đến yoga như một liệu pháp bổ ích trong việc giải tỏa căng thẳng.  TRONG ẢNH:  Đồng diễn Ngày Quốc tế Yoga lần thứ 3 do Hội Hữu nghị Việt - Ấn thành phố Đà Nẵng tổ chức. Ảnh: Đ.L
Ngày nay, nhiều người tìm đến yoga như một liệu pháp bổ ích trong việc giải tỏa căng thẳng. TRONG ẢNH: Đồng diễn Ngày Quốc tế Yoga lần thứ 3 do Hội Hữu nghị Việt - Ấn thành phố Đà Nẵng tổ chức. Ảnh: Đ.L

Học cách xử lý cảm xúc

Chị M.H, công tác tại một cơ quan báo chí ở Đà Nẵng, từng rơi vào trầm cảm sau cú sốc tâm lý khi phát hiện chồng mình ngoại tình. Do hai người sống ở hai nơi xa cách, chồng chị đã có tình cảm với một người con gái khác.

Càng yêu thương, tin tưởng chồng bao nhiêu thì chị càng cảm thấy bị phản bội và đau đớn ê chề bấy nhiêu. Dù chọn ly dị là cái kết thúc tốt đẹp nhất cho cả hai, nhưng chị phải mất một thời gian dài sống trong nỗi đau của sự dằn vặt, xen lẫn những nhớ thương, trách móc.

Trong khoảng thời gian đó, chị M.H ít tiếp xúc với ai kể cả người thân, bạn bè và đồng nghiệp vì những mặc cảm tự ti. Đôi khi chị cũng mong muốn chia sẻ với ai đó nhưng vì mất niềm tin quá lớn vào người chồng mà mình yêu thương, tin tưởng nhất nên chị luôn cảm thấy hoài nghi với người khác.

Với phương châm sống là “không làm tổn thương đến những người mình yêu thương”, chị chọn cách không nhắc đến bất kỳ điều gì không hay về người chồng cũ. Càng giấu nỗi đau vào trong, chị càng sống nội tâm và trầm lặng hơn. Nhưng rồi một ngày nọ, tình cờ chị tìm đến với việc nghe thuyết pháp. Ngoài công việc ở cơ quan, tối tối trước khi đi ngủ, chị lên mạng tìm các bài giảng pháp hay để nghe.

Chị M.H cho biết: “Nghe thuyết pháp thường xuyên và nghe với sự lắng tâm đầy đủ là yếu tố đặc biệt lợi ích giúp cho chúng ta tăng trưởng được sự hoan hỉ, sự thanh tịnh trí tuệ và nhiều lợi lạc khác. Nhờ đó mà mình cảm thấy nhẹ nhõm, bình yên hơn trong tâm hồn. Mọi sân si cuồng nộ dường như được trút bỏ. Mình bắt đầu nhìn nhận mọi chuyện trải qua một cách đơn giản, nhẹ nhàng hơn; đồng thời cảm thấy yêu thương bản thân mình và bắt đầu cân bằng cuộc sống trở lại bình thường”.

Chị giải thích thêm, chẳng hạn, khi nghe Thiền sư Thích Nhất Hạnh giảng về “Nghệ thuật thương yêu”, chị sẽ nhận ra rằng, con người có 5 yếu tố tạo thành, đó là: sắc, thọ, tưởng, hành, thức (hình hài, cảm thọ, tri giác, tâm hành và nhận thức). Cảm xúc chỉ là một phần nhỏ, cho nên không nên tự tử vì một phần nhỏ bé như vậy. Mình phải học cách để xử lý được những cảm xúc đó.

Còn chị T.O, công tác tại một trường đại học tại Đà Nẵng lại cảm thấy phấn chấn sau khi đã tìm cho mình một liệu pháp mới để vượt qua sự trầm cảm, đó là yoga.

Chị T.O chia sẻ: Tôi là một phụ nữ năng động và rất yêu thích khiêu vũ. Tuy nhiên sau một biến cố lớn xảy ra, tôi bị mất ngủ kéo dài suốt 5 tháng liền. Tinh thần trở nên suy sụp, thậm chí nhiều đêm liền lang thang dọc bờ biển chỉ để tìm một chút yên bình ở trong trái tim. Cuối cùng, tôi đã tìm đến yoga thay vì uống quá nhiều thuốc để vượt qua sự trầm cảm”.

Ban đầu tập, chị T.O cũng rất khó làm quen với môn này vì chị vốn là người năng động và hoạt bát. Với sự chịu khó luyện tập bền bỉ, chị T.O trở thành một học sinh chăm chỉ của lớp và cảm thấy tinh thần mình ngày càng tốt hơn.

“Yoga đã dần dần thay đổi chính tôi và dường như đã mang lại cuộc sống của tôi một lần nữa. Tôi tận hưởng những thử thách đơn giản và hạnh phúc mà yoga mang đến cho tôi mỗi ngày. Nhờ sự truyền cảm hứng và khích lệ từ huấn luyện viên, tôi ngày càng trở nên khỏe mạnh và lấy lại chính mình để tiếp tục chiến đấu cho những niềm tin duy nhất mà tôi có trong cuộc sống”, chị T.O cho biết.

Tìm sự đồng cảm qua chia sẻ

Cũng là chuyện tình cảm gia đình nhưng trường hợp của chị C.T, một nhân viên hàng không tại Đà Nẵng lại éo le và phức tạp hơn. Dù đã ly dị hơn 3 năm nhưng chị C.T vẫn phải đối mặt với người chồng cũ về vấn đề tranh chấp tài sản chung và quyền trực tiếp nuôi con, mặc dù trước đó Tòa án Nhân dân quận Hải Châu đã giải quyết đồng ý giao con chung là B.T cho chị trực tiếp nuôi dưỡng. Chồng chị có nghĩa vụ cấp dưỡng nuôi con mỗi tháng 3 triệu đồng đến khi con đủ 18 tuổi kể từ ngày bản án có hiệu lực.

Tuy nhiên, từ đó đến nay, bố đứa bé chỉ chu cấp được 2 tháng cấp dưỡng cho con. Đặc biệt, cháu B.T là con gái nên rất cần sự chăm sóc nuôi dưỡng của người mẹ. Thế nhưng, sau đó bố của bé làm đơn đòi quyền nuôi con và thẩm phán lại xử giao bé B.T cho bố nuôi dưỡng trong khi chị C.T có việc làm ổn định. “Nhưng điều quan trọng hơn là nỗi lo sợ khi về ở với bố, bé không chịu ở trong nhà và sẽ khóc lóc thì lại bị hành vi bạo lực của bố như trước đây tôi đã từng bị chồng đánh. Tôi rất sợ hành động đó sẽ lặp lại với đứa trẻ làm cho bé bị tự kỷ”, chị C.T chia sẻ.

“Cây muốn lặng mà gió chẳng dừng”. Đó là những ngày tháng chị sống trong căng thẳng, lo lâu và đau buồn. Nhiều lúc chị không muốn gặp gỡ ai cả, mà chỉ thích ngồi một mình ở một góc quán cà-phê nào đó. Chị tâm sự: “Có lúc tôi chỉ muốn bỏ việc để đi đến một đất nước nào đó thật xa để sống, chứ ở đây chịu không nổi. Một mình vừa phải vất vả kiếm tiền nuôi con lại vừa đối mặt với những chuyện buồn từ phía gia đình nhà chồng cũ”.

Là người từ tỉnh khác đến Đà Nẵng lập nghiệp, chị C.T không có người thân để chia sẻ. Khi rơi vào tột cùng của bế tắc, chị đành chọn giải pháp tâm sự với cộng đồng facebook để có thêm sự đồng cảm từ phía những người mẹ dẫu biết rằng việc đó chẳng khác gì “vạch áo cho người xem lưng”. “Thực tâm tôi có vài lời muốn tâm sự và mong được sự đồng cảm của cộng đồng. Vì tôi không thân, không thế, tiền kiếm được chủ yếu lo cho con gái những gì tốt nhất để được bằng bạn, bằng bè”, chị cho biết.

Với sự đồng cảm của những người mẹ, nhiều bạn bè trên facebook của chị đã lên án hành động của người bố và cho chị nhiều cách giải quyết. Có lẽ, nhờ sự lên tiếng của cộng đồng nên bé B.T vẫn được ở với mẹ. Chị chia sẻ:

“Nhiều người khuyên tôi rằng, người đó không đáng để cho tôi phải suy sụp, cần cố gắng lấy lại tinh thần mà nuôi con còn hơn mất thời gian suy nghĩ đến những chuyện không hay đó. Vì con nên tôi không muốn suy nghĩ nhiều để làm hại đến sức khỏe của mình. Hơn nữa, công việc của tôi là phải tiếp xúc trực tiếp với khách hàng nên phải tự mình tìm cách bỏ đi khuôn mặt buồn tủi qua một bên để hoàn thành công việc được tốt. Ngoài ra, tôi cũng tham gia tích cực hoạt động Đoàn để không phải nhớ đến chuyện không vui nữa, rồi dần dần cũng qua”.

Sau khi đã cân bằng được cuộc sống, ngoài thời gian làm việc ở công ty, chị C.T tìm thêm nguồn vui qua việc bán hàng trên mạng để kiếm thật nhiều tiền nuôi con. Đứa con gái ngoan ngoãn luôn luôn là động lực để cho chị bước tiếp qua những giai đoạn khó khăn.

Trong cuộc đời mỗi người, dù ít hay nhiều, ai cũng đều phải trải qua những mất mát, tổn thương. Điều quan trọng, chúng ta phải học cách đương đầu với nó một cách tích cực nhất và xem đó như là một sự trải nghiệm để rút ra những bài học kinh nghiệm quý báu cho bản thân mà trưởng thành.

Kết thúc bài viết này, tôi xin nhắc lại một câu nói nổi tiếng của Nhà khoa học Harold Kushner về cách vượt qua nỗi đau rằng: “Tất cả chúng ta cần học cách không sợ hãi nỗi đau. Hãy cố gắng chịu đựng và cảm nhận nó. Không phủ nhận nhưng cũng không để bị lún sâu vào trong nó. Nỗi đau sẽ không kéo dài mãi mãi. Một ngày nào đó, cơn đau sẽ biến mất và bạn vẫn sống”.

BSCK II Lâm Tứ Trung, Giám đốc Bệnh viện Tâm thần Đà Nẵng: Sự thay đổi là do chính bản thân tạo ra

Mặc dầu hiện nay người ta chưa tìm được nguyên nhân chính xác gây ra rối loạn trầm cảm, tuy nhiên người ta đưa ra các giả thuyết khác nhau, trong đó các sang chấn tâm lý và các tính cách của con người là được chú ý nhiều. Có rất nhiều trường hợp người ta bị trầm cảm sau một sang chấn tâm lý và yếu tố tâm lý này cứ theo suốt bệnh nhân. Để giải quyết trầm cảm, chúng ta phải giúp bệnh nhân vượt qua các sang chấn đó và thay đổi một số nét tính cách của mình.

Nhà trị liệu chỉ là đóng vai trò hướng dẫn cách để bệnh nhân tự đưa ra con đường, cách thức thực hiện các hoạt động theo điều kiện của bản thân họ. Các liệu pháp phải thích ứng với từng cá nhân. Bệnh nhân phải tự hoạt động. Liệu pháp tâm lý không chỉ nói mà rất cần sự hoạt động của bệnh nhân vì các kỹ năng có được phụ thuộc rất nhiều vào sự thực hành. Làm cho bệnh nhân thấy được sự thay đổi là do chính bản thân tạo ra. Từ đó bệnh nhân tự tin vào bản thân.

ĐOÀN LƯƠNG

;
.
.
.
.
.