Một lần đến thăm nhà lương y Nguyễn Đức Nghĩa ở phường Long Bình, quận 9, TP. Hồ Chí Minh, thấy tôi săm soi mấy nong cây Cà ngoi được băm phơi trong hiên nhà, gia chủ vốn một thời là học trò của GS,TS Đỗ Tất Lợi liền “bật mí” cho biết đó là vị thuốc “ruột” có thể dùng thay bài thuốc “bổ trung ích khí” để chữa các chứng sa tử cung, thoát giang, trĩ sang rất hiệu quả.
“Cà ngoi đắp chữa lòi dom/ Ngứa, đau, nhọt, hạch đều làm tiêu tan”. Ảnh: P.C.T |
Cà ngoi, còn gọi Ngoi, Cà hôi, La rừng, tiếng Hán gọi là Dã yên diệp (野烟叶) hay Giả yên diệp (假烟叶); tên khoa học là Solanum erianthum D. Don (đồng danh: Solanum verbascifolium auct., non L.); thuộc họ Cà – Solanaceae. Cây này thì tôi không lạ, vì từng gặp nhiều lần khi đi điều tra cây thuốc ở Đà Nẵng, nhưng thú thật là tôi chưa có kinh nghiệm sử dụng và cũng hơi ngần ngại vì biết cây có độc.
Ngoi là cây nhỡ mọc đứng, cao 2,5-5m, với nhánh lá phủ đầy lông len hình sao, màu vàng nhạt. Lá mọc so le, hình xoan thuôn, có gốc dạng góc, chóp nhọn, dài 12-20cm, rộng 6-11cm; cuống lá hình trụ, dài 3-5cm. Hoa nhỏ, trắng, thành xim bên hay ở nách lá, có cuống. Quả chín mọng vàng, hình cầu, hai lần dài hơn đài, đường kính cỡ 6mm. Hạt có vân mịn, đường kính 2mm. Hoa ra tháng 3-6, kết quả tháng 7-10.
Đây là loài của nhiệt đới châu Á, châu Đại Dương và châu Mỹ, có phân bố ở Ấn Độ, Nam và Tây Nam Trung Quốc, Việt Nam. Ở nước ta có từ Lào Cai, Lạng Sơn đến các tỉnh Tây Nguyên, Đồng Nai, Tây Ninh. Ở Đà Nẵng chúng tôi có gặp mọc hoang ở các bãi trống và nương rẫy ven rừng ở các xã Hòa Bắc, Hòa Ninh, Hòa Phú… và trên bán đảo Sơn Trà. Đôi khi gặp trồng ở các vườn thuốc; trồng bằng hạt vào mùa xuân. Để làm thuốc, người ta thu hái rễ, thân và lá quanh năm, dùng tươi hay phơi khô.
Theo Từ điển cây thuốc Việt Nam, thân, rễ và lá Ngoi có vị đắng, cay, tính ấm, có độc; có tác dụng thanh nhiệt tiêu thũng, sát trùng, giảm ngứa, cầm máu, hành khí, giảm đau, sinh cơ thu liễm. Rễ được dùng chữa đau dạ dày, phong thấp tê bại, rắn cắn, mụn nhọt ung độc, đòn ngã tổn thương, gãy xương, bệnh bạch cầu hạt mạn tính. Cũng dùng làm thuốc uống điều kinh và chứng nhiễm trùng niệu đạo.
Lá dùng ngoài trị viêm mủ da, loét, vết đứt, xước, lòi dom, hắc lào, lao hạch. Cũng dùng chữa đái đục và phụ nữ khí hư. Ở Malaysia dùng lá tươi giã đắp lên hai bên thái dương chữa nhức đầu, nước nấu toàn cây dùng làm nước tắm cho phụ nữ sau khi sinh đẻ. Còn dùng làm thuốc nấu cho trâu bò uống trị sán.
Ở Trung Quốc, có nơi dùng toàn cây chữa ung sang thũng độc, thấp sang đau lưng, gãy xương, vết thương nhiễm trùng, phong thấp tê đau, đòn ngã ứ đau, chấn thương xuất huyết, trẻ em ỉa chảy, phụ nữ sa tử cung.
Ở Ấn Độ, người ta dùng cây khô tán bột với nước dùng đắp trị viêm và chữa bỏng lửa tốt.
Đơn thuốc:
1. Chữa lòi dom (sa trực tràng): Lá Ngoi tươi giã nhuyễn sao nóng, rịt vào chỗ đau và băng lại. Ngày 1-2 lần, nên rịt trước khi đi ngủ. Rịt trong 2-3 ngày dom co lên, có người 2-3 năm không tái phát. Bệnh viện Hà Giang (cũ) trước đây đã chữa khỏi cho nhiều người bằng cách này.
2. Chữa tràng nhạc (còn gọi loa lịch, bệnh viêm hạch ở cổ): Lá hoặc quả Ngoi 20g, giã nát với lá Dâm bụt 15g, vỏ rễ hay vỏ thân cây Gạo 20g, đun với nước vo gạo đặc đến khi sền sệt rồi đắp, băng lại.
3. Chữa viêm hạch ở cổ, hạch dịch chuyển được: Lá ngoi 15-30g, rửa sạch, cắt nhỏ, thêm nửa nước nửa rượu chưng với một quả trứng vịt (loại vỏ trứng màu xanh) để ăn. Hai hoặc ba ngày dùng 1 lần.
4. Chữa hắc lào, lở ghẻ, mẩn ngứa: Lá tươi giã ép lấy nước đặc, bôi.
5. Chữa vô danh thũng độc, ung nhọt, thấp chẩn, viêm da, vết thương nhiễm trùng: Lá Ngoi tươi giã nhuyễn đắp hoặc nấu nước đặc rửa vết thương.
6. Chữa thống phong sưng nhức: Lá Ngoi tươi giã nhuyễn, xào với rượu nóng bó vào chỗ đau.
Lưu ý: Ngoi có độc, liều uống trong thuốc sắc chỉ dùng 5-10g. Dùng đắp hay sắc rửa ngoài tùy lượng.
PHAN CÔNG TUẤN