Tuy không cho hiệu quả rõ ràng, nhanh chóng trong điều trị như các loại thuốc tây nhưng thuốc nam dùng lâu dài không có tác dụng phụ, đem lại hiệu quả cao cho nhiều căn bệnh, được mệnh danh là cây thuốc “4 trong 1”.
Lương y Trần Đình Niên với cây thuốc quý Xáo tam phân đang được trồng tại thôn Cẩm Toại Tây, xã Hòa Phong. Ảnh: V.T.L |
Thua keo này bày keo khác
Ít ai biết rằng, nằm tít tắp trong một đường làng nối với đường ĐT 605 đoạn qua thôn Nam Sơn, xã Hòa Tiến, huyện Hòa Vang có một HTX chuyên trồng cây thuốc nam mới được thành lập hồi tháng 10-2017: Hợp tác xã Dược liệu Nam Sơn. Giám đốc HTX Nguyễn Duy Phương dừng lại bên một khu đất trơ những đám lá khô, tiếc nuối nói với phóng viên: đây là tàn tích của hơn 1,5ha Nghệ vàng đang đến kỳ thu hoạch, cùng với 0,2ha Trinh nữ hoàng cung.
Trong sân HTX, củ nghệ nhiều kích cỡ chất đầy trong những giỏ nhựa. Chị Nguyễn Thị Phượng, một nhân viên của HTX, bẻ một củ, nói rằng rừng nghệ đang xanh tốt thì bị “ngâm” trong mưa lũ hồi tháng 11 năm ngoái, chết như rạ.
Nghệ vàng và Trinh nữ hoàng cung là niềm hy vọng của HTX. Dự định thu hoạch xong, ban giám đốc sẽ tổ chức ra mắt HTX. Một công đôi chuyện. Cả vùng đất giáp ranh với xã Điện Tiến (thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam) này bao đời nay không hề bị lụt. Thế mà...
HTX đang chuẩn bị tiếp tục xuống giống Nghệ vàng, khôi phục lại Trinh nữ hoàng cung và ươm mới các loại Đinh lăng, Đảng sâm, Ba kích, Hà thủ ô đỏ,… Cùng với đó là một số cây dân gian như rau Tần, Sâm đại hành (tên dân gian là Hành mọi)...
Tuy bị “vỡ kế hoạch” ngay từ mùa vụ đầu tiên, nhưng anh Phương vẫn đặt hy vọng vào những gì đang ở phía trước. Bởi lẽ, đây là vườn cây thuốc nam được Công ty CP Dược Danapha hỗ trợ trồng thử nghiệm làm mẫu. Nếu đạt hiệu quả, đơn vị sẽ phát triển mô hình ra khắp Hòa Vang với việc cấp giống, kỹ thuật và cả bao tiêu sản phẩm.
Về tắm ao ta
Cây thuốc nam, theo nhận định của các thầy thuốc, không chỉ chữa bệnh, bồi bổ sức khỏe mà cả việc giữ gìn tuổi xuân cho con người. Lương y Trần Đình Niên, chủ hiệu thuốc Vạn Phát Đường trên đường Trưng Nữ Vương, từng lập một vườn cây thuốc nam mi-ni ở phía nam cầu Cẩm Lệ, giờ ông chuyển tất cả lên thôn Cẩm Toại Đông, xã Hòa Phong.
Tại đây, ông ưu tiên trồng và nhân giống một số loại cây thuốc quý, trong đó có Xáo tam phân - cây thuốc được y giới cho là có khả năng gây ức chế tế bào ung thư.
Thuốc nam là loại thuốc cây nhà lá vườn, dùng rất tốt, ông nói. Cảm cúm, ra vườn nắm lá bạc hà, kinh giới, tía tô, xông là hết. Đau răng, ho nhiều đờm, đau bụng thì có cây Hoa mộc, đã được đại thi hào Nguyễn Du nhắc đến trong Truyện Kiều: Một cây cù mộc, một sân quế hòe. Chữa đau răng còn có cây Cúc áo hoa vàng, ngâm hoa với rượu, chấm một tí vô răng là hết nhức ngay…
Đại đức Thích Đức Vân, Trưởng nhóm điều hành Tuệ Tĩnh Đường Thiên Bảo ở thôn An Châu, xã Hòa Phú, cho hay cơ sở chữa bệnh miễn phí này dùng chủ yếu thuốc nam và một số liệu pháp không dùng thuốc. Nơi đây trồng nhiều loại cây thuốc nam như: đinh lăng, dâu ta, lá vối, lá đắng,... Ngoài ra, còn có nguồn thuốc từ gia đình ông Đồng Sĩ Tài ở Đông Giang mang xuống như: kê huyết đằng, vương tôn, bướm bạc...
Theo lương y Phan Công Tuấn, công tác tại Bệnh viện Y học cổ truyền (YHCT) Đà Nẵng, thuốc nam chỉ chiếm tỷ lệ khoảng 20% tổng số dược liệu được dùng tại bệnh viện; tỷ lệ này ở các cơ sở chữa bệnh Tuệ Tĩnh Đường trên địa bàn thành phố là 100%. Các lương y có khuynh hướng sưu tầm cây thuốc và bài thuốc nam được y văn nhắc đến hoặc được lưu truyền từ các thế hệ thầy thuốc trước đây.
“Thuốc Nam Việt chữa người Nam Việt”
Các tác giả đề tài nghiên cứu “Đánh giá thực trạng cây thuốc trên địa bàn thành phố Đà Nẵng và đề xuất giải pháp bảo tồn, phát triển” do Bệnh viện YHCT Đà Nẵng chủ trì, thực hiện từ tháng 11-2015 đến 10-2017, qua khảo sát 25 lương y, y sĩ, thầy thuốc nam và một số người dân có kinh nghiệm sử dụng cây thuốc nam chữa bệnh, đã thu được 80 bài thuốc. Tất cả được chia 4 nhóm như sau:
Nhóm bài thuốc tâm đắc mới được các thầy thuốc ở Đà Nẵng qua hệ thống phòng khám nhân đạo từ thiện Tuệ Tĩnh Đường và Bệnh viện YHCT đúc kết hay mới được sưu tầm giới thiệu như: Tam tài dưỡng tóc, Bài thuốc dân gian chữa ngứa, Kinh nghiệm xổ bạch thốn trùng, Cỏ mực lá dâu hỗ trợ chữa bệnh ưa chảy máu, Bài thuốc hỗ trợ cai nghiện ma túy…
Nhóm bài thuốc chữa các chứng bệnh thông thường bằng thuốc nam cây nhà lá vườn, do kinh nghiệm nhân dân hay các thầy thuốc đúc kết như: cảm, sốt, ho, ban sởi, viêm họng, tiêu chảy, thuốc xông hay nấu nước uống sau sinh,…
Nhóm bài thuốc đặc hiệu chữa các chứng bệnh cấp tính như: viêm tuyến nước bọt (quai bị), zona (giời leo), hăm da trẻ em, dị ứng da do sứa, nhức răng, thống kinh, viêm vú, giun kim, giun chui ống mật, đỏ mắt, rắn cắn…
Nhóm bài thuốc điều trị hỗ trợ có hiệu quả các bệnh mạn tính như: thấp khớp, đau lưng, thống phong (bệnh gout) tiểu đường, đau dạ dày, viêm gan, xơ gan, táo bón, phong ngứa, viêm xoang, viêm thận, phù thũng, sỏi thận, sỏi mật, suy nhược thần kinh, mất ngủ, cao huyết áp, bạch đới khí hư…
Thuốc nam là vị thuốc phòng bệnh cũng như chữa bệnh của người Việt với giá cả phù hợp với mọi người. Từ hơn 6 thế kỷ trước, Thiền sư Tuệ Tĩnh (1330 – 1400), Ông Tổ nghề thuốc Việt Nam và là tác giả bộ sách “Nam dược thần hiệu” đã tuyên ngôn: “Thuốc Nam Việt chữa người Nam Việt”.
Mới đây, tại lễ kỷ niệm Ngày Thầy thuốc Việt Nam sáng 26-2, Hội Đông y thành phố Đà Nẵng đã đưa ra phương hướng hoạt động trong năm 2018: tập trung tuyên truyền, tư vấn các bài thuốc hay, cây thuốc quý, tích cực vận động nhân dân trồng và sử dụng thuốc nam để chữa bệnh; nâng cao nhận thức cho cộng đồng về 4 công dụng của thuốc nam, đó là cây chữa bệnh, cây ăn rau, cây ăn quả và cây cảnh.
“4 trong 1”, thuốc nam quả là cây thuốc quý cần được trồng rộng rãi để mang lại sức khỏe cho chính người Việt.
Trên địa bàn Đà Nẵng hiện có ít nhất 6 quầy chuyên kinh doanh thuốc nam ở chợ (2 ở chợ Mới, 4 ở chợ Cồn), tuy chủ yếu bán lẻ cho người sử dụng theo kinh nghiệm dân gian, nhưng có chủng loại phong phú (200 loài) với lượng tiêu thụ khá lớn, quy mô bán ra trên 40 tấn/ năm/ cơ sở. Trong số khoảng 240 tấn chủ yếu thuốc nam bán ra mỗi năm này có 60% là nguồn thuốc nam khai thác tại Đà Nẵng và 40% là mua từ các tỉnh lân cận. Nguồn: Đề tài nghiên cứu “Đánh giá thực trạng cây thuốc trên địa bàn thành phố Đà Nẵng và đề xuất giải pháp bảo tồn, phát triển” của Bệnh viện Y học cổ truyền Đà Nẵng |
VĂN THÀNH LÊ