Trong khi một số nhà văn hóa (NVH) cấp phường tại khu vực trung tâm thành phố Đà Nẵng chưa thể đáp ứng nhu cầu sinh hoạt của thanh niên thì tại Hòa Vang, một số NVH đã phát huy tác dụng, trở thành điểm đến thường xuyên cho thế hệ trẻ.
Chi đoàn thôn Phước Sơn, xã Hòa Khương, huyện Hòa Vang, tổ chức sinh hoạt tại Nhà văn hóa thôn Phước Sơn. |
Không có địa điểm sinh hoạt cố định nên việc tập hợp lực lượng thanh niên tại một số địa phương gặp không ít khó khăn. Đơn cử Đoàn phường Thanh Bình, quận Hải Châu có gần 20 chi đoàn khu dân cư (KDC) nhưng nhiều chi đoàn có số lượng đoàn viên thanh niên (ĐVTN) tham gia sinh hoạt đếm chưa hết đầu ngón tay.
Phó Bí thư Đoàn phường Thanh Bình Nguyễn Ngọc Quý cho biết, một trong những khó khăn thường trực của tổ chức Đoàn sinh hoạt tại KDC là thiếu địa chỉ sinh hoạt: “Không có địa chỉ sinh hoạt cố định, chi đoàn rất khó tổ chức các hoạt động tập huấn, giao lưu, hỗ trợ kỹ năng cho ĐVTN nên hiệu quả hoạt động của từng chi đoàn khá mờ nhạt.
Để duy trì hoạt động, ngoài việc thường xuyên vận động lẫn “năn nỉ”, Đoàn phường còn khuyến khích các chi đoàn KDC liên kết, hỗ trợ nhau về địa điểm, con người, tích cực tham gia sinh hoạt tại các CLB do tổ chức Đoàn quản lý”.
Tại quận Hải Châu, trong 13 phường, chỉ có một số NVH ở phường Thuận Phước, Bình Thuận, Hải Châu 2 tạm thời hoạt động được. Do đó, việc đáp ứng nhu cầu sinh hoạt của thanh niên là điều khó. Theo ông Nguyễn Văn Sanh, Phó phòng Văn hóa - Thông tin quận Hải Châu, Hải Châu là quận có diện tích nhỏ nhất nhưng đông dân nhất, trong khi đó, quỹ đất ngày càng thu hẹp nên việc hướng đến một NVH đủ tiêu chuẩn là mơ ước của nhiều người.
Thực tế khác, một số NVH cấp phường hiện nay chủ yếu phục vụ công tác tập huấn, tuyên truyền, phổ biến đường lối, chính sách cho các hội, đoàn thể mà ít chú ý đến hoạt động vui chơi, giải trí, thu hút người dân, đặc biệt là giới trẻ.
Một bí thư chi đoàn (xin được giấu tên) tại phường Thọ Quang, quận Sơn Trà nói rằng, khó khăn về quỹ đất, một số NVH, nhà sinh hoạt cộng đồng được xây dựng theo kiểu nhà ống, không đủ diện tích, không gian để thanh niên tổ chức các chương trình sinh hoạt phù hợp với lứa tuổi, càng không phù hợp nếu muốn dựng sân khấu biểu diễn văn nghệ, phục vụ người dân.
Là cơ sở Đoàn dẫn đầu hoạt động phong trào tại quận Hải Châu 5 năm liền, nhưng Đoàn phường Hòa Cường Bắc cũng không ngoại lệ. Bí thư Đoàn phường Trịnh Quang Tùng nói, việc tìm địa chỉ sinh hoạt tại phường thật sự khó khăn.
Chỉ một số ít hoạt động tuyên truyền, tập huấn, học tập nghị quyết, thanh niên mới đến NVH, còn phần lớn các hoạt động, Đoàn phường phải mang ra công viên hoặc khu vực công cộng để tổ chức, rất bị động về thời tiết. Do đó, làm thế nào để NVH trở thành “điểm hẹn” của thanh niên thành phố là điều các cấp lãnh đạo cần hướng đến.
Ngược lại với khu vực thành thị, ở vùng nông thôn Đà Nẵng, NVH đang trở thành điểm đến quen thuộc, gần gũi của lớp thanh niên. Đó có thể là nơi diễn ra các hoạt động văn nghệ, cắm trại, dựng sân khấu cưới hỏi, tổ chức các trò chơi dân gian…
Bên cạnh đó, một số địa chỉ khác như bảo tàng, bia chiến tích... thành điểm “về nguồn”, nằm trong chuỗi hoạt động tuyên truyền, giáo dục thanh – thiếu niên truyền thống lịch sử dân tộc cũng như hiểu rõ hơn về sự cống hiến, hy sinh của thế hệ cha ông.
Trưởng phòng Văn hóa – Thông tin huyện Hòa Vang Đỗ Thanh Tân cho biết, Hòa Vang được xem là cái nôi cách mạng khi có 10/11 xã được công nhận xã Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Hầu như địa phương nào cũng là vùng căn cứ cách mạng.
Do đó, việc xây dựng thiết chế văn hóa trên địa bàn đều hướng tới yếu tố giáo dục, rèn luyện nhân cách, tinh thần yêu nước của thế hệ trẻ. Đồng thời, một số NVH có diện tích khá rộng, gắn liền với sân chơi thể dục, thể thao, tạo nên không khí sôi nổi trong hoạt động thanh niên tại địa phương.
Nói về xây dựng thiết chế văn hóa ở Hòa Vang, không thể thiếu vai trò của thanh niên toàn thành phố. Ngay từ đầu năm 2012, Thành Đoàn Đà Nẵng đã vận động ĐVTN hỗ trợ kinh phí xây dựng hai NVH ở thôn Yến Nê 2 (xã Hòa Tiến) và thôn Gò Hà (xã Hòa Khương) với kinh phí lên đến 1,665 tỷ đồng.
Đây được xem là bước đi tiên phong, thể hiện vai trò của thanh niên trong việc góp phần xây dựng nông thôn mới Hòa Vang, quyết tâm tạo thêm địa điểm sinh hoạt lành mạnh cho giới trẻ.
“Trong quá trình xây dựng, chúng tôi luôn cố gắng hướng NVH trở thành nơi rèn luyện kỹ năng và nhân cách cho giới trẻ, bằng việc tạo không gian, trưng bày nhiều thông tin, hiện vật liên quan đến lịch sử hình thành, phát triển của địa phương.
Có thể nói, việc xuất hiện thanh niên trong nhiều hoạt động tại NVH thời gian qua cho thấy, họ đã tìm được một địa chỉ tin cậy, cần thiết để tổ chức sinh hoạt kết nối thanh niên”, ông Đỗ Thanh Tân nói.
Bên cạnh đó, thời gian qua, những lớp tập huấn, sinh hoạt, giao lưu văn nghệ được tổ chức tại Cung Thiếu nhi Đà Nẵng, Nhà hát Trưng Vương, Bảo tàng Điêu khắc Chăm… góp phần giúp thanh niên Đà Nẵng nâng cao đời sống tinh thần, rèn luyện kỹ năng, hiểu biết pháp luật, lịch sử…
Tuy nhiên đây còn là những hoạt động gói gọn trong tổ chức Đoàn, chưa được mở rộng ra nhiều đối tượng thanh-thiếu niên. Do đó, làm thế nào để thanh niên chung sức xây dựng hình ảnh NVH gần gũi, ngày càng hoạt động hiệu quả, tránh lãng phí là điều mà ngành văn hóa cần hướng đến trong thời gian tới.
TIỂU YẾN