Đội ngũ làm công tác văn hóa ở cơ sở - Còn nhiều bất cập

.

Đội ngũ những người làm công tác văn hóa cơ sở vừa góp phần kết nối, bảo tồn các giá trị văn hóa bản địa, vừa là nhân tố khơi gợi, thúc đẩy những phong trào văn hóa văn nghệ quần chúng.

Các hoạt động thể dục thể thao như bóng đá, bóng chuyền, cờ tướng được UBND phường Khuê Trung tổ chức đều đặn mỗi năm, thu hút đông đảo người dân tham gia. 
Các hoạt động thể dục thể thao như bóng đá, bóng chuyền, cờ tướng được UBND phường Khuê Trung tổ chức đều đặn mỗi năm, thu hút đông đảo người dân tham gia. 

Quận Cẩm Lệ là một trong những địa phương may mắn có hệ thống thiết chế văn hóa đồng bộ. Toàn quận có 14 điểm dành cho thiết chế văn hóa. Điểm quy hoạch ít nhất là 2.000m2, rộng nhất là 10.000m2. Trong 6 phường của quận, có 4 phường đã xây dựng được khung văn hóa thông tin cấp phường. Ngoài cơ sở vật chất, đội ngũ cán bộ cũng được quy hoạch đầy đủ, đáp ứng tương đối số lượng nhân lực. Dù vậy, theo ông Trần Văn Phi, Phó Chủ tịch UBND quận Cẩm Lệ, nhìn chung, đội ngũ làm công tác văn hóa trên địa bàn hầu hết không được đào tạo bài bản về chuyên ngành văn hóa, xã hội nên chất lượng các hoạt động văn hóa thường phải lặp đi lặp lại qua các năm, khó có sự sáng tạo mới, thường lệ thuộc vào sự chỉ đạo chung của UBND cấp phường.

Nghề dạy nghề

Hiện tại, theo quy định, tại cấp phường, xã hiện nay có từ 1-3 cán bộ phụ trách văn hóa, thể thao và thông tin, trong đó có 1 vị trí chuyên trách và 1 - 2 vị trí không chuyên trách. Lĩnh vực văn hóa ở địa phương rất rộng, bao hàm từ nếp sống văn hóa, gia đình, trẻ em, hoạt động thể dục thể thao, hoạt động du lịch (nếu có), theo dõi tệ nạn xã hội, viễn thông và Internet… Hiện nay, theo quy định, cán bộ phụ trách văn hóa phải phụ trách thêm công tác truyền thanh, khối lượng công việc của bộ phận này đã trở nên quá nhiều và quá tải. Đặc biệt, truyền thanh là lĩnh vực rất đặc thù, yêu cầu người phụ trách phải có chuyên môn nghiệp vụ báo chí, phát thanh; nhưng hầu hết cán bộ văn hóa ở phường, xã đều chưa được đào tạo về lĩnh vực này nên hoạt động truyền thanh có dấu hiệu bị chùng xuống, đa phần là tiếp sóng lại từ đài thành phố và Trung ương.

Anh Phan Vĩnh Thành, cán bộ phụ trách văn hóa phường Khuê Trung cho biết, tuy tính chất và quy mô công việc của cán bộ phường nhỏ hơn nhiều so với cấp quận nhưng cũng là một khối lượng lớn so với số lượng cán bộ theo định mức nên dù có cố gắng đến mấy cũng khó hoàn thành tốt khối lượng công việc được giao. Ngoài thực hiện những “việc vặt” theo nhiệm vụ được giao như đi treo băng-rôn, khẩu hiệu đến photocopy, phát giấy mời, chuẩn bị bàn ghế cho hội nghị đến đi kiểm tra các cơ sở karaoke, hớt tóc nam, xử lý người lang thang xin ăn…, mỗi ngày, họ vẫn phải bảo đảm giờ giấc và công việc tại bộ phận một cửa điện tử, nên khó có thời gian bám sát đời sống nhân dân cũng như nghiên cứu, tìm tòi, học hỏi những mô hình hay, sáng tạo ra cái mới.

Mặc dù đồng quan điểm: “Cán bộ văn hóa ở cơ sở chưa đáp ứng tốt yêu cầu công việc” nhưng ông Lê Tấn Nghĩa, Chủ tịch UBND phường Khuê Mỹ (quận Ngũ Hành Sơn) cũng rất cảm thông cho đội ngũ của mình. Theo ông, công việc ở UBND phường rất nhiều. “Tôi cho rằng, đến hiện tại thì cán bộ của địa phương mình vẫn bảo đảm được công việc dựa vào kinh nghiệm. Cán bộ địa phương có ưu điểm là rất nhiệt tình trong công tác. Miễn là làm việc có nhiệt huyết, rồi từ từ, nghề sẽ dạy nghề”, ông Nghĩa nói.

Đồ họa: THANH HUYỀN
Đồ họa: THANH HUYỀN

Đòi hỏi bức thiết về xây dựng nhân lực

Đánh giá về thực trạng đội ngũ làm văn hóa cơ sở hiện nay, bà Lê Thị Thu Trang, Trưởng phòng Xây dựng Nếp sống Văn hóa và Gia đình, Sở Văn hóa-Thể thao thành phố cho rằng, cán bộ VHXH ở phường, xã kiêm nhiệm quá nhiều đầu việc. Trong khi đó, công tác đào tạo, đào tạo lại, bồi dưỡng nghiệp vụ chưa được quan tâm, có 49% cán bộ văn hóa, thể thao phường, xã được đào tạo đúng chuyên môn (về văn hóa, thể thao, khoa học xã hội nhân văn). Số cán bộ được đào tạo khác chuyên ngành còn khá cao (51%), thường xuyên biến động, thiếu tính ổn định nên chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ đặt ra. Theo bà Trang, việc tuyển dụng cán bộ văn hóa cơ sở phải đặt trình độ chuyên môn, nghiệp vụ lên hàng đầu, xây dựng chính sách thu hút, động viên người giỏi gắn bó với quê hương. Trong sử dụng ngân sách cho phát triển nguồn nhân lực, các địa phương cần ưu tiên kinh phí phù hợp cho phát triển nhân lực cán bộ văn hóa cơ sở; bồi dưỡng, nâng cao trình độ, chuyên môn của cán bộ văn hóa cơ sở để đáp ứng nhiệm vụ chính trị, bắt kịp sự biến động của đời sống văn hóa.

Theo ông Lê Công Đông, Chủ tịch UBND phường Khuê Trung (quận Cẩm Lệ) cán bộ văn hóa cấp phường, xã cần được tăng cường đào tạo bồi dưỡng nghiệp vụ, tập trung sâu vào việc hướng dẫn các hoạt động chuyên môn, tạo điều kiện để cán bộ các phường, xã có sự liên kết chặt chẽ với nhau để học hỏi kinh nghiệm.

Đồng quan điểm, ông Đỗ Thanh Tân, Trưởng phòng Văn hóa-Thông tin huyện Hòa Vang cho rằng, để phát triển văn hóa cơ sở, có nhiều việc cần làm, song, công tác cán bộ vẫn được xem là nhiệm vụ then chốt. Trong bối cảnh đẩy mạnh cải cách hành chính, tinh giản bộ máy hiện nay thì phải kiện toàn nhân sự theo tiêu chuẩn để ổn định tình hình ở cấp xã nhằm đảm bảo quá trình triển khai thực hiện nhiệm vụ được thông suốt. Bên cạnh đó, chế độ chính sách đối với người làm công tác văn hóa cũng là một yếu tố quan trọng cần quan tâm để động viên khuyến khích đội ngũ làm tròn chức trách. Bên cạnh sự quan tâm bồi dưỡng trình độ nghiệp vụ, đánh giá đúng công việc của CBCC làm công tác văn hóa, đội ngũ làm văn hóa cơ sở luôn phải tự mình trau dồi nghiệp vụ, phấn đấu, cầu thị, vượt lên khó khăn trong công tác để theo kịp nhu cầu thụ hưởng văn hóa ngày càng cao của người dân.

QUỲNH TRANG

;
.
.
.
.
.
.