Là một trong những thiết chế văn hóa hết sức cần thiết cho sinh hoạt cộng đồng của nhân dân tại địa phương, nhà văn hóa thôn góp phần đáng kể trong việc gìn giữ, phát huy bản sắc văn hóa của mỗi vùng quê.
Phụ nữ Cơ tu thôn Giàn Bí, xã Hòa Bắc, huyện Hòa Vang múa da dá trong sân nhà Gươl – một thiết chế văn hóa ở thôn. Ảnh: V.T.L |
Huyện Hòa Vang được Thủ tướng Chính phủ công nhận là “Huyện đạt chuẩn nông thôn mới (NTM) năm 2015”, theo đó hệ thống thiết chế văn hóa (một trong 19 tiêu chí NTM) cơ bản được đầu tư xây mới, sửa chữa đáp ứng theo chuẩn NTM. Hòa Vang hiện có 118/119 nhà văn hóa thôn; 6/11 xã có khu vui chơi giải trí. Tháng 12-2014 thôn Lệ Sơn (xã Hòa Tiến) chia tách thành hai thôn là Lệ Sơn Nam và Lệ Sơn Bắc, nhà văn hóa thôn Lệ Sơn Bắc đang được UBND huyện đầu tư xây dựng.
Ông Bùi Nam Dũng, Phó Chủ tịch UBND huyện Hòa Vang, cho rằng nếu không có nhà văn hóa thôn thì không biết chi bộ sinh hoạt thường kỳ ở đâu, quân dân chính thôn họp ở đâu, và các tổ chức chính trị - xã hội ở thôn hoạt động ra sao. Đặc biệt đây còn là nơi chọn làm tổ bầu cử nhân dân 4 cấp, nơi diễn ra đại hội chi bộ, bầu cử trưởng, phó thôn. Các nhà văn hóa thôn cũng là nơi sinh hoạt văn nghệ, thể thao, vui chơi giải trí của người dân trong thôn với từ 2 - 4 hoạt động mỗi năm. “Tóm lại, ở huyện Hòa Vang không có chuyện “xây lên rồi để đó” mà các nhà văn hóa thôn đều phát huy được công năng sử dụng của chúng”, ông Dũng thông tin.
Trước đây, khi chưa triển khai xây dựng Chương trình mục tiêu quốc gia về Xây dựng NTM thì 118/118 thôn trên toàn huyện Hòa Vang đã được đầu tư xây dựng nhà văn hóa. Trong đó, 3 thôn người Cơ tu là Phú Túc (xã Hòa Phú), Tà Lang và Giàn Bí (xã Hòa Bắc), nhà văn hóa thôn chính là nhà Gươl. Anh Đinh Văn Như, Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng thôn Giàn Bí, rất hài lòng khi thôn mình có một nhà Gươl được gọi theo người Kinh là “thiết chế văn hóa” – nơi diễn ra các sinh hoạt cộng đồng và là chốn thiêng liêng của dân tộc mình.
Khi thực hiện Chương trình NTM, ông Đỗ Thanh Tân, Trưởng phòng Văn hóa-Thông tin (VH-TT) huyện cho biết, chiếu theo tiêu chí thì khoảng trên 30% nhà văn hóa thôn không đạt chuẩn về quy mô diện tích và trang thiết bị bên trong. Các thiết chế văn hóa không đạt chuẩn này đã được UBND huyện đầu tư nâng cấp đạt chuẩn vào năm 2015 - năm huyện Hòa Vang được công nhận đạt chuẩn NTM.
Trả lời ý kiến cho rằng xây dựng nhà văn hóa thôn ở Hòa Vang diễn ra theo kiểu chạy cho kịp tiến độ xây dựng NTM, ông Tân khẳng định: “Hòa Vang là huyện duy nhất của Đà Nẵng thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM nên được ưu tiên đầu tư nhiều nguồn lực. Do đó, tiêu chí Nhà văn hóa và khu thể thao, cũng như các tiêu chí khác, đều được thực hiện đúng chuẩn theo quy định, không có tình trạng “chạy đua” để về đích kịp tiến độ xây dựng NTM”.
Theo số liệu của Phòng VH-TT huyện, hiện 11/11 xã ở Hòa Vang đều thành lập Trung tâm Văn hóa - thể thao theo Quyết định 6237/QĐ-UBND ngày 16-9-2016 của UBND thành phố Đà Nẵng. Qua thực tế từ khi thành lập đến nay, các trung tâm này đã từng bước đi vào hoạt động có bài bản hơn, xác định và phát huy được vị trí, chức năng của mình, nhất là sau khi 100% cán bộ Trung tâm VH-TT xã và thôn được huyện bồi dưỡng và cấp chứng chỉ vào cuối năm 2016.
Tuy nhiên, vẫn tồn tại một số bất cập đối với các thiết chế văn hóa ở thôn, như nhận định của ông Bùi Nam Dũng: “Do đặc điểm địa bàn nông thôn (địa bàn rộng, dân cư thưa), cho nên hết sức khó khăn trong việc kêu gọi liên kết hay xã hội hóa để làm phong phú thêm, sinh động hơn các hoạt động tinh thần phục vụ nhân dân, kéo theo nguồn lực đầu tư cơ sở vật chất còn khiêm tốn. Hoạt động chủ yếu và cơ bản của nhà văn hóa thôn vẫn là sinh hoạt và hội họp. Đội ngũ cán bộ sau khi thực hiện việc sắp xếp lại theo Nghị quyết 133/2015/NQ-HĐND ngày 10-12-2015 của HĐND thành phố (về việc thông qua đề án sắp xếp, nâng cao chất lượng người hoạt động không chuyên trách phường, xã trên địa bàn thành phố Đà Nẵng) ban đầu có phần lúng túng, chưa thích ứng công việc, hiệu quả không cao”.
Khó khăn đối với Nhà văn hóa - Khu thể thao thôn ở Hòa Vang hiện nay là thiếu kinh phí để đầu tư trang thiết bị bên trong như hệ thống âm thanh, ánh sáng, khánh tiết; dụng cụ vui chơi cho trẻ em, xây dựng phòng đọc sách... nhằm đáp ứng nhu cầu văn hóa - thể thao ngày càng tăng và đa dạng của người dân. Một số nhà văn hóa cũng thí điểm cho thuê tổ chức đám cưới, lễ tiệc của người dân trong thôn. Từ đó, nhiều thôn đã có nguồn thu để tái đầu tư mở rộng cho nhà văn hóa.
“Nhìn chung, tuy quy mô còn nhỏ và hạn chế về trang thiết bị bên trong nhưng các nhà văn hóa thôn ở Hòa Vang đã và đang phát huy tốt vai trò là nơi để người dân sinh hoạt văn nghệ, thể thao; nơi để nhân dân họp hội, sinh hoạt chính trị, thực hành và sáng tạo văn hóa”, ông Tân nói.
Để phát huy tốt hệ thống thiết chế văn hóa cơ sở nói chung, trong đó có nhà văn hóa thôn, theo tôi, đề nghị thành phố đánh giá lại và ban hành quyết định mới thay cho Quyết định 6273/QĐ-UBND ngày 16-9-2016 của UBND thành phố ban hành quy định tạm thời về tổ chức, quản lý hoạt động của Trung tâm Văn hóa – Thể thao phường, xã trên địa bàn thành phố. Cùng với đó, triển khai có hiệu quả Đề án “Nâng cao chất lượng hoạt động của hệ thống chính trị dưới cơ sở từ nay đến năm 2020 và những năm tiếp theo” do Huyện ủy Hòa Vang ban hành trong năm 2017, trong đó chú trọng giải pháp đổi mới công tác tuyên truyền, tập hợp, thu hút hội viên của các tổ chức chính trị - xã hội. Ngoài ra, nên tiếp tục thực hiện kêu gọi liên kết, xã hội hóa đối với những nơi có điều kiện; tiếp tục chỉ đạo kiện toàn đội ngũ cán bộ làm văn hóa - thể thao xã, thôn và ưu tiên tập huấn, bồi dưỡng về nghiệp vụ văn hóa, thể thao Phó Chủ tịch UBND huyện Hòa Vang Bùi Nam Dũng |
VĂN THÀNH LÊ