Thời gian gần đây, số người nghiện ma túy chưa được phát hiện lập hồ sơ ở cộng đồng còn rất nhiều. Tuy nhiên, khả năng tiếp nhận của cơ sở cai nghiện tập trung của thành phố lại có hạn, do đó việc đa dạng hóa hình thức cai nghiện là rất cần thiết, nhất là cai nghiện tại gia đình, cộng đồng.
Anh Hồ Văn Thiện (phải), thành viên câu lạc bộ “Can thiệp sớm” chia sẻ khó khăn với Phó Chủ tịch UBND phường Nại Hiên Đông Đặng Ngọc Tài. Ảnh: Đ.H.L |
Đối tượng ngày càng trẻ hóa
Theo báo cáo của Sở Lao động-Thương binh và Xã hội, trong những năm gần đây, tình hình sử dụng trái phép chất ma túy tăng nhanh và ngày càng trẻ hóa, một số vụ án đặc biệt nghiêm trọng do tội phạm ma túy và tệ nạn ma túy gây ra làm bất an trong đời sống xã hội và nhiều hệ lụy khác. Ông Lê Minh Hùng, Chi cục trưởng Chi cục Phòng, chống tệ nạn xã hội thành phố cho biết, hiện người nghiện và người sử dụng ma túy khoảng 2.800 người. Đối với đối tượng bị cơ sở y tế phát hiện nghiện thì đưa đi cai nghiện tập trung. Còn người mới sử dụng ma túy do phát hiện lần đầu mà cơ sở y tế khẳng định không phải người nghiện thì phạt hành chính. Trường hợp này hầu hết rơi vào độ tuổi thanh-thiếu niên và được cảm hóa giáo dục. Ưu điểm cai nghiện trong cộng đồng là có lợi cho ngân sách. Các đối tượng vẫn có thể lao động, học tập, làm công việc mình yêu thích và được gần gũi với gia đình, vợ con. Tuy nhiên, hạn chế là rất dễ bị lôi kéo và sử dụng trở lại.
Hiện nhiều địa phương hình thành các câu lạc bộ cai nghiện tại cộng đồng và câu lạc bộ sau cai. Đây là sân chơi bổ ích hướng con người đến các hoạt động lành mạnh như từ thiện nhân đạo, giáo dục kỹ năng sống. Sau 2 năm (2016-2017) thực hiện thí điểm mô hình công tác cảm hóa, giáo dục, giúp đỡ thanh thiếu niên sử dụng trái phép chất ma túy đã đạt được kết quả quan trọng, đã có trên 66,7% số đối tượng theo kế hoạch của thành phố và 58,4% số đối tượng theo kế hoạch của quận, huyện được cảm hóa, giáo dục giúp đỡ tiến bộ, đa số có việc làm, ổn định cuộc sống. Đây là hướng đi mới, mang nhiều ý nghĩa về kinh tế-xã hội, bảo đảm an ninh trật tự, làm cơ sở cho việc hình thành một chính sách lâu dài, triển khai trong diện rộng. Riêng năm 2017, có 225 thanh-thiếu niên được giao cho các hội, đoàn thể thực hiện cảm hóa giáo dục, trong đó có hơn 70% không sử dụng lại ma túy. Trong năm 2018 tiếp tục giao 119 em cho các hội, đoàn thể.
Ngoài ra, Đà Nẵng còn được Trung ương thí điểm mô hình câu lạc bộ “Can thiệp sớm, dự phòng nghiện ma túy” đối với 6 phường có số lượng người sử dụng chất ma túy cao hoặc có nguy cơ sử dụng ma túy như Thọ Quang, Nại Hiên Đông (quận Sơn Trà), Hòa Minh (quận Liên Chiểu), Hòa An (quận Cẩm Lệ), Mỹ An (quận Ngũ Hành Sơn), Bình Hiên (quận Hải Châu), với khoảng 200 thanh-thiếu niên. Câu lạc bộ có hai hoạt động chính là tổ chức cho các em đi dã ngoại. Đặc biệt, trong 60 em thuộc 4 phường Nại Hiên Đông, Mỹ An, Hòa An, Bình Hiên vừa mới được đi tham quan Cơ sở xã hội Bầu Bàng và Trường Giáo dưỡng số 3 có một số em mới học lớp 6. Qua chuyến đi thực tế này đã giúp các em được mắt thấy tai nghe những người nghiện ma túy nhờ giao lưu, trao đổi để vươn lên. Hoạt động thứ hai là tập huấn về kỹ năng sống tại khu du lịch sinh thái hoặc nghỉ dưỡng với các kỹ năng nhận biết, thấu hiểu lắng nghe, đối phó các tình huống trong cuộc sống, dự phòng nghiện và dự phòng tái nghiện, kỹ năng kiềm chế cảm xúc…
Hiệu quả từ cai nghiện tại cộng đồng
Ông Đặng Ngọc Tài, Phó Chủ tịch UBND phường Nại Hiên Đông (quận Sơn Trà) cho biết, hiện trên địa bàn phường đối tượng quản lý sau cai có 53 người và đối tượng xử phạt hành chính trong lần đầu sử dụng ma túy là 65 người. 15 năm trước, phường chủ yếu làm nghề biển, không có đối tượng ma túy và mại dâm. Nhưng thời gian gần đây, số lượng đối tượng sử dụng ma túy tăng do sau khi di dời giải tỏa, nhiều thành phần dân cư về đây sinh sống. Trong 56 block chung cư thì có hơn 40 block dành cho hộ gia đình có thu nhập thấp. Nhiều gia đình có hoàn cảnh éo le kéo theo hệ lụy con cái không ai quản lý. Mặc dù phường có Nghị quyết chuyên đề, ra quân trấn áp tội phạm, ký cam kết khu dân cư không có tội phạm nhưng đối tượng ma túy vẫn gia tăng.
Hiện phường có một Câu lạc bộ Can thiệp sớm, dự phòng cai nghiện ma túy, chủ yếu tập trung các em mới vi phạm lần đầu để giúp các em sinh hoạt lành mạnh. Đến nay câu lạc bộ đã sinh hoạt được 3 tháng với hơn 20 em tham gia. Từ đầu năm đến nay, các em đều tiến bộ, qua thử test không có em nào dính. Các em đã có việc làm và được học nghề. Anh Hồ Văn Thiện (sinh năm 1985), thành viên câu lạc bộ phường Nại Hiên Đông chia sẻ: “Mình cảm thấy quá hối hận vì đã làm sai pháp luật. Trước đây do hoàn cảnh gia đình khó khăn, không có nơi ăn chốn ở, con không có giấy khai sinh để đến trường nên buồn chán. Từ đó, mình đi theo mấy đứa em hút ma túy đá. Tuy nhiên, từ ngày vào tham gia câu lạc bộ, mình đã làm lại cuộc đời và mong muốn các bạn từng dính ma túy như mình nên dừng chân lại để làm lại từ đầu”.
Tuy nhiên, theo ông Đặng Ngọc Tài, hiện nay cán bộ Lao động-Thương binh và Xã hội kiêm nhiệm nhiều việc, không có nhiều thời gian dành cho công tác phòng chống ma túy nên hiệu quả không cao. Do đó, thành phố cần tính toán bố trí cán bộ phụ trách công tác phòng, chống ma túy như thế nào cho phù hợp ở một số địa bàn dân cư phức tạp. Bên cạnh thực hiện tuần tra đêm theo Quyết định 8394, các cơ quan chức năng các cấp cần đến các địa bàn có nhiều đối tượng sử dụng ma túy, nhiều dân cư phức tạp thường xuyên hơn.
Trong khi đó, bà Cao Thị Huyền Trân, Phó Trưởng ban Văn hóa-Xã hội HĐND thành phố cho rằng, việc cai nghiện tại gia đình - cộng đồng chỉ thực sự hiệu quả nếu hội đủ 3 yếu tố: ý chí quyết tâm của đối tượng, sự quan tâm của gia đình và hỗ trợ, giúp đỡ của chính quyền, trong đó ý chí của người nghiện là yếu tố quan trọng hàng đầu. Chính vì vậy, việc sàng lọc, phân loại người nghiện là hết sức quan trọng để áp dụng hình thức cai nghiện phù hợp cho từng đối tượng. Chính quyền các cấp cần vào cuộc quyết liệt. Song song với việc đầu tư cho một số Trung tâm Y tế quận, huyện về cơ sở vật chất và nguồn nhân lực, thành phố tiếp tục hỗ trợ đào tạo nghề, vay vốn, giải quyết việc làm; tăng cường vận động, khuyến khích các doanh nghiệp tạo việc làm cho người nghiện, đây là giải pháp căn cơ nhằm giúp người nghiện ổn định cuộc sống, từ bỏ ma túy, hòa nhập cộng đồng. Bên cạnh đó, xây dựng cơ chế phát huy vai trò của chính quyền địa phương trong công tác đấu tranh phòng, chống tệ nạn ma túy; có chính sách hỗ trợ, động viên đối tượng cai nghiện tại gia đình - cộng đồng thành công sau 5 năm; khen thưởng kịp thời những người được phân công theo dõi, giúp đỡ đối tượng cai nghiện tiến bộ. Với các giải pháp đồng bộ trên, việc cai nghiện ma túy tại gia đình-cộng đồng là một hướng đi tốt, mang lại hiệu quả thiết thực xây dựng thành phố Đà Nẵng an bình, đáng sống.
Đến ngày 15-3-2018, trên địa bàn thành phố Đà Nẵng có 432 người cai nghiện tập trung tại Cơ sở xã hội Bầu Bàng, trong đó có 42 người cai nghiện tự nguyện, 21 người ngoại tỉnh; 317 người tham gia điều trị Methadone; 770 người đang quản lý sau cai tại nơi cư trú; 20 người cai nghiện tại gia đình-cộng đồng. Nguồn: Sở Lao động-Thương binh và Xã hội |
ĐOÀN HẠO LƯƠNG