Ngày trước người ta gọi những nơi chữa bệnh, bệnh viện là nhà thương, ai đau ốm thì “đi nhà thương”. Gọi là “nhà thương” bởi đây không chỉ là nơi chữa bệnh về thể chất mà còn bằng tình thương và có khi điều này là chủ yếu. Trạm y tế xã Hòa Phú là một “nhà thương” như thế của người dân vùng núi này.
Các y sĩ Trạm y tế xã Hòa Phú khám bệnh cho dân tại nhà Gươl thôn Phú Túc (xã Hòa Phú). Ảnh: T.T |
Tọa lạc tại vị trí trung tâm xã, Trạm y tế xã Hòa Phú ngày nay khang trang và tiện nghi với các phòng khám, cửa phát thuốc, khu tư vấn dinh dưỡng... riêng biệt tinh tươm.
Hôm chúng tôi đến, Trạm trưởng Nguyễn Lai và các y sĩ, kỹ thuật viên của trạm đang tập trung tại nhà gươl thôn Phú Túc để phối hợp với đoàn Trung tâm y tế dự phòng điều tra dịch tễ sốt rét, lấy lam máu và khám bệnh miễn phí cho người dân trong thôn. Đây là một trong những hoạt động khám bệnh định kỳ diễn ra tại Phú Túc hơn mười năm nay.
“Mỗi năm thường có khá nhiều đoàn khám chữa bệnh của các trung tâm y tế, phòng khám cấp trên xuống khám bệnh miễn phí cho người dân. Mỗi lần như vậy, chúng tôi phải đi thông báo cho dân trước 2 - 3 ngày.
Tuy nhiên, cứ đến ngày khám, anh chị em trong trạm lại phải phân công nhau cùng với cộng tác viên y tế thôn đi đến từng nhà dân gọi họ đến khám, chứ người quê ham làm, trừ khi ốm liệt giường, còn bình thường họ quên lịch khám bệnh là chuyện thường.
Riêng trạm cũng tổ chức khám định kỳ tại cộng đồng mỗi tháng một lần, các thao tác kêu gọi người dân đi khám cũng diễn ra tương tự. Quen rồi nên chẳng ai thấy phiền hà gì”, quệt mồ hôi trán, bác sĩ Nguyễn Lai cho biết.
Được biết, Trạm y tế xã Hòa Phú vừa được đầu tư, sửa chữa nâng cấp từ năm 2016, theo chuẩn của Bộ Y tế quy định về trạm y tế xã nên mới có diện mạo mới như ngày hôm nay. Nguồn thuốc chữa bệnh tại trạm ngày càng phong phú, cung ứng tương đối đầy đủ nhu cầu khám chữa các bệnh thông thường của người dân trong vùng.
Về trang thiết bị y tế, trạm thuộc tốp “khá” so với các “nhà thương” cùng cấp trên địa bàn với máy siêu âm, máy điện tim, máy thở ô-xy, máy nghe tim thai được đầu tư từ năm 2010, đến nay vẫn sử dụng ổn định. Trung bình mỗi ngày có chừng 45-55 người dân đến trạm thăm khám, nhận thuốc điều trị.
Hiện trên 98% tổng số dân trong xã đã tham gia bảo hiểm y tế (bao gồm cả bảo hiểm tự nguyện), được khám, phát thuốc miễn phí tại trạm. Đặc biệt, các bệnh thuộc nhóm không lây nhiễm như huyết áp cao, tiểu đường, phế quản tắc nghẽn hiện tại trạm đã kiểm soát được 100% người bệnh trong vùng, thay vì phải lên tuyến trên như trước đây.
Nhiều loại thuốc như huyết áp, trước đây người bệnh chỉ được nhận mỗi lần cho 5 ngày uống, nay được nhận liền 1 tháng, giúp giảm đi lại phiền hà cho dân. Hình thức quản lý sức khỏe theo hộ gia đình, mới áp dụng được 30% năm 2017 (dự kiến nâng lên 50% trong năm 2018 này) giúp giảm tải hồ sơ bệnh án, công tác khám điều trị tại trạm thuận lợi hơn.
Nhiều năm nay, bệnh binh Nguyễn Văn Lớ (65 tuổi, người thôn Phú Túc, xã Hòa Phú) không còn bị các cơn sốt rét ác tính hành hạ. Các khớp chân tay bớt đau nhức (vì bệnh khớp mạn tính), huyết áp cũng ổn định hơn, người khỏe ra nhờ được nhận thuốc đều đặn từ trạm y tế xã.
Người lính từng lặn lội khắp chiến trường Đông Giang (Quảng Nam) những năm trước giải phóng bồi hồi chia sẻ về những đổi thay của quê hương, trong đó có nhà thương - trạm y tế xã. Ngày trước, từ nhà phải lội mất vài giờ đường rừng mới đến được trạm y tế, nhưng chủ yếu để “trấn an tinh thần”, thuốc men chẳng có gì ngoài mấy viên điều trị giảm sốt rét.
Nhưng nay từ thuốc bệnh đến thuốc bổ, “loại gì cùng có”. Thế là đều đặn 2-3 lần/tháng, ông Lớ cầm theo tấm thẻ bảo hiểm của người có công, tự chạy xe máy bon bon xuống trạm kiểm tra sức khỏe, nhận thuốc về uống.
Chị Mạc Thị Ướt (39 tuổi, người thôn Phú Túc) mấy năm nay không còn bị các cơn đau dạ dày quấy nhiễu bởi chịu khó đến trạm y tế kiểm tra, lấy thuốc điều trị thường xuyên.
Chị Ướt cho biết, lâu rồi gia đình chị không có thói quen xuống bệnh viện đa khoa huyện khám bệnh nữa, vì đến trạm là đủ, đội ngũ y, bác sĩ ở đây lại tận tình chăm sóc, cảm giác rất dễ chịu. Đó cũng là cảm nhận của nhiều người dân vùng núi Hòa Phú chúng tôi có dịp tiếp xúc.
Làm trưởng trạm hơn 10 năm, bác sĩ Nguyễn Lai các đồng nghiệp chưa bao giờ ngơi tay, bởi ngoài việc khám, phát thuốc thông thường cho dân, tại trạm, các hoạt động tiêm chủng cho trẻ, thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia về phòng chống dịch bệnh, vệ sinh an toàn thực phẩm, tuyên truyền phòng chống lao, HIV/AIDS, các chương trình y tế học đường, chăm sóc sức khỏe người cao tuổi... diễn ra quanh năm. Tuy nhiên, các cán bộ của trạm luôn lấy việc khám chữa bệnh cho bà con trong xã là niềm vui, nên chẳng thấy mệt.
Điều bác sĩ Lai trăn trở là làm sao trạm y tế ngày càng phục vụ tốt hơn nhu cầu khám chữa bệnh cho người dân. Cơ sở vật chất phòng ốc của trạm thực tế có sửa chữa nâng cấp nhưng chỗ ở cho bệnh nhân và người nhà ở lại, nhà bếp, nhà ăn, công trình phụ trợ tại trạm chưa đáp ứng yêu cầu thực tế.
Máy móc trang thiết bị y tế phần lớn đã cũ. Đặc biệt, trạm chưa có nhân lực đảm đương nhiệm vụ điều trị theo phương pháp y học cổ truyền, châm cứu, phục hồi chức năng đang có nhu cầu rất lớn trong dân.
Theo thông tin từ Sở Y tế Đà Nẵng, hiện 56/56 trạm y tế phường/xã đạt yêu cầu theo Bộ tiêu chí quốc gia về y tế xã giai đoạn đến năm 2020. Về trang thiết bị y tế, có 73,2% trạm tương đối đủ trang thiết bị cho hoạt động chuyên môn, 26,8% trạm có đủ các trang thiết bị theo quy định, 35,7% trạm có đủ thuốc thiết yếu theo quy định (khoảng 70% số thuốc cần thiết). Số lao động cơ hữu đang hoạt động tại 56 trạm hiện nay là 351 người, trong đó có 21 bác sĩ. Ngoài ra, tại tuyến xã/phường còn có đội ngũ cộng tác viên Dân số - sức khỏe cộng đồng với tổng số 1.843 người được đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ để tham gia các hoạt động về chăm sóc sức khoẻ ban đầu tại các địa phương; có 148 y tế thôn hoạt động tại 11 xã thuộc huyện Hòa Vang. Các trung tâm y tế quận, huyện, thành phố luân phiên điều động bác sĩ từ trung tâm y tế phối hợp với các trạm y tế với tần suất tối thiểu 2 lần/tuần, đến thăm khám điều trị cho bệnh nhân nhằm giảm tải cho các tuyến trên. |
THANH TÂN