Mỗi năm, các trường phổ thông, cao đẳng, đại học đóng góp hàng chục đề tài nghiên cứu khoa học, trong đó có nhiều đề tài nghiên cứu mang tính ứng dụng thực tiễn cao, hữu ích với người dân, doanh nghiệp, nhiều đề tài gần gũi với cuộc sống.
Các trường đại học cũng như Liên hiệp các Hội Khoa học-Kỹ thuật (KH-KT) thành phố, Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) hằng năm dành một nguồn kinh phí ổn định hỗ trợ các công trình nghiên cứu, chắp cánh cho các sáng tạo.
Các mẫu đồ dùng, đồ chơi do nhóm giáo viên Trường mầm non Đức Trí sáng chế từ áo mưa tiện lợi đã qua sử dụng đoạt giải nhì Hội thi Sáng tạo khoa học kỹ thuật toàn quốc năm 2015. Ảnh: H.N |
Nhiều sản phẩm có thể thay thế hàng nhập khẩu
Trong buổi đối thoại với lãnh đạo thành phố Đà Nẵng mang tên “Đối thoại tháng 3” (năm 2018) về chủ đề xây dựng thành phố thông minh, TS. Dương Minh Quân, giảng viên khoa Điện, Trường ĐH Bách khoa (ĐH Đà Nẵng) đặt câu hỏi về các giải pháp của thành phố trong việc ứng dụng công nghệ, thay thế thiết bị ngoại nhập với giá đắt đỏ.
Trả lời ý kiến phát biểu, Chủ tịch UBND thành phố Huỳnh Đức Thơ nói: “Tôi hỏi lại là bạn có giải pháp gì. Chúng tôi sẵn sàng đặt hàng cho các bạn về các sản phẩm có tính ứng dụng cao và thay thế được thiết bị ngoại nhập”.
Và Minh Quân giới thiệu luôn công trình nghiên cứu “Cải tiến, nâng cao hiệu suất tấm pin năng lượng mặt trời” mà nhóm gồm một giáo sư, một phó giáo sư và 3 tiến sĩ của khoa Điện đã nghiên cứu suốt năm 2017. Hiện sản phẩm đang được lắp đặt và vận hành ổn định tại trung tâm nghiên cứu của khoa Điện.
TS. Dương Minh Quân cho biết, trước đây nếu muốn nâng cao hiệu suất tấm pin năng lượng mặt trời phải nhập hoàn toàn thiết bị từ nước ngoài, giá thành cao trong khi tuổi đời sản phẩm không được lâu dài. Hiện nay sau quá trình nghiên cứu, nhóm nghiên cứu đã làm chủ được công nghệ, có thể lắp mạch, cải tiến hiệu suất tấm pin.
Công trình có thể lắp đặt tại nhà dân, công sở, hệ thống đèn giao thông… “Sản phẩm nghiên cứu này đã sẵn sàng để thay thế các thiết bị ngoại nhập hiện nay với giá đắt đỏ, nó có tính ứng dụng cao trong việc xây dựng thành phố thông minh, tiết kiệm năng lượng.
Về lâu dài những cải tiến của tấm pin năng lượng này có thể giúp sản xuất một nguồn điện lớn từ năng lượng tái tạo (mặt trời + gió), có thể bán trở lại cho hệ thống điện của Nhà nước”, TS. Quân chia sẻ.
Bên cạnh những công trình nghiên cứu, nhiều sáng chế của các bạn học sinh, sinh viên rất hữu ích với cuộc sống, hoặc một nhóm người yếu thế trong xã hội. Như sáng chế “Thiết bị hỗ trợ nhận biết âm thanh cho người khiếm thính” của bạn Võ Thị Thanh Tuyền (Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn) và Đặng Phước Minh (Trường THPT Phan Châu Trinh).
Sản phẩm được nhận giải đặc biệt trong Cuộc thi sáng tạo khoa học - kỹ thuật cấp thành phố năm 2017 và giải nhì cuộc thi Sáng tạo thanh-thiếu niên, nhi đồng toàn quốc.
Theo đó, những âm thanh có cường độ và tần số lớn như tiếng còi xe, tiếng báo động,… khi được máy trợ thính khuếch đại, sẽ gây tác động cực lớn đến màng nhĩ, thậm chí có thể gây tổn thương hoàn toàn. Các bạn đã tạo ra một thiết bị không tác động lên màng nhĩ của người khiếm thính mà vẫn giúp họ nhận thức được các nguồn âm thanh xung quanh mình, với 2 tính năng:
Nhận biết được sự xuất hiện âm thanh xung quanh người sử dụng và xác định hướng của nguồn âm phát ra (đặc biệt những âm thanh cảnh báo nguy hiểm như tiếng báo động, tiếng còi xe...). Thiết bị hỗ trợ nhận biết âm thanh này được sáng chế ở dạng một băng đeo trên đầu đồng thời có các thiết bị kèm theo được lắp đặt ở bốn hướng: trước, sau, phải, trái.
Thiết bị khuếch đại tiếp âm chất lượng cao với bộ phận điều khiển tự động và phù hợp với môi trường âm thanh có tạp âm thấp. Hệ thống cảnh báo của thiết bị được xây dựng chủ yếu bằng phương pháp tác động, kích thích xúc giác.
Ngoài ra, còn có led hiển thị theo 3 mức để thể hiện độ to, nhỏ âm thanh cũng như tình trạng thiết bị. Người dùng có thể dễ dàng sử dụng mà không cần các thao tác cài đặt phức tạp và chi phí giá rẻ, đồng thời không tác động xấu trên màng nhĩ của họ, góp phần bảo vệ đôi tai của người khuyết tật.
Hỗ trợ các công trình nghiên cứu
Không như ở các trường cao đẳng, đại học mỗi năm đều tổ chức hội nghị nghiên cứu khoa học đến toàn thể sinh viên, các em học sinh biết đến các cuộc thi nghiên cứu khoa học chủ yếu thông qua sự giới thiệu của thầy cô giáo. Nhưng không vì thế mà số lượng các em tham gia ít đi.
Mỗi năm Liên hiệp các Hội KH-KT thành phố hỗ trợ cho 20-30 sáng kiến cho học sinh, với mức hỗ trợ 1-1,5 triệu đồng/ý tưởng, thông qua hội thi Sáng tạo trẻ. Sau khi nghe các em trình bày ý tưởng trước một hội đồng chuyên môn các nhà khoa học do Liên hiệp các Hội KH-KT thành phố mời, những ý tưởng sáng tạo có tính mới, có tính ứng dụng cao sẽ được chọn trao giải.
Hội thi Sáng tạo trẻ được tổ chức liên tục suốt 14 năm qua, mỗi năm có khoảng 10 mô hình đoạt giải. Hầu hết ý tưởng sáng tạo của các em mới dừng lại ở mô hình cho một cuộc thi nhỏ.
Ông Võ Tiến Dũng, chuyên viên Ban Khoa học công nghệ, Liên hiệp các Hội KH-KT Đà Nẵng cho biết, ngoài các hội thi như Sáng tạo kỹ thuật toàn quốc, Giải thưởng sáng tạo khoa học công nghệ cấp quốc gia chủ yếu dành cho các cơ quan, doanh nghiệp, nhưng chỉ được vài trăm triệu đồng mỗi năm, chủ yếu mang tính hỗ trợ, vinh danh cho sự sáng tạo và quảng bá cho các đơn vị.
Trong khi đó, Trường ĐH Duy Tân mỗi năm dành một nguồn kinh phí khoảng 5-10% doanh thu cho hoạt động nghiên cứu khoa học, vào khoảng 10-20 tỉ đồng/năm. Tính đến nay, nhà trường đã có 925 bài báo khoa học được công bố quốc tế, và xác định ngoài phục vụ giảng dạy, nghiên cứu khoa học còn phục vụ kinh tế-xã hội địa phương.
Nhiều sản phẩm có tính ứng dụng cao do giảng viên, sinh viên sáng chế như hệ thống đóng lô tự động, máy lọc nước trong môi trường nuôi tôm… TS. Nguyễn Đức Hiền, Trưởng phòng Khoa học và công nghệ, Trường ĐH Duy Tân cho biết, từ trước đến nay nhà trường có 33 đề tài nghiên cứu cấp thành phố, riêng năm 2017 có 4 đề tài được triển khai.
Trường xác định đó là những giải pháp tốt phát triển kinh tế-xã hội, đây là một trong những chiến lược phát triển trong hoạt động nghiên cứu khoa học của nhà trường.
Thông tin từ Sở KH&CN Đà Nẵng cho biết, từ năm 2016 đến nay có 4 đề tài cấp thành phố, 11 đề tài cấp cơ sở do các cán bộ nghiên cứu trẻ làm chủ nhiệm được hỗ trợ thực hiện, tổng kinh phí hỗ trợ từ nguồn sự nghiệp KH&CN thành phố là 4,7 tỷ đồng. Ngoài ra, năm 2016, Sở KH&CN hỗ trợ 14 giải pháp (kinh phí 3 triệu đồng/giải pháp) tham gia Cuộc thi Sinh viên nghiên cứu khoa học với chủ đề “Thiết kế sản phẩm tiết kiệm năng lượng và thích ứng biến đổi khí hậu” do Đoàn trường Đại học Bách khoa (ĐH Đà Nẵng) phối hợp với Đoàn Sở KH&CN tổ chức. Năm 2017, Sở hỗ trợ nhóm tác giả Trường ĐH Duy Tân 40 triệu đồng cho Dự án “Thiết kế và chế tạo robot kiểm tra khuyết tật hàn”; tổ chức cuộc thi sinh viên nghiên cứu khoa học cấp thành phố năm 2017 với chủ đề “Ươm mầm ý tưởng, chìa khóa thành công”… |
HOÀNG NHUNG