Gặp lại Tết Lào

.

Tết té nước là một trong những lễ hội văn hóa truyền thống của các nước Đông Nam Á, người Lào gọi là Bunpimay. Mọi người thường té nước vào nhau để chúc phúc, cầu cho một năm mới ấm no, hạnh phúc, đem lại sự mát mẻ, phồn vinh cho vạn vật.

Góc nhà tưởng niệm Bác Hồ ở tỉnh Khăm Muộn (Lào). Ảnh: N.N.P
Góc nhà tưởng niệm Bác Hồ ở tỉnh Khăm Muộn (Lào). Ảnh: N.N.P

Buổi sáng ngày đầu năm mới mọi người lên chùa tắm cho các pho tượng Phật, buộc chỉ cổ tay, mong muốn xả hết chuyện ưu phiền rủi ro năm cũ. Không có sông suối thì lấy nước tắm cho nhau cốt để được may mắn khỏe mạnh và giàu sang hơn trong năm mới. Chính vì thế người người ùa ra đường chúc phước, té nước lên nhau không cần sự đồng ý của đối tác. Mọi người tâm niệm bỏ qua chuyện cũ, hướng tới cái mới và làm lại tất cả tốt đẹp hơn, những gì xấu xa vướng mắc phải được gột rửa cho chảy theo dòng nước.

Người Lào thích vui điền dã để được hòa vào thiên nhiên, để giao lưu ca hát. Thành phố về đêm sống trong tĩnh lặng và cổ kính (người Lào thường đi ngủ sớm). Trên phố thỉnh thoảng bắt gặp những chiếc xe chở khách tuk tuk nép bên đường nhẫn nại chờ khách trong nhịp điệu cuộc sống chậm rãi, không âu lo. Chúng tôi đến vào dịp Tết Bunpimay nên được những người bạn hiếu khách mời thưởng thức món bánh “khẩu tụm mắt” (giống bánh chưng của người Việt) có nhân quả chuối chín, gói bằng lá, buộc lạt giang, hay bánh gói “khẩu nốm mok” gồm bột nếp trộn với đường và nước dừa. Món ăn truyền thống có ý nghĩa mang lại sự may mắn đó là món Lạp. Lạp được làm từ thịt động vật: thịt và cá được băm nhuyễn với rau bạc hà xắt nhỏ và nước cốt chanh ăn với các loại rau sống như húng, ngò gai. Món Lạp vừa có vị chua, cay, béo, vừa có dư vị riêng được các đầu bếp có kinh nghiệm pha trộn bằng bàn tay khéo léo của mình để có thể đo lường thật chính xác hương vị bằng cả sự mẫn cảm tinh tế của mình, không thái quá, tất cả đều dìu dịu mà ngấm lâu như tình người Lào vậy.

Tắm tượng Phật trong ngày Tết.Ảnh: N.N.P
Tắm tượng Phật trong ngày Tết.Ảnh: N.N.P

Đặc biệt ấn tượng với tôi trong bữa cơm của người Lào là ngoài món xôi dẻo thơm là món canh chua không bao giờ vắng một thứ lá chua như lá bứa mà chỉ ở Lào mới có. Nếu thiếu vị lá này bát canh chua không còn hồn vía nữa. Lá gì vậy? Tôi cứ ngẩn ngơ nhìn cái lá đã chín ngả sang màu sẫm mà vị ngọt, vị béo, vị chua còn tứa ra đầu lưỡi. Tết Bunpimay cùng với những lễ hội tiễn nắng, gọi mưa như Bun BangPhay (đốt pháo thăng thiên), thả cầu lửa tạo nên ma lực hấp dẫn một chất keo gắn kết giữa chất thiêng huyền bí với chất men phấn khích xoắn quyện con người thành một cộng đồng gắn bó. “Khòi khòi pay” (Từ từ mà đi) là câu nói cửa miệng của người Lào. Trong nhà vợ chồng không to tiếng, không đánh mắng trẻ con. Ra đường không vội vàng chen lấn, không dùng vũ lực. Họ chỉ thích hội hè, ca hát nhảy múa. Người Lào tiếp nhận đạo Phật một cách tự nhiên bình dị làm cho cuộc sống trở nên hiền hòa, hạn chế được lòng tham, thói xấu. Tất cả cân bằng trên mọi bình diện-đó là cách ứng xử rất Lào: mềm mại, hài hòa một lối ứng xử khoan dung (tolézanice), điều mà văn hóa thế giới đang đòi hỏi.

Ấn tượng với tôi trong chuyến đi này là những ngôi chùa Lào, là dấu ấn đặc sắc của văn hóa Lào. Ở đất nước Chùa Tháp này, thanh niên Lào trước khi lấy vợ thường đi tu ở chùa vài tháng đến vài năm. Nơi đây họ được học hỏi kiến thức, học nghề, học chữ và học cả tiếng Anh. Ngôi chùa như một ngôi trường đầu đời để đào luyện con người bằng cái tâm tự nguyện của mình. Các nhà sư trụ trì thường là những nhà thông thái. Rất nhiều trẻ em Lào đã được gửi vào học ở chùa rất sớm. Buổi sáng dậy sớm, tôi được chứng kiến từng đoàn nhà sư đi khất thực trên đường phố Viêng Chăn. Họ đi lặng lẽ thành đoàn, mặc áo màu vàng hoàng thổ với những cái giỏ đựng thức ăn bằng bạc chạm rất đẹp. Người Lào xem việc mình đóng góp cho các nhà sư là nghĩa vụ, là niềm vinh dự.

Chúng tôi đã được chứng kiến những cuộc đua thuyền rồng, đó là con thuyền độc mộc khoét từ thân cây cổ thụ quý. Có thuyền sơn son thếp vàng và khảm xà cừ với những nét hoa văn lạ mắt. Những phường bạn chèo chuyền hợp sức lại với nhau, những mái chèo loang loáng ánh nước bạc ùa vào dòng chảy lớn của con sông Mẹ để dân làng bày tỏ sự tri ân với các vị thần nước, với tổ tiên đã phù hộ cho họ được yên ổn làm ăn.

Có một lễ hội được đông đảo người Lào tham gia trong ngày tết là rước nữ Chúa Xuân. Tập tục này có từ thời xa xưa. Nữ Chúa Xuân là nàng Xằng Khản, một trong bảy người con gái của thần Bốn mặt- vị thần có công đem những điều tốt lành cho dân Lào. Theo đó, mỗi năm trước lễ hội, người ta tổ chức thi hoa hậu để tuyển bảy cô gái đẹp người, đẹp nết, làm ăn chăm chỉ và giỏi giang trong cuộc sống. Đến giờ Hoàng đạo, cô gái đóng Chúa Xuân một tay gươm, một tay cầm vòng lửa cùng 6 người em gái xiêm y rực rỡ ngồi trên xe mui trần đi đầu đoàn rước, cùng dòng người nối tiếp nhau vừa đi vừa múa hát trong tiếng trống vang lừng. 

Ngôi chùa thiêng mà bất cứ du khách nào đến Lào cũng ghé thăm để làm lễ buộc chỉ cổ tay là chùa Xỉ mương (Si Muang) cách đại lộ trung tâm 1km. Ở giữa sân Chùa có máng hình con rắn thần Naga để tắm cho tượng Phật. Người Lào gọi nghi thức đó là “Xống nặm” (Giữ nước). Dòng nước chạy dọc theo thân rắn gỗ róc rách như dòng suối nhỏ chở hương thơm thấm vào pho tượng Phật. Có một điều rất đặc biệt ở đây là một đôi chim Hồng hạc ở lại ngay trên đỉnh một ngôi mộ dưới tán cây xanh tốt. Đôi chim vươn cao cổ, xõa cánh hiền từ nhìn mọi người. Nhẩn nha sống, nhẩn nha chơi, nhẩn nha lặng lẽ suy tưởng đó là đặc điểm riêng của con người ở đất nước chùa tháp. Chúng tôi làm lễ buộc chỉ cổ tay do một nhà sư còn khá trẻ trụ trì. Sợi chỉ buộc cổ tay có nghĩa là buộc hồn với thể xác, là lời cầu phúc, chúc phúc tốt lành. Đây cũng là nét văn hóa bình dân độc đáo có một không hai. Sau khi buộc chỉ phải giữ quá ba ngày mới được tháo ra và treo lên chỗ trang trọng.

Chúng tôi đã đến thăm chùa Wat-si-sa-kẹt (còn gọi là chùa Triệu tượng) được xây năm 1818. Tượng Phật ở đây rất nhiều, có cái bằng ngón tay đến tượng cao 3m bằng đồng đen, đất sét, gỗ. Kho tượng như một kho hồi ức vô giá của họ.

Cách thủ đô Viêng Chăn 27km còn có vườn Phật lưu giữ hàng trăm bức tượng, còn có tên gọi khác là Suốn Phụt. Hay ngôi chùa That luang được xây năm 1566 dưới triều vua Xịt-thả-thi-lạt được xem là biểu tượng quốc gia, in trên tiền giấy và quốc huy Lào. Mô hình chùa như một nậm rượu trên phế tích của một ngôi đền Ấn Độ thế kỷ thứ 13. Bên ngoài được dát vàng. Truyền thuyết trong tháp có lưu giữ xá lợi của Đức Phật, là một sợi tóc và rất nhiều châu báu. Chùa Thạt luang có tháp chính cao 45m bao quanh là các tháp phụ sơn son thiếp vàng rực rỡ trang nghiêm.

Tôi lại nhớ buổi trưa liên hoan tại Thà Khẹt sau khi dự lễ khánh thành khu nhà tưởng niệm Bác Hồ tại khách sạn Mê Kông. Khu nhà tưởng niệm khá khang trang, được xây ở tỉnh Khăm Muộn giáp với tỉnh Quảng Bình. Nơi đây Bác Hồ đã từng ở và hoạt động một thời gian. Vào thời điểm chúng tôi có mặt khu lưu niệm xây dựng xong trên diện tích 1,6ha gồm: nhà đón khách, nhà trưng bày hiện vật, khu vườn hoa, cây cảnh. Ở đây có một ao cá lớn gọi là ao cá Bác Hồ. Bà con Việt kiều và bạn Lào đã tổ chức một đoàn rước cá từ chính ao cá Bác Hồ ở Hà Nội về thả nuôi ở đây.  

Đến Lào vào dịp Tết Bunpimay nên các cửa hàng ăn uống của người Lào đều đóng cửa, họ kéo nhau ra đường té nước và nhảy múa. Họ chơi tết đúng hơn là ăn tết. Ở đây rất ít các quán ăn uống dọc đường. Vì thế đoàn chúng tôi suýt nữa bị đói, may sao tìm được cái biển đề “Quán cơm Việt Nam”. Bà con Việt của mình sang đây làm ăn khá nhiều và khá thành đạt bởi đức tính cần cù, chắt chiu và chịu khó. 

Tạm biệt Viêng Chăn, tạm biệt thành phố trăng rằm nằm ở tả ngạn sông Mê Kông phía Tây bắc nước Lào. Tôi mang theo về mấy hạt giống hoa Đọc Khun. Tôi sẽ ươm những hạt giống hoa này ở vùng đất biển gió Lào quê tôi bởi khí hậu càng nóng hoa càng tốt, càng tươi. Hoa như một biểu tượng sức sống của sắc nắng vàng Viêng Chăn. Có một Viêng Chăn gần gũi như dòng sông Mê Kông vẫn chảy bên lòng. Viêng Chăn không xa- Viêng Chăn thành phố trăng đêm nay lại hiện về trong nỗi nhớ…

Bút ký NGUYỄN NGỌC PHÚ

;
.
.
.
.
.
.