Nghĩ

Trường công và học sinh giỏi

Hơn 13.000 học sinh tại Đà Nẵng vừa kết thúc kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT công lập. Thi xong không đồng nghĩa với việc được xả những căng thẳng mà các em sẽ phải bước vào giai đoạn hồi hộp chờ “chọi” ai đậu, ai rớt.

Trước đây nói tới tỷ lệ “chọi” là gợi nhắc đến trường chuyên hoặc trường tốp đầu, giờ muốn vào trường THPT công lập của quận, huyện nào các em cũng phải “chọi” tranh ghế, vì học sinh lớp 9 lên lớp 10 ngày càng tăng trong khi trường công lại không tăng kịp.

Cụ thể như kỳ thi vừa rồi có hơn 13.200 học sinh dự thi nhưng tổng chỉ tiêu tuyển sinh các trường THPT công lập trên địa bàn Đà Nẵng chỉ là 10.275.

Như vậy, tính sơ đã thấy khoảng 3.000 em không có “cửa” vào trường công. Năm học trước có 11.200 thí sinh dự thi vào lớp 10 công lập đã thấy sự cạnh tranh không hề nhẹ, huống gì năm nay số lượng thí sinh tăng lên con số hàng ngàn.

Nói thiếu trường học là không chính xác, vì ngoài trường công, Đà Nẵng có rất nhiều mô hình trường học khác để học sinh tiếp tục học lên như: các trung tâm giáo dục thường xuyên thành phố, trường nghề, đặc biệt là trường tư. Có thể nói chưa năm học nào số lượng trường tư nhiều như năm học 2018-2019.

Ngoài những trường vừa thành lập cách đây không lâu, năm học mới này có thêm vài trường tư được bắt đầu tuyển sinh và đi vào hoạt động. Tùy điều kiện, phụ huynh còn có thể cho con học những trường tư chất lượng “thế giới” ngay tại thành phố Đà Nẵng.

Nhưng vấn đề ở đây là trường công học phí thấp, cơ hội học tập, đầu tư cho giáo dục gần như ngang nhau giữa các đơn vị. Trong khi đó, từ thực tế có thể nhận ra trường tư có 2 loại: Một là trường cho những em không đủ điểm vào trường công; hai là trường có dịch vụ cao cấp với học phí “đắt xắt ra miếng”.

Với những gia đình có kinh tế bảo đảm, đôi khi cho con theo học trường tư là sự lựa chọn tốt hơn cho con họ. Nhưng với những hộ chật vật cơm, áo, gạo, tiền thì chẳng qua vì con không “chọi” được với bạn để tranh suất vào trường công nên cha mẹ buộc phải cắn răng nộp tiền vào trường tư cho con được tiếp tục đi học.

Nhiều ý kiến cho rằng, trường nghề cũng là lựa chọn tốt với học sinh khi các em có thể kết thúc sớm việc học để ra đời kiếm tiền nuôi sống bản thân, hoặc nếu muốn vẫn học lên bậc thợ cao hơn sau đó. Đúng vậy, nhưng điều này chỉ đúng với những người thực sự muốn lựa chọn con đường học nghề, còn những em chẳng qua hết cửa trường công, trường tư thì quá đắt nên mới đành học nghề như một sự lựa chọn không thể khác cho tương lai thì nghĩ cũng tội.

Cũng có một số ý kiến cho rằng quỹ đất của nhân dân, thuế do nhân dân nộp nhưng trường công lại chỉ dành cho những em có điểm số cao hơn, trong khi điều kiện học tập lẽ ra phải công bằng với tất cả. Dường như những người nói câu này chỉ nhìn về một hướng rằng, đầu tư cho giáo dục là lẽ đương nhiên của Nhà nước, mà không bận tâm một thực tế giáo dục đang là thị trường béo bở.

Cùng với thực trạng thiếu trường công, tăng số lượng học sinh, thì còn có một nghịch lý là kể cả “học sinh giỏi” giờ cũng nơm nớp tỷ lệ chọi nếu muốn vào trường công.

Trước đây việc “chọi” thường chỉ rơi vào 2 nhóm đối tượng học sinh, đó là những em học giỏi hoặc những em học dưới mức trung bình. Những em giỏi thì “chọi” với bạn giỏi để vào trường chuyên, lớp chọn, trường điểm; những em học yếu thì càng phải cố “chọi” với bạn bè để kiếm một ghế ngồi ở trường công.

Còn đối tượng học sinh kha khá thì nếu không có ước mơ quá cao xa, hẳn nhiên cứ tạm yên tâm có một suất ở trường công trên cùng địa bàn cư trú. Giờ thì “học sinh giỏi” nhiều quá nên có danh hiệu giỏi cũng chưa đủ chắc ăn.

Tôi có mấy đứa cháu học THCS mà học sinh giỏi nhiều gần hết lớp. Tôi cũng có cháu học THPT và dù lớp cháu có đến 50% học sinh giỏi vẫn bị xếp lẹt đẹt so với toàn khối vì các lớp khác tỷ lệ học sinh giỏi cao hơn nhiều.

Một giảng viên cũng nêu ý kiến là giờ sinh viên đại học giỏi nhiều quá. Khóa ra trường khoảng 1.000 em mà loại xuất sắc và giỏi đến hơn 50%; số trung bình và trung bình khá chỉ chiếm vài phần trăm ít ỏi. Nhìn tỷ lệ giỏi này, thầy tự hỏi: Hay là khóa sinh viên của chính mình ngày xưa tệ quá nên rất ít bạn loại giỏi, người đạt loại xuất sắc lại càng cá biệt...

Học sinh giỏi nhiều quá vì các em giỏi quá, hay chương trình học dễ quá, hay điểm cho rẻ quá, hay bệnh thành tích nặng quá... Chẳng biết vì lý do gì nhưng cứ phải cố cạnh tranh để được “giỏi” rồi lại “chọi” trước cửa ải hạn hẹp thì đúng là quá áp lực.

CHÍCH BÔNG

;
.
.
.
.
.
.