Tín hiệu vui từ bảo tồn di tích

.

Trong những năm gần đây, với sự quan tâm chỉ đạo sát sao của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và lãnh đạo thành phố, ngành văn hóa đã đạt được nhiều thành tựu đáng khích lệ trong công tác bảo tồn, góp phần gìn giữ và phát huy những giá trị văn hóa, lịch sử cho thế hệ trẻ.

TS. Phạm Văn Triệu, Viện Khảo cổ học Việt Nam giới thiệu các hiện vật có giá trị vừa khai quật được tại vườn đình Khuê Bắc. Ảnh: Đ.H.L
TS. Phạm Văn Triệu, Viện Khảo cổ học Việt Nam giới thiệu các hiện vật có giá trị vừa khai quật được tại vườn đình Khuê Bắc. Ảnh: Đ.H.L

Gìn giữ giá trị di tích

Bà Phan Thị Xuân Mai, Trưởng phòng Quản lý di sản văn hóa (Bảo tàng Đà Nẵng) cho biết, chỉ tính riêng trong năm 2017, Sở Văn hóa và Thể thao thành phố tiến hành lập hồ sơ khoa học đề nghị xếp hạng di tích Hải Vân Quan là di tích quốc gia và di tích Thành Điện Hải là di tích quốc gia đặc biệt; đồng thời đề nghị xếp hạng 2 di tích đình Nại Hiên Đông và đình Phước Trường ở quận Sơn Trà là di tích cấp thành phố. Như vậy, đến nay thành phố có 1 di tích cấp quốc gia đặc biệt, 18 di tích cấp quốc gia và 51 di tích cấp thành phố.

Công tác quản lý di tích cũng được thực hiện tương đối tốt. Hầu hết các di tích được xếp hạng đều thành lập ban quản lý và tổ bảo vệ di tích. Một số di tích chưa được xếp hạng nằm trong danh mục kiểm kê cũng được quan tâm quản lý, chăm sóc.

Đặc biệt, vào tháng 5-2017, Trung tâm Quản lý di sản văn hóa thành phố phối hợp với Viện Khảo cổ học khai quật di chỉ vườn đình Khuê Bắc trên diện tích 50m2.

Thông qua việc nghiên cứu các hiện vật và địa tầng hố khai quật cho thấy di sản văn hóa khảo cổ ở Đà Nẵng có giá trị lớn, góp phần giải đáp các vấn đề khoa học về di chỉ thuộc văn hóa tiền Sa Huỳnh ở Việt Nam.

Bà Võ Thị Lan Chi, phụ trách lĩnh vực bảo tồn di sản, Phòng Văn hóa-Thông tin quận Cẩm Lệ cho biết, hiện trên địa bàn quận Cẩm Lệ có 3 di tích được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận di tích cấp quốc gia bao gồm Nghĩa trủng Hòa Vang, Lăng mộ Ông Ích Khiêm, Lăng mộ Ông Ích Đường.

Về cấp thành phố, quận có 7 di tích gồm: Đình Phong Lệ, đình Hòa An, đình Trung Lương, đình Tùng Lâm, đình Lỗ Giáng, Nhà thờ Tộc Thái, miếu Cây Sung. Về cấp quận có 10 di tích. “Hầu hết các di tích này đều được thành phố đầu tư sửa chữa khi xuống cấp.

Hiện di tích Nghĩa trủng Hòa Vang đang được đầu tư 5 tỷ đồng để nâng cấp nhằm chuẩn bị cho lễ kỷ niệm 160 năm Đà Nẵng kháng Pháp vào ngày 30 và 31-8-2018. Sở Văn hóa và Thể thao cũng đang phục dựng lại đình làng Lỗ Giáng với kinh phí 5 tỷ đồng theo Đề án bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc của thành phố.

Lúc mới công nhận di tích cấp thành phố, đình làng Lỗ Giáng không còn đình làng mà chỉ còn tam quan. Tuy nhiên đến năm 2017, thành phố đã hoàn thành đầu tư xây dựng tường rào, cổng ngõ của ngôi đình”, bà Lan Chi chia sẻ.

Bên cạnh đó, thực hiện ý kiến chỉ đạo của UBND thành phố tại Công văn số 502/UBND-VX ngày 20 tháng 1 năm 2016, Sở Văn hóa và Thể thao đã hướng dẫn Phòng Văn hóa-Thông tin các quận, huyện thực hiện công tác xây dựng, tôn tạo, trùng tu các bia, biển lưu niệm trên địa bàn thành phố.

Tiêu biểu như bia Phòng tuyến Cổ viện Chàm và đồn Võ Tánh, bia 76 ngày đêm làm chủ thành phố của nhân dân Đà Nẵng. “Các bia, biển trên được lựa chọn trên tiêu chí thẩm mỹ, nội dung ngắn gọn nhưng phải truyền tải được giá trị lịch sử của địa điểm và hài hòa với cảnh quan đường phố. Qua đó bia, biển vừa có tác dụng lưu niệm, tưởng niệm sự kiện lịch sử, vừa là tác phẩm nghệ thuật đường phố”, bà Xuân Mai nhấn mạnh.

Tăng cường quản lý di tích vùng quy hoạch

Cùng với quá trình đô thị hóa, một số di tích và các công trình có giá trị văn hóa bị xâm hại cũng được ngành quan tâm trùng tu, tôn tạo. Cụ thể, sau khi giải tỏa trắng phường Hòa Xuân, quận Cẩm Lệ thì đình Lỗ Giáng chỉ giữ lại được tam quan. Còn đình Trung Lương và đình Tùng Lâm đã xây dựng lại mới hoàn toàn trên thiết kế cũ.

Bà Võ Thị Lan Chi cho biết: “Những sắc phong và thờ vị được các tộc họ, ban quản lý đình làng cất giữ ở nơi trang trọng nhất. Các di tích được cấp quận ghi nhận, đa số được các phường đầu tư xây dựng, trùng tu nên không bị xuống cấp.

Hằng năm, Phòng Văn hóa-Thông tin quận đều đề xuất quận đề nghị thành phố hỗ trợ làm hồ sơ công nhận di tích cấp thành phố. Trong năm 2017, UBND quận đã đề xuất 3 di tích cấp quận nhưng Trung tâm Di sản khảo sát chưa đủ điều kiện công nhận di tích cấp thành phố”.

Nói về công tác bảo vệ các di tích nằm trong vùng quy hoạch, bà Phan Thị Xuân Mai khẳng định, các di tích đã được xếp hạng hầu như không bị xâm hại, ngoại trừ một số công trình có giá trị chưa được xếp hạng như Cụm các công trình có giá trị Nam Ô, đình Xuân Thiều...

Hiện cụm các công trình có giá trị Nam Ô đang được Bảo tàng Đà Nẵng xúc tiến đề xuất công nhận di tích cấp thành phố. Nhưng khó khăn hiện nay là phần đất của cụm công trình văn hóa thuộc Công ty CP Trung Thủy nên bị vướng mắc về mặt giấy tờ chứng nhận quyền sử dụng đất, bản đồ khoanh vùng bảo vệ di tích…

Còn đình Xuân Thiều, do nằm dưới cốt nền mặt đường Nguyễn Tất Thành 2m, nên sắp tới Bảo tàng Đà Nẵng sẽ làm hồ sơ xếp hạng để quản lý. Nếu được xếp hạng, thì Sở Văn hóa-Thể thao sẽ đầu tư tu bổ di tích này.

Đối với di tích Hải Vân Quan, đây là di tích nằm giữa địa phận 2 tỉnh, thành phố Đà Nẵng và Thừa Thiên Huế nên sau khi được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận di tích cấp quốc gia, Sở Văn hóa và Thể thao thành phố Đà Nẵng đã phối hợp với Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Thừa Thiên Huế tham mưu cho UBND 2 tỉnh, thành phố cùng nhau ký kết Bản ghi nhớ phối hợp thực hiện công tác bảo tồn và phát huy giá trị di tích Hải Vân Quan và ban hành kế hoạch quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di tích này.

Đến nay, Sở Văn hóa và Thể thao thành phố Đà Nẵng đang chủ trì phối hợp với Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Thừa Thiên Huế thực hiện xây dựng dự thảo Quy chế phối hợp quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di tích Hải Vân Quan; đồng thời triển khai công tác cắm mốc khoanh vùng bảo vệ di tích; lập Quy hoạch tổng thể tu bổ, tôn tạo, bảo quản và phục hồi di tích Hải Vân Quan với phát triển du lịch bền vững và lập hồ sơ đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trình Chính phủ xếp hạng Hải Vân Quan là di tích cấp quốc gia đặc biệt.

“Thời gian qua, công tác quản lý di tích, di sản tương đối tốt. Nhiều địa phương chủ động kinh phí tôn tạo. Các công trình ngoại vi khi có hư hại đều báo cáo cụ thể để xử lý. Điểm nóng chủ yếu rơi vào những di tích chưa xếp hạng. Trong thời gian tới, Bảo tàng Đà Nẵng sẽ có quy chế phân cấp quản lý di tích trên địa bàn thành phố nhằm giúp giải quyết về công tác quản lý di tích, không đùn đẩy trách nhiệm để quản lý tốt hơn”, bà Phan Thị Xuân Mai khẳng định.

ĐOÀN HẠO LƯƠNG

;
.
.
.
.
.
.