Nghĩ

Tuyển sinh trái tuyến: Cấm hay khuyến khích?

.

Chạy trường công, học trái tuyến không còn là vấn đề mới mẻ đối với phụ huynh có con học các lớp đầu cấp, đặc biệt ở thành phố. Đã có những địa phương “quyết liệt” nói không với trái tuyến như ở Đà Nẵng hoặc triển khai tuyển sinh trực tuyến để hạn chế tình trạng trái tuyến như Hà Nội, Đà Nẵng.

Có ý kiến cho rằng, việc cấm tuyển sinh trái tuyến là duy ý chí, nhưng có nên cho phép tuyển sinh trái tuyến hay không, khi đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng quá tải trường lớp, thậm chí còn là một trong những “kẻ hở” dẫn đến tình trạng “chạy trường”, “chạy lớp” trong tuyển sinh đầu cấp?

Nghị quyết số 53-NQ/HĐND được HĐND TP. Đà Nẵng thông qua năm 2013 được xem là “chuyển biến lịch sử” của ngành giáo dục Đà Nẵng - đó là nói không với trái tuyến, chạy hộ khẩu trong tuyển sinh đầu cấp. Theo đó, từ năm học 2014 -2015, các trường tiểu học (TH): Phù Đổng, Phan Thanh, Hoàng Văn Thụ, Trường THCS Trưng Vương (quận Hải Châu), Trường TH Trần Cao Vân (quận Thanh Khê) không được tuyển sinh đầu cấp và tiếp nhận chuyển trường trong năm học đối với học sinh (HS) trái tuyến và HS có hộ khẩu nhưng không thường trú tại địa bàn tuyển sinh của trường.

Trước khi có Nghị quyết số 53-NQ/HĐND, các trường nói trên luôn ở trong tình trạng “vỡ” chỉ tiêu tuyển sinh các lớp đầu cấp do phụ huynh “chạy” hộ khẩu để kiếm cho con một suất vào các trường này.

Đơn cử, năm học 2012 – 2013, Trường TH Phan Thanh có 284 HS ra lớp so với 112 em theo kết quả điều tra phổ cập; con số này của Trường TH Hoàng Văn Thụ là 252 HS so với 38 HS theo điều tra; Trường TH Phù Đổng vượt 400% so với chỉ tiêu tuyển sinh.

Từ khi có quy định siết chặt tuyển sinh trái tuyến, 5 trường học thuộc “top đầu” theo quan niệm của phụ huynh đã giảm nhiệt hẳn, Ban giám hiệu vì thế đỡ căng thẳng, chỉ việc tiếp nhận đúng danh sách do UBND phường xác nhận.

Thế nhưng, bắt đầu xuất hiện tình trạng “siết nơi này lại phình nơi khác” khi xuất hiện thêm một số trường bắt đầu quá tải cục bộ do trái tuyến tăng lên như Trường TH Núi Thành, TH Trần Văn Ơn (quận Hải Châu).

Trong khi đó, số lượng HS tại 5 trường kể trên bắt đầu giảm dần, thậm chí, Trường TH Hoàng Văn Thụ và Trường TH Phan Thanh bị tụt từ trường hạng 1 xuống trường hạng 2 vì chỉ còn dưới 28 lớp. Việc siết chặt tuyển sinh trái tuyến khiến các trường nằm trong danh sách “cấm” bắt đầu dôi dư giáo viên và phòng học, buộc phải luân chuyển giáo viên sang các trường khác trong quận, gây nên sự xáo trộn trong đội ngũ.

Trường TH Phan Thanh trong thời gian qua phải điều chuyển 12 giáo viên và cho 10 lao động, nhân viên nghỉ việc vì số lượng HS bán trú giảm chỉ còn một nửa.

“Nút thắt” trái tuyến được mở khi Thường thực HĐND thành phố có tờ trình về việc đề nghị xem xét bãi bỏ một phần nội dung của Nghị quyết số 53-NQ/HĐND theo hướng để UBND các quận điều tiết tuyển sinh hằng năm ở các trường.

Ông Nguyễn Đình Vĩnh, Giám đốc Sở GD&ĐT Đà Nẵng cho rằng, nên có sự linh hoạt để địa phương, cụ thể là cấp quận điều chuyển học sinh của các trường theo khu vực dân cư. “Việc phân bổ học sinh trên địa bàn dân cư phải liên tục thay đổi, chúng ta đừng cố định, làm sao đảm bảo chỉ tiêu 100% học sinh học 2 buổi/ngày là được”.

Bà Trần Thị Thúy Hà, Trưởng phòng GD&ĐT Hải Châu cho rằng, để tránh trình trạng “vỡ chỉ tiêu” của các trường trên, quận Hải Châu sẽ vẫn thực hiện đúng nguyên tắc tuyển sinh của Nghị quyết số 53-NQ/HĐND, tức là căn cứ trên hộ khẩu và sinh sống thực tế tại địa phương.

“Quận sẽ chỉ chủ động điều tiết học sinh giữa các phường lân cận trong trường hợp xảy ra quá tải cục bộ để bảo đảm 100% HS được học 2 buổi/ngày”, bà Hà cho biết.

Có ý kiến cho rằng, cấm tuyển sinh trái tuyến là một biện pháp duy ý chí và đây cũng không thể là một biện pháp lâu dài. Câu chuyện tuyển sinh trái tuyến sẽ vẫn còn là câu chuyện dài khi phụ huynh vẫn chọn trường học cho con vì yếu tố tâm lý.

Bởi qua thăm dò của chúng tôi, rất nhiều phụ huynh quyết tâm “chạy hộ khẩu” để con được theo học trường “có tiếng” chỉ vì nghe đồn, cho rằng trường “tên tuổi” hẳn chất lượng phải hơn những trường “bình thường” chứ chưa chắc đã biết rõ về điều kiện cơ sở vật chất, giáo viên... của nhà trường.

Về phía ngành GD&ĐT, câu chuyện này chỉ có thể giải quyết được một cách căn cơ một khi giải quyết được vấn đề chất lượng giáo dục, phải rút ngắn-thậm chí là xóa đi, sự chênh lệch chất lượng giáo dục giữa các địa phương, giữa các trường thì mới thay đổi được nhận thức của người dân trong quan niệm “trường điểm”.

HÀ TRẦN

;
.
.
.
.
.
.