Bên lề hội nghị Đại Hội đồng Quỹ môi trường toàn cầu (GEF) lần thứ 6 họp tại Đà Nẵng vừa qua, sản phẩm Chè dây do đồng bào dân tộc Cơ tu ở 2 thôn Tà Lang, Giàn Bí (xã Hòa Bắc, huyện Hòa Vang) khai thác được giới thiệu đến đông đảo quan khách.
Bà Trần Thị Ớt, dân tộc Cơ tu, trồng cây Chè dây phát triển tốt ở vườn nhà tại thôn Giàn Bí, xã Hòa Bắc. Ảnh: P.C.T |
Trong thời gian qua, Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc và GEF đã giúp người dân xây dựng nhãn hiệu chè dây Hòa Bắc. Hiện nay cây Chè dây mọc hoang gần cạn kiệt nên Trung tâm Công nghệ Sinh học thành phố Đà Nẵng đang chủ trì một đề tài nghiên cứu khoa học xây dựng mô hình trồng một số loài cây thuốc, trong đó có cây Chè dây.
Chè dây còn có tên Chè hoàng giang, Song nho, tên khoa học là Ampelopsis cantoniensis (Hook. et Arn) Planch., thuộc họ Nho - Vitaceae.
Đây là loài dây leo, cành hình trụ mảnh; tua cuốn đối diện với lá, chia 2-3 nhánh. Lá hai lần kép, mang 7-13 lá chét mỏng giòn, mép có răng thấp; gân bên 4-5 đôi; lá kèm gần tròn, dạng vẩy. Ngù hoa đối diện với lá có 3-4 nhánh; nụ hoa hình trứng; hoa mẫu 5. Quả mọng hình trái xoan to 6 x 5mm, chín màu đen, chứa 3-4 hạt.
Cây mọc leo lên bờ bụi vùng đồi núi. Ra hoa tháng 6-7, có quả tháng 9-10.
Tài liệu điều tra cho thấy cây phân bố: Cao Bằng, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Hà Nội, Ninh Bình, Quảng Nam, Đà Nẵng, Kon Tum, Gia Lai, Lâm Đồng, Ninh Thuận, Đồng Nai. Tại Đà Nẵng chúng tôi đã gặp Chè dây mọc tự nhiên dưới tán rừng ở Hòa Phú, Hòa Bắc. Đã có một số hộ đồng bào Cơ tu như bà Trần Thị Ớt ở tại thôn Giàn Bí xã Hòa Bắc đã đưa Chè dây về trồng trong vườn nhà (ảnh).
Chè dây có thể thu hái dây lá tươi quanh năm. Cành nhỏ và lá chè dây khô dùng nấu nước uống thay chè. Nước chè dây có vị chát, sau hơi ngọt, thơm, dễ uống. Theo Đông y, Chè dây có vị ngọt, tính mát, có tác dụng thanh nhiệt giải độc, trừ phong thấp, mạnh gân cốt. Rễ cây lợi thủy tiêu thũng, giảm đau. Cành lá chè dây còn có tác dụng an thần, làm liền sẹo, diệt xoắn khuẩn Helicobacter pylori, chữa viêm dạ dày. Một số nghiên cứu tác dụng dược lý cho thấy chè dây có tác dụng chống loét dạ dày, giảm đau, kháng khuẩn, chống oxy hóa, không có độc tính cấp và bán trường diễn.
Kinh nghiệm dân gian ở nước ta dùng dây lá chữa các chứng liên quan đến bệnh đau dạ dày như ợ chua, ợ hơi, đau rát thượng vị và làm thuốc an thần, gây ngủ. Hiện nay nhiều người biết đến chè dây như là vị thuốc chữa viêm loét dạ dày, hành tá tràng có hiệu quả, không gây tác dụng phụ, không gây ngộ độc cấp tính.
Trường Đại học Dược Hà Nội đã chế ra chế phẩm Ampelop có 50% flavonoid chè dây, còn Viện Dược liệu chế ra chế phẩm Cantonin có 80% flavonoid chè dây. Thuốc được chế tạo dưới dạng viên nén hay viên con nhộng và đã bán rộng rãi trên thị trường.
Tài liệu Trung Quốc chủ yếu dùng rễ và gốc chè dây (gọi là Vô thích căn - 无莿根) chữa viêm gan thể vàng da, cảm mạo phong nhiệt, viêm họng, nhọt sảy, mẩn ngứa, viêm tủy xương, viêm hạch bạch huyết cấp tính, trúng độc khi ăn phải vi khuẩn thực vật ưa muối. Rễ cây dùng trị đòn ngã chấn thương, phong thấp tê đau, lá dùng ngoài đắp chữa chấn thương xuất huyết.
Liều dùng từ 15-60g sắc uống. Dùng ngoài, lấy cây tươi giã đắp chấn thương hay đun sôi, xông chữa viêm kết mạc cấp.
Bài thuốc:
1. Chữa đau dạ dày: Theo kinh nghiệm của đồng bào Tày ở Lạng Sơn, Cao Bằng, hằng ngày lấy 30-50g chè dây hãm hoặc sắc uống nhiều lần. Một đợt điều trị từ 15-30 ngày.
2. Chữa cảm mạo phát sốt, hầu họng sưng đau: Rễ và thân chè dây 15-60g, sắc uống.
3. Chữa phong thấp, đau nhức khớp, đau thần kinh tọa: Rễ và thân chè dây 15-30g, sắc uống. Ngoài dùng lá chè dây tươi giã nát, xào nóng, gói vào vải sạch, đắp vào chỗ đau nhức.
4. Chữa trúng độc thực vật do vi khuẩn ưa muối (đau quặn thắt bụng trên, tiêu chảy ra nước như nước rửa thịt): Rễ tươi chè dây 50g, Gừng tươi 15g, thêm 2 chén nước sắc uống 1-2 lần. Trẻ em, người già hoặc chứng nhẹ giảm bớt liều lượng.
5. Chữa áp-xe (ổ mủ do nhiễm trùng) hay tái phát: Rễ chè dây 15g, thêm nửa rượu nửa nước sắc uống, hoặc thêm thịt heo nạc hầm ăn.
PHAN CÔNG TUẤN