Chuyện bảo mẫu

.

Bảo mẫu chính là người quyết định việc trẻ được chăm sóc như thế nào, an toàn hay không tại các nhóm trẻ. Không chính danh, lương “bèo bọt”, bảo mẫu còn phải đối diện với rất nhiều áp lực, cực nhọc. Để thực hiện bài viết về nghề bảo mẫu, tôi hẹn gặp gần 10 cô ở các nhóm trẻ, nhưng chỉ có 3 người đồng ý nói chuyện về nghề của mình.

Dẫu là nhóm trẻ gia đình, các bé vẫn được các cô dạy múa hát, đọc thơ, tuy nhiên không theo bất kỳ giáo trình nào. (Ảnh chụp tại nhóm trẻ của chị C.T.T.H) Ảnh: Mai Hiền
Dẫu là nhóm trẻ gia đình, các bé vẫn được các cô dạy múa hát, đọc thơ, tuy nhiên không theo bất kỳ giáo trình nào. (Ảnh chụp tại nhóm trẻ của chị C.T.T.H) Ảnh: Mai Hiền

Vào những ngày cuối tháng 5 vừa qua, nhiều người phẫn nộ khi vụ bạo hành trẻ nhỏ ở Nhóm trẻ Mẹ Mười (quận Thanh Khê) bị phanh phui. Hay trước đó là liên tiếp những vụ bảo mẫu bạo hành trẻ ở thành phố Hồ Chí Minh, Nghệ An. Chỉ một vài “con sâu” nhưng đủ “làm rầu nồi canh”. Cái nhìn của xã hội với nghề bảo mẫu ngày một xấu đi; đồng nghĩa với việc những người làm nghề này thấy áp lực ngày một lớn hơn.

Nhóm trẻ của chị C.T.T.H được mở tại phường Hòa Hiệp Nam, quận Liên Chiểu từ 2 năm nay. Qua lời kể của chị H., lúc chị sinh con thứ 2, hàng xóm thấy chị chăm con chu đáo, sạch sẽ thêm phần nhà chị lại thoáng mát, họ tin tưởng nên họ ngỏ lời gửi con cho chị trông giúp.

Lúc đầu chỉ có 3-5 bé. Phụ huynh lại truyền tin nhau về chị, số lượng các bé được nhờ chị trông ngày một nhiều lên và chị nghĩ đến chuyện lập nhóm trẻ.

“Cái nghề nó chọn tôi chứ tôi chưa từng nghĩ sẽ làm công việc này”, chị H. bộc bạch. Dẫu đã có kinh nghiệm chăm sóc trẻ, nhưng lại chưa qua đào tạo nên để được mở nhóm trẻ, chị H. đã theo học lớp Quản lý giáo dục mầm non và những chứng chỉ nghiệp vụ liên quan khác.

Nhóm trẻ của chị chịu sự quản lý của UBND phường Hòa Hiệp Nam cùng sự kiểm tra định kỳ của Trường Mầm non Măng non về vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm, vệ sinh chung.

15 bé đang được gửi tại nhóm trẻ của chị H. dao động từ 6 tháng tuổi đến 3 tuổi nên việc chăm trẻ trăm phần cực nhọc, dẫu có thêm 2 bảo mẫu phụ chị H. nhưng không vì thế mà sự cực nhọc thuyên giảm. Hằng ngày, chị H phải dậy từ lúc 4 giờ để chuẩn bị đồ ăn sáng cho trẻ, lau chùi nhà cửa.

Tầm 6 giờ – 6 giờ 30, phụ huynh chở con đến gửi rồi đi làm. Từ giờ đó là lịch của 3 cô bảo mẫu, định sẵn từ ngày này qua ngày khác: xoay vòng đút cho các bé 3 bữa ăn chính và 2 bữa ăn phụ mỗi ngày, dỗ cho các bé ngủ, làm vệ sinh cá nhân… Trước khi bố mẹ đến đón, bé nào cũng đã được ăn no, thay đồ sạch sẽ. 

Phụ huynh đều là công nhân, nên những hôm họ tăng ca, chị H. phải giữ các bé đến 8 hay 9 giờ tối là chuyện thường. Chị H. chia sẻ: “Mấy bé còn nhỏ nên rất hiếu động, hay giành đồ chơi của nhau. Mình cũng là một người mẹ, dạy con thế nào thì dạy các cháu như thế, phải cố gắng nói cho các bé hiểu những lúc làm sai”.

Rồi chuyện nôn trớ trong lúc ăn, có bé ói cả lên người cô; có bé mọc răng, ngứa nếu, cứ cầm đồ chơi lại cắn nên các cô phải vệ sinh đồ chơi thường xuyên; hay chuyện một bé khóc là cả một nhóm mấy bé cùng khóc theo, buộc các cô phải dỗ, phải ôm ấp mới nín…

Ở nhóm trẻ này, học phí của bé 6 tháng đến 1 tuổi tầm 1,5 triệu đồng; bé 2 đến 3 tuổi thì học phí chỉ khoảng 800.000 đến 1 triệu đồng. Thường ở các nhóm trẻ, học phí phụ thuộc vào độ tuổi, càng lớn chăm càng đỡ cực thì học phí sẽ giảm dần đi.

Cực nhọc là vậy lại thêm phần áp lực từ phụ huynh nên đã không ít lần chị H. nghĩ đến việc bỏ nghề. Hễ thấy con có vết trầy xước, vết bầm là phụ huynh đã vội kết tội bảo mẫu bạo hành trẻ mà không tìm hiểu nguyên do.

Chị H. kể: “Có bé giành đồ chơi với bạn, bị bạn cắn vào tay, để lại dấu thì phụ huynh liền bảo “Chị đánh con tôi đúng không?” mà không lắng nghe những lời lý giải của cô giáo. Có trường hợp bé bị viêm tai dẫn đến chảy mủ, phụ huynh cũng kết tội bảo mẫu bạo hành. Đến khi đưa bé đi khám, bác sĩ bảo bé bị viêm tai phụ huynh mới đến xin lỗi”.

D. (sinh năm 1998, quê Quảng Nam) hiện đang theo học hệ Trung cấp sư phạm mầm non tại Trường ĐH Sư phạm (ĐH Đà Nẵng) xin vào làm bảo mẫu tại nhóm trẻ của chị H. được hơn 1 năm nay. D cho hay: “Em chọn nghề này đơn giản là xuất phát từ tình yêu đối với trẻ nhỏ. Những hôm không giữ là em nhớ mấy bé lắm”.

Những ngày đầu làm bảo mẫu, chưa quen với việc phải nghe tiếng khóc của mấy bé nên D. cảm thấy rất đau đầu, áp lực. Mãi đến bây giờ, cơn đau đầu ấy vẫn chưa dứt. Hễ nghe tiếng khóc là đầu lại đau. Những lúc bực lên với sự hiếu động của mấy bé, D. đều cố gắng kiểm soát.

Cùng lắm thì sẽ đánh nhẹ vào mông của bé một cái. Nhưng áp lực nhất vẫn là phía phụ huynh. Chỉ cần xuất hiện một vết trầy xước nhỏ là họ sẽ nặng nhẹ với bảo mẫu, chưa kể, có phụ huynh còn dùng những lời lẽ rất thô lỗ, xúc phạm đến bảo mẫu. Thời gian đầu mới làm, D. được trả lương 2 triệu đồng/tháng, đến hiện tại đã tăng lên 3,5 triệu đồng/tháng.

Nhóm trẻ của chị N.T.H tại phường Hòa Hiệp Nam cũng được mở khoảng 1 năm gần đây. Tính đến nay, chị đã giữ trẻ được gần 6 năm. Chị H. từng theo học hệ Cao đẳng Sư phạm mầm non tại Trường ĐH Sư phạm (ĐH Đà Nẵng).

Sau khi tốt nghiệp, chị đi dạy ở trường mầm non tư thực được 3 năm thì nghỉ việc, mở nhóm trẻ để tiện lo cho gia đình. Chị H chia sẻ: “Làm cái nghề này áp lực nhiều lắm, đặc biệt là từ phụ huynh. Những bé mới đi trẻ hay khóc, có bé chỉ khóc 1 tuần là quen, có bé khóc mãi 1 tháng, 2 tháng mới quen.

Chưa kể, những ngày đầu sẽ không biết giờ giấc sinh hoạt của bé như thế nào. Tôi phải quan sát để hiểu mỗi bé, có cách chăm sóc phù hợp”. Suốt 6 năm qua, đã rất nhiều lần chị H. áp lực đến độ khóc suốt, muốn bỏ nghề. Nhưng khóc xong lại thôi, quên đi chuyện sẽ bỏ nghề và tiếp tục cố gắng. Hiện nhóm trẻ của chị H. có 7 bé được gửi và đều được một tay chị chăm lo.

Tạm gác lại sự bàng hoàng sau những clip bạo hành trẻ, vẫn còn rất nhiều những bảo mẫu chăm sóc trẻ với cả cái tâm của mình tựa như câu hát “Khi đến trường cô giáo như mẹ hiền” trong bài hát “Cô và mẹ” của nhạc sĩ Phạm Tuyên.

Những bảo mẫu như chị C.T.T.H, chị N.T.H hay D., không chỉ vì mưu sinh, mà còn vì tình yêu với trẻ, một phần vì trách nhiệm với con đường đã chọn mà những bảo mẫu đó dẫu cảm thấy áp lực, cực nhọc nhưng vẫn không bỏ nghề, luôn cố gắng làm tốt nhất có thể và chỉ mong một điều rằng sẽ nhận được sự thông cảm từ phụ huynh, mong được phụ huynh lắng nghe.

Mai Hiền

;
.
.
.
.
.
.